Một số vấn đề cần quan tâm trong tuyển chọn và ươm dừa giống

Dừa là loại cây công nghiệp dài ngày, thời gian từ khi trồng đến khi cho trái khá lâu. Vì thế, khi cây cho trái nếu giống không đạt theo mong muốn thì phải mất nhiều thời gian để trồng lại cây mới. Công việc tuyển chọn trái để làm giống là một khâu kỹ thuật hàng đầu, mang tính chất khoa học rất quan trọng, cung cấp những điều kiện tối hảo ban đầu để thiết lập vườn dừa có năng suất cao, ổn định về sau. Để có vườn dừa tốt, đạt năng suất và chất lượng cao không chỉ chú trọng việc tuyển chọn giống mà còn phải quan tâm chăm sóc từ khi cây dừa mới bắt đầu hình thành trong giai đoạn ươm.

Chọn vườn giống
Do dừa có đặc tính thụ phấn chéo là phổ biến, nhất là ở nhóm giống dừa cao (dừa lấy dầu), nên việc chọn vườn giống là một yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng trái giống và cây con sau này. Vườn giống càng thuần thì tỉ lệ cây con bị lai tạp với nguồn phấn lạ càng thấp. Xuất phát từ yêu cầu này, vườn dừa đạt yêu cầu để chọn giống phải đạt: Không trồng xen nhiều loại giống khác nhau. Có ít nhất 20 cây cùng giống trở lên (đối với các giống quí, hiếm hoặc các giống có số lượng cá thể ít có thể chọn với số lượng cây mẹ ít hơn nhưng phải loại bỏ cây lai trong vườn ươm một cách nghiêm ngặt). Tuổi cây trong vườn phải đồng nhất. Cây phát triển đồng đều có độ tuổi từ 10-40 năm, cho năng suất và sản lượng cao liên tục nhiều năm. Mật độ, khoảng cách cây trong vườn phải hợp lý, không xảy ra tình trạng cạnh tranh ánh sáng. Không bị sâu bệnh.                                     
    
Chọn cây mẹ
Cây mẹ là những cây có khả năng cho năng suất cao được tuyển chọn trong vườn giống, khi chọn cây mẹ cần quan tâm đến các yếu tố sau:

Cây được trồng trong điều kiện bình thường, tránh chọn những cây có điều kiện chăm sóc đặc biệt (gần nhà, gần chuồng trại…). Thân cây to, mọc thẳng đứng, phát triển đồng đều, khỏe mạnh, các sẹo lá khít nhau (nhặt mắt, không vươn lóng cao). Số tàu lá trên cây > 25 tàu, tàu lá dài đều nhau, cuống bẹ lá to và ngắn, lá rũ nghiêng xuống đất, các lá chét dài và mọc khít nhau. Cây có buồng dài nhưng cổ buồng to và ngắn để không bị gãy buồng khi sai trái. Cây không bị lạc bẹ. Cây cho năng suất cao, đối với nhóm dừa lùn (dừa uống nước) có số trái:  ≥ 100 trái/cây/năm, nước ngọt, tuổi cây từ 8 - 25 năm ; Đối với nhóm dừa cao có số trái ≥ 70 trái, cơm dừa dày, tuổi cây từ 10 - 35 năm. Thích nghi tốt với điều kiện sinh thái của địa phương (phèn, mặn, chống chịu sâu bệnh…). Sau khi chọn được cây mẹ cần phải đánh dấu cây và theo dõi liên tục qua 3 năm để chọn ra cây cho năng suất cao và ổn định.

Chọn trái giống
Trái giống phải được thu trên những quày của những cây mẹ đã được chọn. Nên chọn những trái có độ chín thuần thục, vỏ và xơ đã khô, lắc nghe tiếng nước róc rách trong gáo. Kích thước trái trung bình so với kích thước đặc trưng của giống (không quá to cũng không quá nhỏ).Trái giống nặng cân, đều đặn, không dị dạng, không bị sâu bệnh phá hại. Nên ưu tiên chọn các trái ở giữa buồng, rồi đến trái ở cuối buồng. Nên phân loại trái giống theo cùng độ chín để phân biệt sự khác nhau về thời gian nẩy mầm của trái khi ươm.  

KỸ THUẬT ƯƠM DỪAGIỐNG

Chọn vị trí vườn ươm
Mục đích chính của việc thiết lập vườn ươm trái là để tuyển chọn được những trái nẩy mầm sớm, mầm khỏe mạnh, không bị lẫn tạp giống. Việc thiết lập vườn ươm trái cũng giúp loại bỏ những trái nẩy mầm chậm, mầm yếu, giống không chính thống ra khỏi vườn ươm cây con sau này, giúp giảm bớt chi phí. Vị trí vườn ươm trái phải bằng phẳng, thuận lợi cho việc tưới tiêu, dễ quản lý. Trong thực tế, nông dân không cần vườn ươm trái mà thường đặt trái ở nới râm mát dưới tán cây hay chung quanh nhà. Tuy nhiên, việc làm này chỉ áp dụng trong điều kiện sản xuất nhỏ, không đảm bảo quy cách đặt trái, không đảm bảo đủ ánh sáng cho cây sẽ làm cây con mọc vươn cao, sinh trưởng kém, khó đảm bảo hoàn chỉnh các tiêu chuẩn cây con tốt.
Làm đất

Đất được dọn sạch cỏ, xới tơi xốp, có rãnh  thoát nước và dễ dàng chăm sóc. Bón lót thêm phân chuồng (1-2kg/m2) và phân hữu cơ vi sinh nhằm giúp đất tơi xốp thêm và không bị bạc màu sau nhiều lần ươm. Xử lý vôi trước khi ươm và không nên ươm quá 3 lần liên tục trên cùng một diện tích đất để ngăn ngừa nấm bệnh.   
 
Chăm sóc trong vườn ươm trái
Khả năng quang hợp của cây con kém nên cần giảm bớt khoảng 50% cường độ ánh sáng bằng cách che lưới giảm sáng hay ươm dưới tán vườn cây lớn (dừa, so đủa …). Tưới nước đủ ẩm là khâu quan trọng nhất trong vườn ươm, thiếu nước trái sẽ chậm nảy mầm ngược lại nếu thừa nước mầm sẽ bị thối, tưới ít nhất 3 lần/tuần vào mùa nắng, giúp trái nẩy mầm nhanh. Có thể kiểm tra bằng cách dùng ngón tay ấn nhẹ vào mặt vạt, nếu thấy nước vừa rịn ra là được.Giai đoạn này không cần bón phân vì trái nảy mầm nhờ chất dinh dưỡng có sẵn trong nước và cơm dừa.

Tuyển chọn cây con trong vườn ươm trái ra vườn ươm cây con
Sau khi đặt trái vào vườn ươm từ 8-10 tuần thì chồi mầm đã bắt đầu đâm ra khỏi lớp vỏ xơ và khi trái nào có chồi mầm cao khoảng 6-8cm thì dời trái đó ra vườm ươm cây con. Khi chuyển sang vườn ươm cây con cần lưu ý phải loại bỏ những trái có mầm mọc cong queo, dị dạng, trái có 2 mầm trở lên, những cây bị lai tạp nhất là đối với giống dừa lùn, chỉ chọn trái nảy mầm sớm, chỉ có 1 mầm, mầm thẳng gắn chặt vào vỏ dừa, có màu sắc và hình dạng đặc trưng của giống. Mục đích của việc thiết lập vườn ươm cây con là tạo điều kiện tối ưu cho cây con phát triển nhanh, cây sẽ mau cho trái sau khi trồng và giảm được chi phí chăm sóc trong giai đoạn đầu. Tùy theo điều kiện có thể ươm cây con trên đất hoặc ươm trong bầu nhựa dẽo. Để tuyển chọn được chính xác phải bảo đảm các điều kiện đồng đều như cùng giống, cùng độ chín, được ươm cùng lúc và cùng điều kiện chăm sóc. Trong vườn ươm cây con phổ biến có bệnh thối đọt, bệnh đốm lá, bọ dừa và chuột, nên theo dõi thường xuyên và phòng trị kịp thời.

Bệnh thối đọt: Triệu chứng đầu tiên là những lá non ở đọt bị vàng từ ngoài chót sau đó lan dần vào bên trong. Trên ngọn các tàu lá sẽ méo mó và những lá chét chồng chất lên nhau, nhỏ hẵn đi. Bị nặng đọt dừa thối và có mùi hôi rất khó chịu.  Nông dân cần nhận biết triệu chứng ngay giai đoạn đầu để phòng trừ kịp thời mới cứu được cây dừa. Bệnh do nấm Phytophthora palmivora gây ra. Nấm thường gây bệnh vào đầu mùa mưa, vườn ươm thiếu ánh sáng tạo ẩm độ cao bệnh dễ phát triển. Để phòng trừ bệnh thối đọt nên thoát nước tốt trong vườn ươm. Phát hiện trong vườn ươm có cây bệnh thì nên tiêu hủy để mầm bệnh không phát tán sang những cây khác. Phát hiện sớm khi cây vừa chớm bệnh sử dụng một trong những loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil-MZ 72 WP, … phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

 

 

 

Bệnh đốm lá: Bệnh gây ra bởi hai loại nấm là Pestalozzia palmarum  và Helminthosorium sp. Triệu chứng lá xuất hiện những đốm vàng, sau lớn dần thành vết cháy hình bầu dục, ở giữa có màu xám nhạt, bên ngoài có viền nâu đậm và quầng màu xanh. Khi các đốm cháy nối liền nhau tạo thành vết cháy lớn hơn. Phun thuốc trừ bệnh gốc Đồng.

 

 Triệu chứng bọ dừa gây hại.


Bọ dừa: Thành trùng và ấu trùng bọ dừa đều tấn công lá của đọt non khi chưa bung ra. Chúng cạp diệp lục lá trên bề mặt tạo ra những sọc điển hình song song với mép lá, bị nặng cả lá bị cháy khô. Khi tàu lá đọt nở bung ra thì thành trùng di chuyển sang lá non hơn để tấn công. Đối với cây dừa trong vườn ươm, có thể phun thuốc trừ sâu (chọn thuốc gốc Cúc tổng hợp) để tiêu diệt bọ dừa. Hiện nay, đối với bọ dừa đã từ lâu áp dụng biện pháp sinh học thả ong ký sinh ngoài vườn dừa để chúng ký sinh ấu trùng bọ dừa mà không phải sử dụng thuốc vì khi phun thuốc hóa học rất mau tái nhiễm và gây ô nhiễm môi trường.
Chuột: chuột cắn phá rễ, trái dừa trong vườn ươm. Chúng đục khoét ở phần mềm gần cuống để ăn cơm dừa. Thường phá hại nhiều ở những vườn ươm nhiều cỏ mọc chung quanh. Dùng bẩy để bắt chuột.    

Trong sản xuất lớn, việc tuyển chọn giống và chăm sóc giai đoạn cây con trong vườn ươm theo đúng quy trình là khâu rất cần thiết, đảm bảo cho vườn dừa đạt năng suất và chất lượng về sau.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh