Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, huyện Giồng Trôm đã hoạch định lại vùng trồng dừa hợp lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả vườn dừa. Đồng thời thực hiện liên kết giữa sản xuất và thu mua, chế biến sản phẩm dừa; nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa; nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, phát triển sản xuất và góp phần xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Công nhân thực hiện sơ chế dừa uống nước. |
Diện tích dừa toàn huyện hiện nay là 19.990 ha. Trong đó, diện tích dừa khô là 16.104,12 ha. Huyện đang thực hiện việc liên kết thực hiện chuỗi giá trị và chứng nhận dừa hữu cơ trên sản phẩm dừa khô. Bước đầu vận động thành lập các Chi hội trồng dừa, tổ hợp tác (THT) và Hợp tác xã (HTX) và tổ chức liên kết với 2 doanh nghiệp chủ lực về tiêu thụ, chế biến dừa trên địa bàn tỉnh là Công ty CP XNK Betrimex và Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới, sau đó mở rộng quy mô diện tích liên kết và số lượng doanh nghiệp tham gia liên kết. Đến nay, diện tích dừa liên kết trên địa bàn huyện là 6.480,48/16.104,12 ha, trong đó diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 5.318,99 ha, đạt 33,02% diện tích dừa khô của huyện. Trên địa bàn huyện hiện có 6 doanh nghiệp thực hiện liên kết, chứng nhận hữu cơ và thu mua 5.318 ha dừa hữu cơ ở các xã.
Ngoài ra, huyện cũng triển khai thực hiện thí điểm vùng sản xuất tập trung tại 02 xã Châu Bình và Phước Long. Trong đó, xã Châu Bình với diện tích 781,69 ha, hộ dân liên kết trực tiếp với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, hiện Công ty đã tổ chức thu mua được 100% diện tích đạt chứng nhận. Xã Phước Long với diện tích 349 ha, liên kết với Công ty CP Đầu Tư Dừa thông qua HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Long, hiện Công ty đã tổ chức thu mua được 59% diện tích đạt chứng nhận.
Đối với việc liên kết thực hiện chuỗi giá trị và xây dựng mã vùng trồng dừa uống nước, diện tích dừa uống nước toàn huyện là 3.885ha, diện tích cho trái khoảng 3.331ha, trong đó dừa xiêm xanh khoảng 2.600 ha. Hiện nay, Công ty XNK Trái cây Mê Kông thực hiện liên kết với 05 hộ dân trên địa bàn xã Phong Nẫm với diện tích 5,2 ha. Trên địa bàn huyện được cấp 01 mã số vùng trồng nội địa cho Chi nhánh Công ty Cổ phần ECOBAY Việt Nam sử dụng và quản lý, với diện tích 246,06 ha tại xã Bình Thành. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện khảo sát xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu tại một số xã trên địa bàn huyện.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nguyễn Minh Tuấn cho biết, đối với việc cung ứng vật tư đầu vào trong chuỗi liên kết, người dân đăng ký thông qua HTX, các công ty làm đầu mối giới thiệu nguồn cung cấp phân bón hữu cơ để người dân được hưởng giá ưu đãi tốt nhất, để tránh tình trạng phân giả, phân kém chất lượng. Các công ty liên kết tham gia chuỗi giá trị thu mua dừa trực tiếp ký hợp đồng với hộ dân, sau đó thông qua hợp tác xã, đại lý thu gom tại địa phương sẽ thực hiện thu gom, sơ chế, vận chuyển sản phẩm về công ty. Giá thu mua của từng công ty khác nhau, trung bình cao hơn từ 10-20% so giá thị trường, tùy vào chính sách của công ty và tùy thời điểm. Nhìn chung, qua thực hiện chuỗi giá trị, đã từng bước hình thành liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi: nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhà khoa học, Ngân hàng… bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Để việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị trong sản xuất dừa hữu cơ và dừa uống nước trên địa bàn huyện Giồng Trôm trong thời gian tới đạt hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục củng cố và thành lập THT, HTX tham gia thực hiện làm đầu mối liên kết chuỗi giá trị. Theo dõi, nắm bắt thông tin từ người dân, doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện liên kết chuỗi giá trị, tổ chức kết nối xây dựng mối liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp.
Quan tâm hỗ trợ các HTX củng cố tình hình hoạt động, triển khai đầy đủ các chính sách về kinh tế hợp tác/HTX... để hợp tác xã tiếp cận, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động, đủ điều kiện liên kết với các công ty/doanh nghiệp thu mua sản phẩm dừa cho bà con nông dân trên địa bàn xã cũng như thành viên của HTX, các Tổ hợp tác... Triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho nông dân, doanh nghiệp; tiếp tục mời gọi các Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện mã số vùng trồng tại địa phương, tránh trình trạng không trung thực trong việc sử dụng mã số vùng trồng, không tổ chức liên kết sau khi có mã số vùng trồng, cũng như thực hiện giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; áp dụng các biện pháp, chăm sóc, quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng, duy trì chất lượng của vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Đồng thời quản lý, khai thác chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh đã được xây dựng và bảo hộ,...