Quản lý sâu đục trái dừa bằng biện pháp mới

Sâu đục trái dừa là loài dịch hại mới xuất hiện trong thời gian vài năm gần đây, phá hại trên các vườn dừa ở tỉnh Bến Tre làm giảm năng suất nghiêm trọng. Nông dân trồng dừa đã phải khó khăn đối phó với chúng và biện pháp chủ yếu là sử dụng thuốc hóa học phòng trừ. Tuy nhiên, dừa cao khó phun và nguy hiểm nhất là ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Do đó, để quản lý sâu đục trái dừa có hiệu quả, việc áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp là rất cần thiết.

Sâu đục trái dừa có tên khoa học Tirathaba sp., thuộc họ ngài sáng (Pyralidae), bộ cánh vảy (Lepidotera). Trứng có hình bầu dục, kích thước rất nhỏ. Trứng được bảo vệ bởi lớp vỏ rất mỏng, dạng lưới, màu trắng trong. Lúc mới nở, trứng có màu trắng, sau 1 ngày chuyển sang màu vàng nhạt. Trứng được đẻ rải rác hoặc tập trung thành từng cụm ở các nách của bông đực hoặc phần tiếp giáp giữa mầu và trái dừa non. Thời gian ủ trứng từ 4-6 ngày. Ấu trùng sâu đục trái dừa khi đẩy sức dài khoảng 15-18 mm,  phát triển trong khoảng 14-22 ngày. Sâu mới nở có màu vàng nhạt, sau chuyển màu nâu đen. Cơ thể sâu chia đốt rõ ràng, mỗi đốt có 4 đốm đen và nhiều lông nhỏ mọc đứng. Ấu trùng tuổi 5 sau khi đạt kích thước tối đa thì bắt đầu nhả tơ kết dính phân và tàn dư thực vật để tạo kén hóa nhộng. Nhộng của sâu đục trái dừa thuộc dạng nhộng màng.  Nhộng mới hình thành có màu vàng nhạt sau đó chuyển sang màu nâu đậm. Thời gian nhộng từ 7-9 ngày. Trưởng thành của sâu đục trái dừa là loài ngài màu xám nâu, dài khoảng 8,5-11 mm. Cánh trước hẹp, màu vàng xám có ánh bạc, có 6 sọc đỏ chạy dọc thân cánh. Xung quanh rìa cánh trước có hàng chấm màu đen. Cánh sau rộng và tròn hơn cánh trước, có màu vàng ánh. Ở cánh trước và sau của ngài đều viền lông mịn. Râu đầu màu xám bạc, dạng sợi chỉ và ngắn hơn cơ thể. Thời gian sống của thành trùng kéo dài từ 4-9 ngày.

 

 

 

 

Tập tính sinh sống và gây hại

Sâu đục trái có thể gây hại cả bông và trái dừa. Trên bông, triệu chứng nhận biết là có rất nhiều bông đực bám thành chùm trên ngọn dừa vì sâu nhả tơ kết dính các bông đực tạo nơi trú ẩn, làm bông không rơi xuống được. Sâu gây hại bông dừa làm bông không trổ được hoặc trổ không hoàn toàn (nghẹn bông).

Trên trái, sâu có thể gây hại từ trái nhỏ (khoảng bằng trái cau) đến trái lớn (đường kính khoảng 10-15 cm) nhưng phổ biến nhất khi trái còn nhỏ. Triệu chứng nhận biết sâu đục trái gây hại là phân đùn ra ngoài thành từng đám và có những lỗ đục nhỏ ngay bên dưới.

Sâu đục trái dừa gây hại chủ yếu phần non của trái, ngay vị trí tiếp giáp giữa trái và “mầu” dừa (lá đài) hoặc ngay bên trong lá đài, quan sát bên trong sẽ thấy được đường đục của sâu trong trái. Sâu ăn phần vỏ (xơ dừa) và gáo non của trái dừa. Sâu non nhả tơ di chuyển từ trái này sang trái khác, sâu di chuyển nhanh. Mật số cao, sâu làm trái non rụng hàng loạt, đôi khi có những buồng dừa chỉ còn trơ chà.

Đối với sâu đục trái dừa nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sẽ mang lại hiệu quả cao. Nông dân chú ý các biện pháp kỹ thuật sau:

Vệ sinh vườn: làm cỏ ít nhất 6 tháng/lần, dọn sạch tàn dư thực vật trên cây dừa, loại bỏ các bẹ lá khô và buồng dừa khô để tạo thông thoáng cây dừa, hạn chế thành trùng sâu đục trái dừa đến đẻ trứng.

Thường xuyên thăm vườn dừa, phát hiện sớm sự xuất hiện của sâu đục trái, thu gom và tiêu hủy các trái dừa bị nhiễm sâu đục trái còn trên cây hoặc rơi xuống đất.

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Trường Đại học Cần Thơ (nằm trong đề tài: “Nghiên cứu quy trình quản lý theo hướng sinh học đối với bọ vòi voi và sâu đục trái gây hại trên dừa tại tỉnh Bến Tre” và trường Đại học Cần Thơ đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho cán bộ ngành Nông nghiệp tỉnh Bến Tre về việc áp dụng quy trình quản lý tổng hợp đối với bọ vòi voi và sâu đục trái dừa, vào ngày 5 tháng 4 năm 2017), tinh dầu sả (được chiết suất từ cây sả) có khả năng xua đuổi thành trùng của sâu đục trái dừa vì thế treo tinh dầu sả sẽ hạn chế ngài sâu đục trái đến đẻ trứng. Tinh dầu sả được chiết ra túi nilon nhỏ, mỗi túi chứa 2ml tinh dầu sả được thấm vào bông gòn và treo lên buồng hoa (hoặc buồng trái non). Treo ở mật độ 20 túi /1.000 m2, túi tinh dầu sả được treo ngang bằng với vị trí hoa dừa đang nở, nên thay mới 2 tuần/lần.

 

 


Bồi bùn và tăng cường bón phân hữu cơ kết hợp với phân hóa học hợp lý để cây sinh trưởng tốt, ra hoa và đậu nhiều trái. Bồi bùn mỗi năm hay 2 năm một lần. Nên bồi vào mùa nắng, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dày khoảng 3-5cm. Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được quan tâm nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao. Để nhiều lá mục trên bờ vườn cũng cung cấp cho dừa nhiều chất hữu cơ.

 

Trên cây dừa, chỉ sử dụng thuốc trừ sâu khi thật cần thiết, ưu tiên chọn lọc những loại thuốc sinh học và chỉ phun ở giai đoạn trái còn non để hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh