Chăm sóc dưa hấu Tết

Hiện nay, sắp đến Tết Nguyên Đán, dưa hấu là một loại rau quả không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền của người Việt Nam. Mặc dù với tiến bộ kỹ thuật như hiện nay dưa hấu có thể trồng quanh năm nhưng sản lượng dưa hấu Tết vẫn  được tiêu thụ nhiều nhất. Trong sản xuất dưa hấu Tết, ngoài năng suất, chất lượng, nông dân còn quan tâm đến vẻ đẹp của quả dưa hấu, vì ngoài việc dùng làm thực phẩm còn là loại quả được chưng bàn thờ tổ tiên nên hình dáng đẹp bên ngoài sẽ làm tăng giá trị thương phẩm. Để có những quả dưa hấu ngon, đẹp và an toàn người trồng dưa cần quan tâm đến một số yếu tố quan trọng trong kỹ thuật canh tác.

 

 

 

Phân bón là yếu tố rất quan trọng làm tăng năng suất nhưng ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất trái dưa. Nếu sử dụng không đúng sẽ làm cho dưa hấu giảm phẩm chất rõ rệt, trái mau hư trong thời gian bảo quản. Tuỳ theo loại đất mà có lượng phân bón khác nhau. Trên vùng đất tốt thì bón ít phân hơn. Nên bón vôi đầu vụ để cải tạo đất, diệt mầm bệnh trong đất, giúp các chất dinh dưỡng biến đổi thành những chất dễ tiêu cho cây hấp thu, đồng thời cung cấp Canxi cho cây, trung bình 1.000m2 dưa hấu có thể bón 50 kg vôi. Bổ sung phân hữu cơ hoai mục giúp cho đất tơi xốp, thoáng khí, giữ phân hóa học và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây; tăng cường bón phân Kali để tăng khả năng chống chịu và làm tăng độ ngọt của trái dưa. Sử dụng màng phủ nông nghiệp để hạn chế thất thoát phân bón và giảm lượng nước tưới.

 

Thụ phấn nhân tạo là kỹ thuật quan trọng giúp trái to đồng đều. Trong thời kỳ ra hoa rộ, khi dây dưa dài khoảng 1,5m (35-40 ngày sau khi gieo) thường tiến hành thụ phấn nhân tạo (nông dân còn gọi là úp nụ). Trồng dưa hấu thì phải úp nụ, vì mỗi cây dưa hấu chỉ giữ một trái, trái càng to thì càng có giá trị nên người trồng dưa phải chủ động úp nụ, lấy trái đúng vị trí trên thân, trái sẽ phát triển như mong muốn. Úp nụ thường được tập trung 4-7 ngày. Thời gian úp nụ càng ngắn càng tốt, tiến hành vào 7-9 giờ sáng.

 

Tuyển trái là kỹ thuật rất cần thiết để cho trái lớn. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40-45 ngày sau khi gieo, chỉ nên để một trái/dây. Khi trái bằng trái chanh, chọn trái thứ ba trên dây chính. Nếu trên dây chính không tuyển trái được thì chọn trái thứ hai trên dây nhánh (vị trí lá thứ 8-14). Chọn trái đầy đặn, cuống to dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh. Khi trái lớn bằng trái cam, nếu giống dưa trái tròn, thì nên sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều. Trong quá trình trái phát triển thỉnh thoảng trở bề để trái đẹp và màu vỏ trái xanh đều.

Tưới nước đúng cách sẽ hạn chế sự nứt trái và giúp trái bảo quản được lâu. Khi cây còn nhỏ, rễ chưa ăn sâu và rộng cần tưới sát gốc và nhiều lần trong ngày. Khi cây lớn, tưới xa gốc để nhử rễ mọc lan. Chỉ nên tưới gốc không nên tưới lên lá cây dễ bị bệnh. Giai đoạn mang trái cây cần nhiều nước nhất để trái phát triển. Tuy nhiên, 10 ngày trước khi thu hoạch bắt đầu giảm tưới, 5 ngày trước khi thu hoạch nên ngưng tưới hoàn toàn để giúp dưa ngọt, chắc và giữ được lâu.

Quản lý sâu bệnh trên dưa hấu cần được quan tâm, đặc biệt là khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi trồng đến khi dưa hấu bắt đầu phát triển thân lá thường hay bị bọ rùa 28 chấm gây hại. Trưởng thành bọ rùa 28 chấm là bọ cánh cứng màu đỏ cam (rất giống hình dạng bọ rùa thiên địch), trên lưng mỗi cánh có 14 chấm màu đen. Bọ trưởng thành hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, trời nắng ẩn dưới tán lá. Trưởng thành đẻ trứng thành từng khóm mặt dưới lá. Bọ non màu vàng khi mới nở, trên mình có gai nhỏ mọc thẳng góc với da. Sâu non mới nở sống tập trung, sau một thời gian mới phân tán, di chuyển chậm. Bọ trưởng thành và bọ non sống ở mặt dưới lá và cạp lớp biểu bì lá, để lại màng mỏng trắng trên lá, làm giảm quang hợp cho cây. Mật số cao có thể ăn trụi cả lá chỉ còn gân chính, lá khô cong lại, cây sinh trưởng kém, xơ xác. Để phòng trừ bọ rùa 28 chấm nên áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như: Vệ sinh đồng ruộng; thu gom tàn dư cây trồng để ủ phân hoặc đốt; Sử dụng màng phủ nông nghiệp; Luân canh với cây trồng khác, đặc biệt có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước; khi thật cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc Vineem 1500EC, Oshin 20WP hoặc dùng chế phẩm nấm xanh… Chú ý phun thuốc vào lúc chiều mát có hiệu quả cao.

 

 
 

 

Loài sâu ăn tạp cũng là loài dịch hại khá phổ biến trên dưa hấu, sâu gây hại trên lá, hoa và trái non. Sâu tuổi nhỏ cạp diệp lục chưa lại biểu bì trắng, sâu tuổi lớn ăn cả lá, trái non. Sâu phá hại mạnh vào lúc sáng sớm và chiều mát, ban ngày ẩn nấp trong cỏ dại. Phòng trừ sâu ăn tạp có thể dùng bả chua ngọt để dẫn dụ và tiêu diệt bướm, ngăn ngừa bướm đẻ trứng trên ruộng dưa; dọn sạch cỏ dại trong ruộng và chung quanh bờ; thăm ruộng thường xuyên nếu phát hiện sâu ăn tạp, phun chế phẩm nấm xanh hoặc nấm trắng.

 
 Ấu trùng sâu ăn tạp.

 

Nguy hiểm nhất trên dưa hấu là bệnh khảm vì bệnh làm giảm năng suất và chất lượng nghiêm trọng. Bệnh do virus gây ra không có thuốc trị. Triệu chứng bệnh thể hiện trên lá rất dễ nhận biết. Dây dưa bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng, loang lổ, các đốt thân co ngắn, dây chùn lại, phát triển chậm, ngọn không bò thẳng mà cứ hướng thẳng lên trên (nông dân còn gọi là triệu chứng “bắn máy bay”). Bệnh gây hại giai đoạn mang trái sẽ làm trái méo mó, da sần sùi, thịt trái bị sượng, có vị đắng, hạt thui và không còn màu đỏ đẹp. Dây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Bệnh khảm lây truyền qua côn trùng môi giới là bọ trỉ. Chúng sống trong đọt non hoặc mặt dưới lá non đề chích hút và truyền bệnh virus.  

 
 Triệu chứng bệnh khảm trên trái
 
 
     Triệu chứng bệnh khảm trên lá

 

Bệnh khảm không có thuốc trị, nhưng áp dụng những biện pháp phòng ngay từ đầu vụ sẽ hạn chế được bệnh; Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng và xung quanh; Nhổ bỏ và tiêu huỷ các dây dưa bị bệnh; Phun thuốc trừ bọ trỉ nên chọn những loại thuốc ít độc, ưu tiên chọn những loại thuốc  sinh học. Quan sát đọt non và mặt dưới lá gần đọt, nếu thấy xuất hiện bọ trỉ thì có phun trừ bằng một trong những loại thuốc sau: Abatin 5.4EC, Success 25SC,… Chú ý bọ trỉ nằm sâu trong đọt nên phun xịt trực tiếp trên đọt non mới có hiệu quả cao. Tuyệt đối khi phun thuốc, phải bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khoẻ  người tiêu  dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật