Liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững ngành hàng bưởi da xanh tỉnh Bến Tre

Bưởi Da xanh (Citrus maxima (Burm.Merr.) hoặc Citrus grandis(Osb.) – thuộc họ Rutaceae) là một trong những loại trái cây đặc sản của tỉnh Bến Tre do có ưu thế về giống, điều kiện thỗ nhưỡng và chất lượng cao. Bên cạnh đó, bưởi Da xanh được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh được quan tâm xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị thao Nghị quyết 03-NQ/TU. Tuy nhiên, diện tích bưởi Da xanh trên toàn tỉnh ngày càng tăng và đang đứng trước nguy cơ biến động khó lường về giá như các mặt hàng nông sản khác khi nông hộ sản xuất chất lượng chưa đồng đều, khả năng cung vượt cầu có thể xảy ra. Vì vậy để phòng ngừa rủi ro biến động giá theo hướng tiêu cực trong thời gian tới, việc nghiên cứu và liên kết chuỗi giá trị trong ngành hàng bưởi Da xanh của tỉnh là nhu cầu cấp thiết.

I. Đặt vấn đề
Diễn đàn và Triển lãm quốc tế về Kinh tế nông hộ do Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) chủ trì tổ chức tại thủ đô Budapest, Hungary diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 3 năm 2014 với sự tham gia của 60 quốc gia đã nhấn mạnh vai trò bình đẳng giới và kinh tế nông hộ trong sản xuất nông nghiệp và xu hướng hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam trong điều kiện sở hữu đất đai của nông hộ còn nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao thì yêu cầu tích tụ đất đai và tăng cường các liên kết ngang trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo thống nhất qui trình canh tác, chất lượng và sản lượng đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trên thị trường là phù hợp với định hướng và chủ trương phát triển kinh tế-xã hội trong thời kì hội nhập mới. Riêng đối với Bến Tre, ngoài các chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh đang từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện để nông dân phát triền loại hình kinh tế hợp tác và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tạo ra sự khác biệt cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh, đặc biệt là ngành hàng bưởi Da xanh (BDX) đang được quan tâm và chú trọng phát triển.

Theo thống kê năm 2016, tỉnh Bến Tre có diện tích trồng cây ăn trái 27.500 ha với nhiều chủng loại cây ăn trái nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL, trong đó bưởi Da xanh (BDX) được đưa vào nhóm cây ăn trái chất lượng cao, có tiềm năng và lợi thế thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, diện tích trồng bưởi Da xanh là 7.212 ha chiếm khoảng 26% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh cho năng suất trung bình 13,5 tấn/ha, ước sản lượng 56.800 tấn. Theo nhận định của Sở NN&PTNT, diện tích bưởi Da xanh tăng dần hàng năm và đây được xem là một trong những cây trồng làm giàu cho nông dân vì năng suất cao mà giá cũng cao, khá ổn định, hiệu quả kinh tế từ cây bưởi Da xanh mang lại vượt trội so với các loại cây trồng khác, bình quân cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng/ha/năm.

 

 

 TS. José Graziano Da Silva, Tổng giám đốc FAO chụp ảnh lưu niệm trước gian hàng trưng bày của Việt Nam tại Diễn đàn và Triển lãm quốc tế về Kinh tế nông hộ năm 2014.


Vùng trồng BDX chủ yếu tập trung ở các huyện Châu Thành (2.679 ha), Giồng Trôm (1.390 ha), Mỏ Cày Bắc (1.122 ha), Chợ Lách (567 ha) và Thành phố Bến Tre (702 ha). So với năm 2014 diện tích bưởi Da xanh huyện Giồng Trôm đã có sự gia tăng đáng kể từ 989 ha lên 1.390 ha với sản lượng thu hoạch hơn 12.000 tấn, đồng thời ở các huyện khác diện tích BDX cũng tăng đáng kể. Trên thị trường bưởi Da xanh hiện nay, tồn tại 4 loại bưởi chủ yếu phân theo trọng lượng trái là loại 1, loại 2, loại 3 và loại dạt; bên cạnh đó hình dạng và màu sắc trái và qui trình sản xuất cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên giá trị của trái BDX. Đối với bưởi năm roi đã từng được xem là loại trái cây được ưa chuộng thì cũng không thể cạnh tranh với BDX do sự khác biệt đặt trưng của hai loại bưởi này do đó khó có sự cạnh tranh về giá khi đã được xác định ở một phân khúc khác của thị trường.

II. Chuỗi giá trị ngành hàng bưởi Da xanh tỉnh Bến Tre
Chuỗi giá trị bưởi Da xanh Bến Tre được nghiên cứu và xây dựng với 04 khâu chính là cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất, thu gom và sơ chế, phân phối. Ở Bến Tre, bưởi Da xanh chủ yếu được bán dưới dạng trái tươi chỉ qua sơ chế, đóng gói vì vậy khâu chế biến không được tiến hành khảo sát chuyên sâu. Nhìn chung, chuỗi giá trị bưởi da xanh tỉnh Bến Tre sau khi được điều tra và khảo sát được mô tả như hình bên. Trong đó vai trò, chức năng và đặc điểm của các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị cũng được nghiên cứu làm rõ.

 Sơ đồ chuỗi giá trị bưởi Da xanh Bến Tre.


Nhà cung cấp đầu vào chuỗi giá trị là các cửa hàng, đại lý hoặc doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ phun xịt thuốc…) và các cơ sở doanh nghiệp kinh doanh giống cây trồng, hầu hết các cơ sở này bán cho người nông dân với hình thức gói đầu (55%) hoặc trả tiền mặt (30%), trả tiền thường xuyên (15%). Đa số các chủ cửa hàng đều tư vấn cho nông dân khi họ mua các sản phẩm bởi vì họ được đào tạo qua các lớp tập huấn về bảo vệ thực vật và có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Nông dân trồng BDX có vai trò hạt nhân trong toàn chuỗi, đây là tác nhân tạo ra sản phẩm để hình thành nên chuỗi giá trị của BDX Bến Tre. Đặc trưng của vườn bưởi Bến Tre là diện tích sản xuất của hộ gia đình không lớn, qui mô canh tác chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ chỉ có 49,29% diện tích trồng chuyên canh và 51,71% trồng xen BDX với các cây trồng khác. Phần lớn vườn bưởi Da xanh trồng ở Bến Tre là cây chiết cành (70,7%), cây ghép bo  chiếm 29,3%. Thuận lợi của người trồng bưởi Da xanh ở Bến Tre là điều kiện về thổ nhưỡng, kinh nghiệm làm vườn và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp ngành liên quan trong vấn đề chuyển giao khoa học kĩ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi, nhà vườn Bến Tre đang đối mặt với những khó khăn thách thức như ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, vật tư nông nghiệp đa dạng, giá cả thay đổi ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, chưa có qui trình sản xuất chuẩn, giá bán bưởi không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá…Thêm vào đó, vốn đầu tư sản xuất là vấn đề gây trở ngại với các hộ nông dân ở giai đoạn đầu tư cơ bản ban đầu và các hộ nông dân có diện tích canh tác nhỏ. Đa số các hộ vay vốn từ các ngân hàng như: Ngân hàng nông nghiệp và PTNT (12,66 %), Ngân hàng chính sách (2,53%), Ngân hàng thương mại (1,27%), ngoài ra có khoảng 35% nông dân mua nợ từ các cửa hàng VTNN với hình thức thanh toán theo từng đợt.

Tỷ suất vay vốn của các hộ trồng BDX.
(Nguồn: Khảo sát năm 2016).


Thương lái thường hoạt động thu mua gắn liền với thu hái trái nên số lượng lao động thường từ 1 đến 2 người,  thời gian hoạt động là quanh năm, tuy nhiên tập trung nhiều nhất vào giữa năm khoảng tháng 7-8 âm lịch và cuối năm chuẩn bị cho tết Nguyên đán. Bưởi mua từ nông dân theo phân loại và giá cả đã được thỏa thuận, chủ yếu cần đảm bảo các chỉ tiêu mà vựa thu gom đặt ra, trong đó màu sắc và hình dạng trái chiếm 70%, trọng lượng trái chiếm 20%, nguồn gốc trái 5%, còn lại là độ ngọt và nguyên vẹn của cuống lá (5%).

Chủ vựa và người bán sỉ thu gom va phân loại bưởi trái từ người nông dân (7,60%) và các thương lái (92,4%) , sau đó phân phối lại cho các vựa tại các chợ đầu mối, hoặc các đơn vị bán lẻ trong hoặc ngoài tỉnh. Đối với các cơ sở có qui mô lớn (Hương Miền Tây, Hoàng Quí, Lê Hải) thường có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các công ty xuất khẩu/trực tiếp xuất khẩu hoặc các kênh siêu thị bán lẻ (18% sản lượng toàn tỉnh) và có yêu cầu tiêu chuẩn đối với sản phẩm như VietGAP hay GlobalGAP.

Người bán lẻ và các kênh siêu thị là tác nhân trực tiếp cung cấp trái bưởi đến tay người tiêu dùng. Đối với hệ thống phân phối là siêu thị (Co.opMart, VinGroup…), nhà cung cấp thường là các tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc cơ sở sơ chế có hợp đồng và sản lượng ổn định, tuy nhiên yêu cầu của kênh này khá khắc khe, đòi hỏi bưởi Da xanh phải sản xuất theo hướng VietGAP (70%), hoặc đảm bảo xuất xứ sản phẩm (30%) an toàn. Thị trường tiêu thụ của người bán lẻ rất đa dạng và chia làm nhiều phân khúc khác nhau: hàng quà biếu có hình thái đẹp, độ đồng đều cao, chọn lựa từ loại 1 (15%); hàng phổ thông từ loại 1 đến loại 3 phục vụ cho đa dạng người tiêu dùng (80%) và hàng bi (loại 4) cho các nhà hàng, quán nước (5%).

Các tác nhân gián tiếp ảnh hưởng đến chuỗi giá trị là tổ chức, đoàn thể chính trị không tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị củ nhưng có tác động nhất định về mặc quản lý, chính sách hoặc kĩ thuật nhằm hoàn thiện và nâng cao giá trị của chuỗi. Chính sách nhà nước đã có nhiều ưu đãi đối với hoạt động sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó đặc biệt chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp” là cơ hội lớn để các cơ sở, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ phát triển về qui mô và chất lượng để thích ứng thời kì hội nhập mới của cả nước.

III. Vai trò kinh tế hợp tác trong thực hiện chuỗi giá trị
Hiện nay, Bến Tre đang tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất cá thể liên kết với nhau để thành lập các Tổ hợp tác theo nghị định 151/2007/ND-CP cũng như các Hợp tác xã theo Luật số 23/2012/QH13 trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi, từng bước khắc phục những khó khăn của nông hộ. Bước đầu các Tổ hợp tác, Hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện nông dân) đã thể hiện được vai trò của mình trong việc liên kết và hỗ trợ tổ viên trong quá trình sản xuất, tiếp cận kĩ thuật canh tác tiên tiến và dần dần hình thành chuỗi giá trị ở mức độ cơ bản, trong đó có một số tổ sản xuất theo qui trình VietGAP nhằm cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường.

Theo thống kê đến cuối năm 2016, toàn tỉnh hiện có 500 tổ liên kết, tổ hợp tác và 24 Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với trên 25.000 thành viên. Trong đó gần 60 Tổ hợp tác (THT) và 08 Hợp tác xã (HTX) dịch vụ, sản xuất và kinh doanh bưởi da xanh đang hoạt động và có hiệu quả. Tuy nhiên, do bước đầu còn nhiều khó khăn trong vấn đề tổ chức và tiêu thụ sản phẩm, các Tổ hợp tác vẫn đang luây huây tìm lối đi riêng để đảm bảo lợi ích của thành viên. Trẻ hóa lao động, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và sản xuất của nhà vườn cũng như ban quản lý các Tổ hợp tác, Hợp tác xã đang là vấn đề được Bến Tre chú trọng đầu tư, thu hút nhằm đảm bảo thực hiện được vai trò liên kết cạnh tranh của các Tổ chức đại diện nông dân trong thời kì hội nhập.

IV. Những thuận lợi và khó khăn ngành hàng BDX Bến Tre
Thuận lợi
Trên cơ bản, ngành hàng bưởi Da xanh cũng như nhu cầu kinh tế hợp tác của tỉnh Bến Tre đang được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm, tạo điều kiện phát triển, đồng thời Ủy ban nhân dân các xã, Hội nông dân, các đoàn thể và nông dân nòng cốt đồng thuận với chủ trương và từng bước tuyên truyền vận động thành lập THT, HTX tham gia chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, kế hoạch hình thành các THT và thành lập các HTX kết nối vào chuỗi giá trị được thực hiện lồng ghép vào kế hoạch xây dựng Nông thôn mới của các huyện, xã do đó tiến độ thực hiện được đảm bảo.

Khó khăn
Tuy nhiên, công tác thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm bưởi da xanh và phát triển kinh tế hợp tác cũng còn gặp nhiều khó khăn. Các khó khăn cần kể đến là: Thứ nhất, diện tích canh tác của nông hộ còn nhỏ lẻ, phân tán vì vậy các THT, HTX có diện tích chưa lớn, sản lượng không nhiều chưa đủ sức cung cấp cho các cơ sở thu mua theo yêu cầu. Thứ hai, do quy định trong bộ tiêu chí đạt nông thôn mới, mỗi xã cần có 1 HTX đã tạo ra rào cản về mặt địa giới làm giới hạn diện tích và số lượng thành viên tham gia vào các THT, HTX đã có và đang có xu hướng manh mún đối với các THT, HTX dự kiến thành lập mới. Thứ ba, bộ máy quản lý của HTX, THT còn nhiều hạn chế, trình độ năng lực quản lý của cán bộ có giới hạn, chưa được đào tạo, bồi dưỡng kịp thời, phong cách làm việc chưa đảm bảo tính khoa học, thiếu đổi mới, tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình chưa cao, còn mang nặng tâm lý sản xuất của người nông dân lao động. Thứ tư, hầu hết các THT, HTX chưa thống nhất qui trình sản xuất chung, nông dân chưa sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm và phương thức sản xuất, ý thức “mua chung, bán chung” vẫn chưa cao, chưa hiểu rõ lợi ích của hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chưa nắm bắt được xu hướng cạnh tranh thị trường trong tương lai. Thứ năm, hợp đồng mua bán với các doanh nghiệp chưa thực sự ràng buộc, giá cả chưa phù hợp để đảm bảo sự cạnh tranh; tình trạng phá vỡ hợp đồng do tác động của thương lái gây trở ngại đến hoạt động chung của kinh tế hợp tác.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh