Giồng Trôm: Kết quả 5 năm thực hiện nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân từ huyện đến cơ sở trên địa bàn huyện Giồng Trôm đã từng bước nắm bắt việc triển khai khoa học và công nghệ là động lực phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn huyện được hỗ trợ về cơ chế, chính sách khoa học và công nghệ như: Sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất theo hướng hiện đại,…

 Bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP ở xã Lương Hoà được trưng bày bán tại Hợp tác xã bưởi da xanh Giồng Trôm.


Về đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ. Huyện xác định việc phát huy và phát triển khoa học và công nghệ là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; là một trong những nội dung lãnh đạo quan trọng của cấp ủy, chính quyền; của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Các mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã đưa vào tiêu chí đánh giá hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, của cấp ủy Đảng và chính quyền hàng năm. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tích cực nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất.

 Sử dụng máy cán bánh phồng giúp tiết kiệm chi phí sản xuất.


Trong thời gian qua, huyện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ. Thực hiện tốt công khai minh bạch các định hướng phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức công bố công khai các quy hoạch đến tận người dân: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; quy hoạch xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án trong các lĩnh vực có liên quan, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện để cho các cơ sở, doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng, đầu tư, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo đúng định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đến tận cơ sở; nêu cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với các thủ tục hành chính cấp huyện. Thực hiện đồng bộ cơ chế tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ từ huyện đến xã. Kịp thời kiện toàn tổ chức Hội đồng khoa học công nghệ huyện, quy trình đăng ký, xét duyệt, tuyển chọn, phê duyệt và giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Phát huy cao hơn vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp thông qua việc mời lãnh đạo của các ban, ngành, địa phương có liên quan làm thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện trong việc xác định danh mục đề tài, dự án; xác định cụ thể đơn vị tiếp nhận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học sau khi đề tài, dự án được tổng kết, nghiệm thu. Áp dụng cơ chế hỗ trợ 30% kinh phí đối với các đề tài, dự án thuộc ngành nông nghiệp, công nghiệp đã mang lại kết quả rất khả quan. Các ngành huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã quan tâm hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ, các đề tài, dự án sát với nhu cầu cấp cơ sở được triển khai nhiều hơn so với các năm trước.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện làm tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về xét duyệt kế hoạch khoa học và công nghệ hàng năm, 05 năm phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện và Nghị quyết của Huyện ủy. Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như: Dự án nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có đệm lót sinh học; Dự án khảo nghiệm giống lúa mới và nhân rộng sản xuất giống lúa; Dự án phát triển mô hình nuôi cá lóc thương phẩm trong ao đất tại xã Hưng Phong; Dự án ứng dụng đệm lót vi sinh trong chăn nuôi heo tại xã Tân Hào; Mô hình xử lý chất thải sau biogas kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi heo; Mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP tại Tổ hợp tác bưởi da xanh Lương Hòa; Nuôi tôm thẻ chân trắng luân canh tôm càng xanh toàn đực tại xã Hưng Lễ; Mô hình trồng mãng cầu xiêm xen canh trong vườn dừa; Mô hình tưới tiết kiệm nước bằng pin năng lượng mặt trời; Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực; Mô hình trồng mãng cầu ta thái trên đất giồng cát.

 Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học ở xã Mỹ Thạnh.


Tổ chức liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hình thành cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất ở xã Bình Thành, Phong Nẫm, Phong Mỹ và Tân Thanh với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm như: Công ty lương thực Bến Tre, Công ty TNHH Thương Mại HK, Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí. Áp dụng qui trình sản xuất nông nghiệp an toàn cho cây bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Lương Hòa, phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu trái cây MêKông liên kết với các hộ nông dân các xã sản xuất dừa hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng lên khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp-thương mại dịch vụ: Đẩy mạnh chương trình khuyến công, hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp sản xuất đầu tư đổi mới công nghệ thiết bị để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Khuyến khích cơ sở sản xuất áp dụng qui trình “sản xuất sạch hơn” cho sản phẩm công nghiệp dịch vụ như: Dự án đầu tư máy quếch bột tự động cho cơ sở sản xuất bánh phồng Phạm Văn Hát; Dự án máy phay mang mỏ kềm cho cơ sở kềm kéo Hải Đăng, xã Mỹ Thạnh; Dự án đầu tư thiết bị, mở rộng xưởng may gia công cho công ty Nhựt Tân, xã Thuận Điền; Dự án ứng dụng máy cán bánh phồng cho làng nghề bánh phồng Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng; Hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm, xây dựng lôgô mẫu mã, bao bì cho sản phẩm, xúc tiến thương mại đưa sản phẩm hàng hóa vào thị trường tiêu thụ như: Nhãn hiệu tập thể bánh phồng Sơn Đốc và nhãn hiệu rau an toàn Hưng Bình, xã Hưng Nhượng.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt cơ chế chính sách thu hút đầu tư phát triển cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm. Đến nay đã có 04 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong cụm, 02 doanh nghiệp đang được thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Đang trình Sở Công thương thẩm định Báo cáo đầu tư mở rộng quy hoạch Cụm CN-TTCN Phong Nẫm huyện Giồng Trôm (giai đoạn 2) với quy mô 33ha.

Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, thực hiện giải pháp “Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai” . Tổ chức tập huấn 20 lớp hướng dẫn nông dân xử lý mùi trong chăn nuôi heo bằng chế phẩm sinh học. Trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới: Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất gạch trên địa bàn huyện chuyển đổi hình thức sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Hỗ trợ cho nông dân đầu tư pin năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, gắn với quá trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giúp người dân và doanh nghiệp làm việc với cơ quan nhà nước được thuận tiện hơn như: Phần mềm quản lý văn bản M-Office, hệ thống quản lý văn bản và điều hành I-Office; đồng thời làm việc tích cực thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện  vẫn còn một số hạn chế như: Chưa có các đề tài nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trên địa bàn; Ứng dụng công nghệ của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện còn ít và chậm đổi mới công nghệ mới; Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả trong sản xuất vẫn còn chậm, công tác khai thác tiềm năng nội lực về khoa học công nghệ để phát triển công nghệ, kỹ thuật tiên tiến chưa mang lại hiệu quả; Thị trường khoa học và công nghệ trên địa bàn huyện và khu vực chưa phát triển; nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ còn hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ còn thiếu.

Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện những công việc như:  thường xuyên kiện toàn Hội đồng Khoa học và Công nghệ thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân huyện; Tiếp tục tổ chức tập huấn về nâng cao trình độ, kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp và công nghiệp cho nông dân và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn huyện, tham gia các lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức; Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ và các ngành liên quan tiến hành kiểm tra về tiêu chí-đo lường-chất lượng đối với các mặt hàng thuộc danh mục khoa học và công nghệ quản lý trên địa bàn huyện; Tiếp tục chuyển giao, ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh