Giồng Trôm: Nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ dừa

Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng đi được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Ngành nông nghiệp nước ta vẫn còn đang là nền nông nghiệp nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong sản xuất càng cần thiết hơn bao giờ hết. Những năm qua, các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm dừa được huyện Giồng Trôm triển khai thực hiện đã mang lại những hiệu quả tích cực.

 Tham gia mô hình liên kết sản xuất, nông dân không lo bị ép giá.


Tổng diện tích trồng dừa trên địa bàn huyện Giồng Trôm tính đến tháng 8 năm 2017 là 17.454 ha, tăng 318 ha so với cùng kỳ, diện tích dừa giai đoạn cho trái đạt 16.530 ha, sản lượng 89,3 triệu trái. Dưới tán dừa trồng cây có múi, chuối, nuôi ong lấy mật,… đối với vườn dừa không sản xuất theo tiêu chuẩn dừa hữu cơ Organic nông dân kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Hiện tại huyện đang phối hợp với công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre thực hiện thu mua dừa tại 2 xã Hưng Lễ và Tân Lợi Thạnh với diện tích 667 ha, 1.089 hộ. Đồng thời triển khai chương trình dừa hữu cơ Organic từ năm 2015 tại xã Hưng Lễ với diện tích 493 ha để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến sữa dừa, nước dừa đóng lon tại cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm. Chương trình canh tác dừa hữu cơ với mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp an toàn và bền vững, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao từ nguồn nguyên liệu sạch, an toàn đối với cây trồng, môi trường và con người, vật nuôi, đồng thời nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên vườn dừa. Ông Nguyễn Văn Khinh, ấp 8, xã Hưng Lễ chia sẻ: “Gia đình tôi canh tác vườn dừa qua nhiều thế hệ, trong giai đoạn trước còn sử dụng phân hóa học. So với bây giờ thì phân hóa học gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế cũng không cao. Kể từ năm 2015 thì công ty có xuống kết hợp với nông dân xã Hưng Lễ về việc sản xuất dừa sạch, sử dụng phân hữu cơ. Bước đầu công ty hỗ trợ 100% 1 năm phân hữu cơ và thuốc trừ sâu. Phân hữu cơ này thì thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng và hiệu quả kinh tế cũng rất cao. Công ty thu mua thì  về giá cả thương buôn ở ngoài không ép giá được. Sử dụng phân hữu cơ đến nay thì thấy dừa cho trái to, căng tròn, giá cả ổn định nông dân rất phấn khởi.” Hiện tại, chương trình dừa hữu cơ đang mở rộng tại 2 xã Thạnh Phú Đông và Tân Lợi Thạnh với khoảng 350 ha. Đến cuối năm 2017 sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện tại 5 xã Sơn Phú, Thuận Điền, Phước Long, Hưng Phong và Lương Phú với diện tích khoảng 1.200 ha. Chương trình canh tác dừa hữu cơ với ý nghĩa gắn kết người nông dân sản xuất dừa với nơi tiêu thụ, mở rộng vùng dừa nguyên liệu và xây dựng chuỗi liên kết dừa hữu cơ, từ đó phát triển kinh tế địa phương theo tinh thần Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

 Vườn dừa hữu cơ Organic xã Hưng Lễ.


Đối với các mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ dừa, công ty xuất nhập khẩu Bến Tre đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dừa cho các tổ hợp tác ở 3 xã Châu Bình, Hưng Lễ và Lương Quới. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới, công ty TNHH Vina Token Tp. Hồ Chí Minh, công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Mê Kông thực hiện chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm dừa tại các xã Phong Nẫm, Châu Bình, Bình Thành, Lương Hòa, Thị Trấn, Phong Mỹ, Châu Hòa. Nông dân tham gia các mô hình liên kết được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc dừa theo mùa vụ, đối tượng dịch hại trên dừa để chủ động phòng trừ. Công ty xuất nhập khẩu Bến Tre cho các tổ viên mượn máy phun thuốc để phòng, trừ dịch hại. Nông dân khi ký kết hợp đồng tiêu thụ với công ty, được thu mua dừa với giá sàn 50.000 đồng/chục 12 trái khi giá thị trường thấp hơn 50.000, nếu giá thị trường cao hơn 50.000 đồng/chục thì công ty sẽ thu mua theo giá thị trường. Ngoài ra, công ty còn có chính sách cho nông dân ứng phân không tính lãi, ứng tiền trước 1 tháng với 50% sản lượng dừa của tổ viên tháng trước đó. Ông Nguyễn Công Trận, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Lễ cho biết: “Năm 2012, xã Hưng Lễ có kết hợp với công ty xuất nhập khẩu Bến Tre hợp đồng bao tiêu giá dừa, đây là một lợi thế cho người dân cho nên hiệu quả về lợi nhuận phát triển kinh tế cho bà con trong thời gian qua có chiều hướng đi lên. Ngoài ra còn được hỗ trợ về phân bón hữu cơ 1 công/1 bao phân. Ngoài ra ở xã kết hợp với các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là hội Nông dân và văn phòng Thống kê củng cố lại các tổ hợp tác, hiện nay đã củng cố 10 tổ hợp tác phân bổ ở 6/6 ấp. Hiện tại giá dừa cũng ổn định, bà con ở đây kinh tế trồng dừa là chính nên bà con rất quan tâm chăm sóc cây dừa”.

Qua thời gian triển khai, các mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, các tổ viên được công ty cung ứng phân bón trả chậm với giá gốc, quản lý tốt dịch hại trên cây dừa, thâm canh tăng năng suất. Ký hợp đồng tiêu thụ ổn định với các công ty, nông dân có điều kiện tiếp cận thông tin với giá cả thị trường, tránh bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, nông dân có điều kiện tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Liên kết sản xuất-tiêu thụ được xem là chìa khóa để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Với mô hình này, người dân có thể yên tâm sản xuất, sản phẩm đầu ra luôn được đảm bảo bao tiêu với giá cao. Đồng thời là điều kiện cần thiết để góp phần phát triển kinh tế xã hội huyện Giồng Trôm nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung, đặc biệt là cho phần lớn nông dân ở nông thôn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh