Sản xuất giống lươn đồng – Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp tại Bến Tre

Bến Tre được hình thành từ 3 dãy cù lao: cù lao An Hóa, cù lao Bảo và cù lao Minh rất thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn và nước ngọt. Các đối tượng chủ lực của tỉnh đã phát triển tốt và tạo thương hiệu như tôm biển, nghêu, sò,... Tuy nhiên, việc phát triển nhanh và tự phát đã để lại một hệ lụy đáng kể cho nghề nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh diễn ra triền miên và phức tạp. Việc xây dựng và nhân rộng những mô hình hiệu quả từ những đối tượng mới phù hợp và bền vững để thay thế là vấn đề cấp bách hiện nay.

Công tác khuyến nông chú trọng đến việc đa dạng hóa đối tượng nuôi và phù hợp với kinh tế hộ gia đình đã đưa nghề nuôi lươn thương phẩm hình thành và bước đầu phát triển khởi sắc. Tuy nhiên nguồn lươn giống trước đây phụ thuộc vào tự nhiên từ đó nghề nuôi thương phẩm phụ thuộc nghiêm trọng vào mùa vụ giống trong tự nhiên. Mặt khác cách đánh bắt lươn giống chưa phù hợp dẫn đến việc khai thác lươn giống tận thu tận diệt, khai thác không gắn liền với công tác bảo vệ hay tái tạo, nên sản lượng lươn giống ngoài tự nhiên suy giảm trầm trọng, chất lượng không đảm bảo. Việc chủ động về số lượng, đảm bảo về số lượng con giống đáp ứng nhu cầu nuôi lươn thương phẩm nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi trong thời gian tới là vấn đề cấp bách hiện nay. Để giải quyết vấn đề trên, Trung tâm Khuyến nông Bến Tre đã tiến hành xây dựng mô hình trình diễn “Sản xuất giống lươn đồng” tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành và xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri với tổng quy mô là 400m2.

Mô hình cũng đề ra các mục tiêu cần đạt được cụ thể như sau: Sản xuất được 20.000 lươn giống, cỡ 8-10 cm; tỷ lệ sống lươn bố mẹ: 80%; tỷ lệ sống lươn con: 40%; nông dân nắm được quy trình sản xuất.

Hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống lươn bố mẹ; 30% thức ăn (thức ăn cho lươn bố mẹ và thức ăn cho lươn con). Đồng thời trong quá trình thực hiện sẽ có cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình sản xuất giống lươn đồng, thường xuyên kiểm tra mô hình và kịp thời chỉ đạo kỹ thuật trong quá trình chăm sóc quản lý cho hộ dân để mô hình đạt được hiệu quả cao nhất. Sau đây là một số nội dung chính trong quy trình kỹ thuật:

Thiết kế bể sinh sản: Bể có dạng hình chữ nhật, diện tích 2m2/bể, bể có chiều cao 1m, chiều rộng 1m, dài 2m, có đặt ống xả nước, mực nước duy trì 0,3m, bể nửa nổi nửa chìm. Chọn nơi yên tĩnh, thoáng mát, có nguồn nước tốt không bị ô nhiễm làm bể cho lươn sinh sản.
 

 

 Bể sinh sản của lươn.


Chọn giống, mật độ thả: Chọn lươn bố mẹ có thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng, khối lượng trung bình lươn bố mẹ: 10 con/kg. Lươn lớn (lươn đực): cỡ 5-8con/kg, lươn nhỏ (lươn cái): cỡ 9-14 con/kg. Tỷ lệ đực cái là 1:1 (về số lượng). Mật độ thả: 10 con/m2.

Chăm sóc và quản lý: Sau 5 ngày thả lươn vào bể bắt đầu cho lươn ăn nhưng với lượng ít sau đó tăng dần theo khẩu phần ăn của lươn, ngày cho ăn từ 2 lần, thức ăn cho lươn sinh sản sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm 30-40% với lượng thức ăn 3 - 5% tổng khối lượng lươn và kết hợp với trùn quế. Nếu thấy nước bị thất thoát do bốc hơi hoặc chất lượng nước kém thì tiến hành cấp thêm nước.


Vớt trứng, ấp trứng: Sau khi thả lươn được 20 ngày thì tiến hành kiểm tra xem lươn đẻ chưa, nếu lươn đẻ tiến hành vớt trứng (chỉ vớt trứng khi trứng chuyển sang màu đỏ có tượng hình lươn con), không nên vớt trứng vàng vì tỷ lệ nở thấp, trứng vớt lên có lẫn bùn nên được rửa nhiều lần qua nước sạch. Sau đó dùng thau nhựa, thùng nhựa,... để ấp trứng lươn. Mật độ ấp 1.000 trứng/10 lít nước và có sục khí, hàng ngày thay nước từ 50 – 80% , nước sử dụng phải trong sạch, hàng ngày phải loại bỏ trứng ung (trứng có màu trắng đục) hay vỏ trứng. Ở nhiệt độ từ 26- 32oC trứng được ấp khoảng 5 – 7 ngày thì trứng nở, thả vào bể ấp một số chùm tua nilon làm nơi trú ẩn cho lươn con khi nở. Sau 7 – 10 ngày tiêu hết noãn hoàng chuyển sang bể ương.

Ương lươn bột: ương với mật độ 3.000con/m2, ương trong bể lót bạt, bể được thiết kế nghiêng về một phía và có đặt ống xả nước, mực nước 20cm, có giá thể là chùm dây nilon, thức ăn cho lươn ăn trong giai đoạn này là trùn chỉ hoặc là trứng nước, ngày cho ăn hai lần sáng và chiều, thay nước sau mỗi lần cho lươn ăn. Sang tháng thứ 2, thứ 3 thì mật độ ương giảm dần và có thể tập cho lươn ăn cá tạp xay nhuyễn phối trộn với thức ăn công nghiêp theo tỷ lệ 30% thức ăn công nghiệp + 70% cá tạp hoặc tập cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.
 

 

 Ương lươn giống trên bể lót bạt.


Sau hơn 9 tháng thực hiện, mô hình đã đạt được những kết quả hết sức khả quan: tỷ lệ sống lươn bố mẹ trên 90%; tỷ lệ sống lươn con 60%-70%; số lượng lươn con 69.900 con với kích cỡ 8cm-10cm, tỷ suất lợi nhuận của mô hình 39%. Người dân tiếp cận và nắm được quy trình sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề con giống trong quá trình nuôi lươn thương phẩm. Mặt khác, mô hình áp dụng quy trình không sử dụng hóa chất nên nguồn nước thải ít gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng công lao động nhàn rỗi đưa vào sản xuất và sinh lời, ổn định.


 

 Lươn giống.


Để đạt được kết quả trên, các sở ban ngành, chính quyền địa phương đã kịp thời chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện. Nông dân thực hiện mô hình tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, cần cù học hỏi, sáng tạo và vận hành phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tuy nhiên thị trường đầu ra chưa ổn định, các đơn đặt hàng còn nhỏ lẻ. Vì vậy trong thời gian tới, các ngành chức năng cần có phương án, chính sách hỗ trợ để nhân rộng mô hình, tìm đầu ra cho sản phẩm hướng đến sản xuất hàng hóa có trách nhiệm tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp-Lươn đồng Bến Tre. Có như vậy thì người dân mới an tâm sản xuất, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh nhà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa