Phòng trừ bệnh hại rau muống trong mùa mưa

Rau muống là loại rau dễ trồng, mau thu hoạch và có giá trị dinh dưỡng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm do ăn phải rau muống có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư vượt mức cho phép, đây là vấn đề mà người sản xuất rau cần quan tâm. Do rau muống là loại rau rất ngắn ngày nên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh nông dân phải hết sức thận trọng nếu không, việc ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là điều khó tránh khỏi. Hiện nay, một số vùng chuyên canh rau muống ở xã Hữu Định, huyện Châu Thành đang bị nhiễm bệnh gỉ trắng và bệnh thối gốc gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng rau. Nông dân cần sớm nhận biết bệnh hại và có biện pháp phòng trừ theo hướng an toàn.

 Triệu chứng bệnh gỉ trắng.

 

Bệnh gỉ trắng do nấm Albugo ipomoea gây ra, thường gây hại trên giống rau muống tàu (trắng). Bệnh phát sinh chủ yếu trên lá, đôi khi có ở thân gần ngọn. Bệnh gây hại ở mặt dưới lá già, sau đó lan dần lên trên làm lá vàng úa, rụng sớm, cây phát triển kém, cọng rau bị sượng cứng. Vết bệnh đầu tiên là những đốm nhỏ màu trắng (nông dân thường nhầm lẫn với rệp dính), sau đó lớn dần và nhô cao lên ở mặt dưới lá, xung quanh viền vàng, chổ vết bệnh nổi phồng lên làm lá bị co lại, nhiều vết bệnh có thể liên kết lại với nhau làm lá biến dạng và sần sùi. Cuống lá và thân bị phình ra và xoắn lại, ảnh hưởng đến sinh trưởng và chất lượng rau. Những ruộng rau muống trồng dày, ẩm độ cao, bón nhiều phân đạm sẽ làm bệnh phát triển mạnh. Nấm tồn tại trong tàn dư cây bệnh. Bào tử nấm phát triển thích hợp trong điều kiện nhiệt độ thấp, ẩm độ cao. Bệnh lây lan do gió và côn trùng phát tán nấm.

 

* Biện pháp phòng trừ bệnh gỉ trắng
- Không trồng quá dày và không nên bón quá nhiều N. 
- Luân canh với cây trồng khác.
- Làm đất kỹ sau vụ thu hoạch.
- Thu hoạch đúng lúc không để kéo dài. Sau những đợt thu hoạch cần làm vệ sinh liếp trồng tạo điều kiện thông thoáng cũng hạn chế được bệnh.
- Sử dụng thuốc hóa học: Vimonyl 72BTN, Arygreen 75WP, Polyram 80DF, ,.... Lưu ý: nên xịt vòi phun đều mặt dưới lá thì mới đạt hiệu quả cao.

 

Bên cạnh bệnh gỉ trắng thường xuất hiện và gây hại, trong mùa mưa bệnh thối gốc cũng khá phổ biến trên rau muống. Bệnh thối gốc do nấm Rhizoctonia solani. Nấm bệnh xâm nhập phá hủy gốc cây gần mặt đất. Quan sát kỹ sẽ thấy ngay cổ rễ, chổ tiếp giáp với mặt đất có những vết màu nâu, bao quanh thân làm gốc thối nhũn, cây đổ rạp, nhổ lên rất dễ đứt ở gốc, cây sinh trưởng kém, lá vàng và rụng sớm. Bệnh thường phát sinh một vài cây, sau lan dần làm rau muống chết thành từng đám. Trong điều kiện ẩm ướt, trên vết bệnh có lớp tơ nấm màu trắng và có những hạch nấm nhỏ màu đen như hạt cát. Bệnh gây hại từ khi cây rau muống còn nhỏ đến lớn. Nấm phát triển chủ yếu ở dạng sợi và hạch. Hạch nấm có thể sống trên một năm. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng, ẩm. Những ruộng rau muống thoát nước kém, cây thường xuyên bị ẩm nước là điều kiện bệnh phát triển. Ruộng rau gieo trồng quá dày, bón thừa đạm bệnh phát triển nặng. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư thực vật và trong đất, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ tấn công cây trồng.


 Triệu chứng bệnh thối gốc.


Biện pháp phòng trừ bệnh thối gốc

- Trồng rau muống trên vùng đất thoát nước tốt. Tránh tưới nước thường xuyên cho cây vì như vậy sẽ làm cho thời gian ẩm của cây dài hơn.
- Sau thu hoạch nên thu dọn tàn dư thực vật vụ trước. Không nên trồng quá dày để tạo thông thoáng ruộng rau. Ngoài ra, cần làm sạch cỏ dại vì cỏ dại là nơi nấm trú ngụ.
- Đầu vụ khi làm đất nên bón vôi. Có thể trộn chế phẩm sinh học Trichoderma vào phân hữu cơ hoai mục để bón cho cây có hiệu quả rất tốt để hạn chế bệnh thối gốc.
- Thường xuyên thăm ruộng rau, phát hiện sớm những cây bệnh và nhổ bỏ để hạn chế lây lan.
- Sử dụng thuốc hóa học: Vivadamy, Validacin, …phun ướt đều cây và chú ý thuốc phải tiếp xúc được với phần gốc thân.

 

Rau muống là loại rau rất ngắn ngày và đòi hỏi phải thu hoạch đúng ngày thì rau mới ngon. Vì vậy để bảo đảm không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, nông dân cần chú ý khi phun chọn những loại thuốc có thời gian cách ly ngắn hoặc trường hợp gần đến ngày thu hoạch mà phát hiện bệnh thì tốt hơn là không phun thuốc vì trong trường hợp đó nếu có phun thì cũng không thể giúp cho cây xanh tốt như bình thường mà còn tốn tiền thuốc và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh