Quản lý bệnh hại trên rau màu vụ tết

Rau sạch là nhu cầu cần thiết đối với người tiêu dùng, nhất là trong những ngày Tết, sản lượng rau được tiêu thụ rất cao và vấn đề an toàn thực phẩm luôn được quan tâm hàng đầu. Hiện nay, nông dân trồng rau đang chuẩn bị xuống giống nhiều chủng loại rau để bán Tết Nguyên Đán như khổ qua, dưa leo, bầu, mướp,… Tuy nhiên, bệnh hại luôn là một thách thức đối với nông dân sản xuất rau màu, để có rau sạch bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo hướng an toàn.

Để quản lý tốt một số bệnh hại trên rau thường gặp trong vụ Đông Xuân thì biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp mang lại hiệu quả cao.

- Bệnh lở cổ rễ thường gây hại trên rau màu ở giai đoạn cây con (nông dân còn gọi là bệnh chết rạp cây con). Bệnh do nấm Rhizoctonia solani gây ra, chúng gây hại hầu hết các loại rau như bầu, bí, dưa leo, khổ qua, dưa hấu, cà chua,… Bệnh chỉ phát sinh phá hại từ khi cây mới mọc đến khi cây có 1-2 lá thật. Nấm gây hại đoạn cổ rễ, chổ gần mặt đất của cây bị thối nhũn, teo tóp lại, vết bệnh màu nâu, lá vẫn còn xanh sau héo dần, cây ngã rạp và chết. khi ẩm độ cao, nơi vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng xám, đôi khi có hạch nấm màu nâu đen. Nấm tồn tại trên tàn dư cây bệnh và trong đất dưới dạng sợi và hạch nấm. Hạch nấm có thể sống trong nước hàng năm. Gặp điều kiện thích hợp, hạch nấm có thể mọc ra các sợi nấm xâm nhập vào gốc cây chỗ giáp mặt đất. Nấm bệnh phát sinh, gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao do tưới đẫm nước, mưa hoặc thời tiết sáng sớm có sương mù.

 Bệnh lỡ cổ rễ.

- Bệnh héo xanh cũng là một bệnh phổ biến trên các cây họ cà (cà chua, cà tím, ớt) và họ bầu bí (dưa leo, khổ qua, bầu bí, mướp). Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra. Bệnh gây hại từ giai đoạn nhỏ đến khi có trái). Triệu chứng điển hình là cây đang sinh trưởng bình thường thì đột ngột bị héo rũ trong khi các lá vẫn còn xanh. Hiện tượng héo thường xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây xanh lại (nông dân thường nghĩ là cây thiếu nước), sau 2-3 ngày như thế cây không hồi phục và chết hẳn. Cắt ngang gốc cây bệnh sẽ thấy mạch dẫn bị thâm nâu, ấn mạnh vào chổ gần mặt cắt sẽ có chất dịch màu trắng đục tiết ra, đó chính là dịch vi khuẩn. Để xác định bệnh héo xanh vi khuẩn, lấy một mẫu thân được cắt gần gốc cho vào trong ly nước trong, sao cho không chạm vào đáy ly, nếu có vi khuẩn bệnh héo xanh, quan sát sau vài phút một dòng nước giống như sữa chảy ra từ bề mặt cắt, dịch này chứa rất nhiều vi khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn dư trong tàn dư cây bệnh tới 7 tháng, trong đất trên 1 năm, đây chính là nguồn lây truyền bệnh cho vụ sau. Vi khuẩn trong đất xâm nhập vào rễ cây rồi phát triển trong các mạch dẫn, ngăn cản sự hấp thu vận chuyển nước, muối khoáng của cây, làm cây bị héo.

 Bệnh héo xanh trên dưa hấu.

- Bệnh thán thư gây hại phổ biến trên khổ qua, dưa hấu, đậu đũa, đậu cove, ớt… Bệnh thán thư gây hại nặng nhất trên cây ớt và dưa hấu. Bệnh do nấm Colletotrichum lagenarium. Bệnh gây hại suốt trong quá trình sinh trưởng của cây và gây hại chủ yếu trên lá và trái. Trên lá, bệnh xuất hiện các lá già bên dưới trước, đốm bệnh lúc đầu là những điểm tròn màu vàng nhạt, dần biến màu nâu, có các đường vòng đồng tâm, trên vết bệnh có những thể nhỏ li ti màu đen, vết bệnh khô và rách. Đối với cây ớt, thiệt hại nặng nhất là bệnh tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt, đôi khi thất thu năng suất 100%. Bệnh thường gây hại từ trái ớt già đến trái chín, trên giống nhiễm bệnh hại cả trái non. Trên trái, vết bệnh có màu nâu đen, hình tròn, có vòng khoang hơi lõm vào vỏ, nhiều vết bệnh liên kết với nhau tạo mãng to làm thối trái, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái. Bệnh cũng gây hại trên cuống hoa làm hoa rụng sớm. Bào tử nấm bệnh thán thư  phát triển mạnh khi thời tiết nóng, ẩm. Bệnh lây lan bằng bào tử nấm và tồn tại trên tàn dư cây bệnh vụ trước và qua hạt giống để truyền bệnh sang năm sau.

 Bệnh thán thư trên khổ qua.
 Bệnh thán thư trên ớt.

Để quản lý tốt các bệnh trên nên áp dụng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ:
+ Thu dọn và tiêu hủy tàn dư cây bệnh trên đồng sau thu hoạch.
+ Trước khi trồng nên bón phân vôi khử trùng liếp.
+ Bón lót phân hữu cơ hoai mục kết hợp với chế phẩm sinh học Trichoderma.
+  Làm luống cao, thoát nước tốt.
+ Khi trong ruộng có cây bị bệnh nên tiêu huỷ và khử trùng bằng vôi để tránh lây lan.
+ Tăng cường bón lân và kali, tránh bón thừa đạm.
+ Hạn chế tưới nước muộn vào lúc chiều mát.
+ Tỉa bỏ các cành vô hiệu cho ruộng được thông thoáng.
+ Đối với bệnh lở cổ rễ, phun các loại thuốc Validacin 5SL, Daconil 75WP, Dibazole 5SC, B Cure 1.75WP, TRICÔ-ĐHCT (Vi-ĐK),…
+ Phát hiện bệnh thán thư, sử dụng một trong các loại thuốc sau: Agrilife 100SL, Vimonil 72WP, Score 250 EC, Ortiva 600SC, MAP Green 6SL, Melody duo 66.75WP...    
+ Trường hợp xác định là bệnh héo xanh, phun thuốc Starner 20WP, Biobac 50WP, New Kasuran 16.6WP, Avalon 8WP, Kasumin 2 SL, Mataxyl 500WP, Bonny 4SL, Visen 20SC…
Chú ý: gần ngày thu hoạch nên ưu tiên chọn các thuốc gốc sinh học, phun thuốc khi bệnh mới chớm xuất hiện theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì và tuyệt đối bảo đảm thời gian cách ly, để không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật