Biện pháp khắc phục “dừa treo”

Hàng năm, cứ vào mùa nắng nóng giá dừa lại tăng cao, đặc biệt là dừa uống nước trong mùa khô 2017 đã lên đến trên 120.000 đ/chục. Với giá dừa này, nông dân trồng dừa rất phấn khởi song tỷ lệ nghịch với giá dừa, năng suất ở đa số các vườn dừa đã tụt giảm rõ rệt trong thời điểm mùa khô này. Thông thường trong năm, sẽ có thời điểm cây dừa mang trái rất ít, hiện tượng dừa giảm năng suất một số tháng trong năm mà dân gian gọi là “dừa treo”.  Đối với nhóm dừa cao, hiện tượng “dừa treo” thường xảy ra từ tháng 9-10, còn đối với nhóm dừa lùn (dừa uống nước) thường xảy ra trong khoảng tháng 3-4. Hiện tượng “dừa treo” xảy ra trong thời gian bao lâu tùy theo “sức khỏe” của cây, tuy nhiên có những vườn dừa vẫn sai trái quanh năm nếu được chăm sóc hợp lý. Làm thế nào để khắc phục hiện tượng “dừa treo”, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đây cũng là thách thức lớn cho người trồng dừa.

 Hiện tượng “dừa treo”.


Trước hết, nông dân cần quan sát vườn mình để xác định nguyên nhân “dừa treo” vì có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng trên. Thứ nhất, thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không cân đối (bón đạm quá nhiều trong khi lân và kali quá ít). Thứ hai, thời tiết bất lợi như mưa nhiều thụ phấn kém hoặc nắng hạn thiếu nước. Trên cây dừa trưởng thành cứ mỗi trục của mỗi cuống đều mang một phát hoa (mo hoa), các phát hoa rất dễ bị chết bởi khô hạn, ngập nước và thiếu dinh dưỡng. Thứ ba, thiếu ánh sáng cũng làm cho dừa đậu trái rất ít. Lý do cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, sâu bệnh góp phần làm dừa rụng trái non dẫn đến cây dừa “trơ chà”. Để khắc phục hiện tượng “dừa treo” nông dân cần quan tâm đến các biện pháp sau:

Bón đầy đủ dinh dưỡng

Kết quả phân tích sự huy động các chất dinh dưỡng của cây dừa, cho thấy 3 chất dinh dưỡng quan trọng nhất đối với cây dừa theo thứ tự là Kali (K), Clorua (Cl) và đạm (N). Kali cần thiết cho sự tạo thành cơm dừa và dầu dừa. Bón kali ở giai đoạn vườn ươm cây con sẽ mọc mạnh, ra trái sớm, sai trái. Thiếu kali ở giai đoạn đầu sẽ ảnh hưởng đến năng suất dừa về sau, mặc dù thời gian sau được bón kali đầy đủ. Kali có ảnh hưởng đến việc tăng số buồng, số hoa cái, tỉ lệ đậu trái, trọng lượng trái. Do đó, cây dừa thiếu kali thường cho ít trái, trái nhỏ và năng suất thấp. Nếu tình trạng thiếu kali kéo dài, lá bên dưới tán chết sớm, khô nhưng không rụng nên thường có 5-6 tàu lá dừa khô còn dính trên cây. Đạm giúp cho sự tăng trưởng của cây, ra hoa sớm, đạm còn có vai trò quan trọng là giúp cho cây dừa tạo nhiều hoa cái. Ngoài ra, đạm còn giúp cho cây dừa sử dụng kali hữu hiệu hơn. Clorua (Cl) được xem như một chất đa lượng đối với cây dừa hơn là một chất vi lượng như đối với các cây trồng khác. Clorua ảnh hưởng đến sự gia tăng chu vi gốc thân, giúp gia tăng sự hấp thụ các chất kali, lân, canxi và ma-nhê nên giúp cho cây ra trái sớm. Clorua có vai trò quan trọng trong việc tạo cơm dừa. Thiếu Clorua dừa cho trái nhỏ nhưng số trái/buồng không giảm.

Đối với dừa thâm canh tại Bến Tre nên bón theo công thức phân: 1,2-1,5kg Urea + 2,0-2,2kg Super lân (hoặc lân nung chảy) + 1,2kg KCl/cây/năm. Ngoài ra, hàng năm nên bón bổ sung cho đất từ 30kg đến 50kg vôi /1.000m2 (đối với đất phèn nhiều). Nếu sử dụng phân hỗn hợp NPK thì nên sử dụng công thức 15-10-20 (400kg/ha/năm). Nên chia phân ra nhiều lần để bón (ít nhất 4 lần). Cách bón: Xới nhẹ đất trong vùng tập trung nhiều rễ, cách gốc từ 1,5m đến 2,5m (tùy theo tuổi của cây dừa), rải đều, khỏa đất lấp kín phân hoặc phủ mụn dừa hay lá dừa lên trên. Nếu bón phân trong mùa nắng cần tưới đủ nước ngay, để cây hấp thu tốt, tránh phân bị tiêu hao.

Ngoài phân hóa học, việc bón phân hữu cơ cho dừa cũng cần được bổ sung nhằm cung cấp thêm phân vi lượng, cải tạo đất, giúp cho cây sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng và đạt năng suất cao, bón càng nhiều phân hữu cơ càng tốt. Để nhiều lá mục trên bờ vườn cũng cung cấp cho dừa nhiều chất hữu cơ.

Bồi bùn

Phù sa sông hay bùn ao cũng là nguồn cung cấp chất hữu cơ và góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho vườn dừa. Có thể bồi bùn mỗi năm hoặc 2 năm một lần. Nên bồi vào mùa nắng, khi bồi chỉ nên trải một lớp bùn dày khoảng 3 - 5cm.

Tưới nước trong mùa khô

Dừa cần đủ nước để phát triển và ra hoa, kết trái. Thiếu nước, cây dừa sẽ không hút được chất dinh dưỡng và sẽ đậu trái ít hoặc rụng trái non nhiều. Sự khô hạn xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình phát triển đều có ảnh hưởng đến năng suất. Giai đoạn bị ảnh hưởng nhiều nhất lúc hình thành mầm hoa; phát triển bầu noãn và sau khi đậu trái. Chú ý: Khô hạn năm nầy sẽ ảnh hưởng đến năng suất của năm sau. Vì thế, tưới đầy đủ nước cho dừa trong mùa khô là biện pháp hữu hiệu nhằm tăng năng suất dừa. Giữ ẩm cho dừa, đơn giản nhất là tủ lá dừa cho gốc để hạn chế sự bốc thoát nước. Trong mùa khô, khoảng 5-10 ngày tưới một lần. Nếu không thể tưới đều khắp, thì nên tập trung nước tưới đủ thấm cho mỗi cây khoảng vài mét vuông.

Mật độ trồng hợp lý

Trồng mật độ hợp lý để đảm bảo đủ ánh sáng cho dừa phát triển và cho trái. Mật độ trồng tùy theo giống, độ màu mỡ của đất, điều kiện khí hậu và có trồng xen hay không trồng xen. Đối với giống dừa cao, mật độ trồng khoảng 180 cây/ha. Đối với giống dừa lùn (dừa uống nước) mật độ trồng khoảng 240 cây/ha.

Phòng trừ sâu bệnh

Một số dịch hại phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất dừa là bọ vòi voi và sâu đục trái tấn công giai đoạn trái non gây rụng trái nghiêm trọng. Nên thường xuyên quan sát vườn dừa phát hiện kịp thời và áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó chú ý khâu vệ sinh cây dừa.

 Triệu chứng Sâu đục trái dừa gây hại.


Để khắc phục hiện tượng “dừa treo”, cho vườn dừa trĩu quả quanh năm, đòi hỏi người trồng dừa phải biết áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến từ khâu mật độ trồng, dinh dưỡng, nước đến việc quản lý sâu bệnh một cách hợp lý.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh