Thực trạng và nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Ở Bến Tre, thế mạnh kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ chiếm đa số. Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 42,3%, công nghiệp-xây dựng 22,6%, thương mại-dịch vụ 35,1%; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân trong 05 năm (2011-2015) đạt 5,64%/năm, đứng ở vị trí thứ 11/13 tỉnh khu vực ĐBSCL.

Đến cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 2.929 doanh nghiệp, chiếm 0,43% dân số, suất đầu tư bình quân khoảng 4,88 tỷ đồng/doanh nghiệp; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỷ lệ khá lớn 96,5%. So sánh suất đầu tư của doanh nghiệp Bến Tre đối với một số tỉnh lân cận như Tiền Giang có 5.841 doanh nghiệp với suất đầu tư 7,94 tỷ đồng/DN; Long An có 6.700 doanh nghiệp với suất đầu tư gấp 9 lần của tỉnh Bến Tre; Vĩnh Long có 2.708 doanh nghiệp với suất đầu tư 5,62 tỷ đồng/DN.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, chỉ số CPI đứng hàng thứ 4 trong khu cực ĐBSCL, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều cơ hội để mạnh dạn đầu tư; các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung chưa đủ mạnh để kích thích doanh nghiệp tiếp cận và tham gia.

Từ năm 2014 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, khảo sát nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ tại 398 cơ sở kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, làng nghề, hộ kinh doanh cá thể). Qua khảo sát, có 127 cơ sở có nhu cầu cần được hỗ trợ, cụ thể: đổi mới thiết bị, công nghệ: 59 cơ sở; xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp: 41 cơ sở; xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng: 04 cơ sở; tham gia giải thưởng chất lượng: 01 cơ sở; công bố sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn: 05 cơ sở; áp dụng công cụ nâng cao năng suất và chất lượng: 06 cơ sở và ươm tạo, thành lập khoa học và công nghệ là 11 cơ sở.

Như vậy, nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ của doanh nghiệp là rất lớn nhưng đến nay có rất ít doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ này. Nguyên nhân chính là xuất phát doanh nghiệp chưa chủ động, tích cực và năng lực còn hạn chế, chi phí đổi mới thiết bị, công nghệ lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận; những yêu cầu, điều kiện bắt buộc tuân thủ còn khắt khe và thủ tục cũng như cơ chế tài chính còn nhiều bất cập.

Tuy nhiên, theo số liệu điều tra cho thấy doanh nghiệp của tỉnh rất quan tâm tự đổi mới công nghệ, thiết bị. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, đã có trên 30 doanh nghiệp tự đầu tư đổi mới công nghệ với chi phí 184 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp cho biết, nhờ đầu tư đổi mới công nghệ nên đã đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, thay thế dần lao động thủ công, sản lượng tăng lên đáng kể, hàng hóa được định lượng chính xác, giảm hao hụt, sản phẩm đưa ra chiếm thị phần tốt hơn, đặc biệt là sản phẩm đạt các tiêu chuẩn tiên tiến của các nước nhập khẩu như Mỹ, Bắc Âu, Nhật, Hàn Quốc, nhờ vậy mà doanh thu tăng trưởng khá nhanh, có doanh nghiệp tăng lên 4 lần như Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới.

Từ năm 2015 đến nay, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre đã nhận chuyển giao công nghệ chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, nông, lâm, thủy sản, chế biến thực phẩm với 219 hợp đồng được ký kết, tổng giá trị 238 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, có 08 dự án đầu tư được thẩm định với tổng kinh phí 15.083 tỷ đồng, trong đó, chi đầu tư công nghệ 9.086 tỷ đồng chiếm 60% tổng vốn đầu tư. Bên cạnh đó, chi cho NC&PT, đổi mới công nghệ, thiết bị trong doanh nghiệp có xu hướng tăng hàng năm, tốc độ tăng bình quân 2012-2015 là 3,41%/năm.

Ngoài ra, kết quả đánh giá trình độ công nghệ một số ngành chủ lực có 06 ngành trình độ công nghệ trung bình và 01 ngành trình độ công nghệ trung bình tiên tiến. Trong đó, thành phần công nghệ, thiết bị ngành dừa có điểm số tương đối khá (chiếm 53,45% trong tổng điểm đánh giá). Đến nay đã có 02 doanh nghiệp chế biến dừa hoàn thành việc ươm tạo, làm chủ công nghệ và được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Nhờ áp dụng công nghệ mới, tiên tiến nên tổng chi phí sản xuất giảm 10% và giá trị tăng thêm của ngành dừa đạt 15%, góp phần vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tỉnh Bến Tre từ 2.529 tỷ đồng năm 2010 lên 4.721 tỷ đồng vào năm 2015.

Kết quả đạt được chứng tỏ doanh nghiệp Bến Tre quan tâm ngày càng nhiều hơn đến ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể là một số sản phẩm dừa đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH&CN trên thị trường đạt 133 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế so sánh với các tỉnh trong khu vực, quy mô cung-cầu trên thị trường công nghệ của tỉnh Bến Tre còn rất nhỏ bé do các tổ chức KH&CN còn quá ít, hiệu quả chưa cao; khả năng đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn diễn ra chậm, làm hạn chế họat động giao dịch trên thị trường công nghệ. Điều này được thể hiện rõ nét qua các số liệu cụ thể:

Một là, trình độ công nghệ 07 ngành chủ lực của tỉnh ở mức trung bình và trung bình tiên tiến, cũng như chỉ số tốc độ đổi mới công nghệ giai đoạn 2012 – 2015 của tỉnh đạt 10,73%; giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao đạt 22,8% cũng đang ở mức trung bình thấp so với mặt bằng chung của quốc gia. Điều này phản ánh tác động của KH&CN đối với phát triển kinh tế còn phụ thuộc nhiều đối với sự nỗ lực đầu vào của quá trình sản xuất, tức là mức tiêu thụ nguyên liệu, nhân công và năng lượng sẽ tiêu tốn nhiều hơn cho một sản phẩm đầu ra tương ứng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Hai là, doanh nghiệp có quan tâm đến tự đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhưng chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp lớn, có khả năng và nguồn lực đầu tư.

Ba là, toàn tỉnh đã hình thành được 02 doanh nghiệp KH&CN, chưa có doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN để đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của doanh nghiệp, cũng như chưa có các tổ chức trung gian để hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp.

Hướng tới, doanh nghiệp tỉnh Bến Tre phải tích cực, chủ động hơn trong hoạt động nghiên cứu-phát triển, ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm tạo ra dòng sản phẩm mới, có năng suất chất lượng và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đối với nhà nước, cần tạo lập cơ chế đặt hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thường xuyên, khẩn trương ban hành các chính sách để phát triển thị trường công nghệ; đơn giản hóa biểu mẫu, thủ tục thẩm định, xét duyệt hồ sơ hỗ trợ doanh nghiệp; mở rộng đối tượng và ưu tiên hỗ trợ đối với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất đầu vào phù hợp với năng lực và yêu cầu phát triển sản phẩm tức là nên quan tâm nhiều hơn đến tiêu chí đầu ra của sản phẩm (năng suất, chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường). Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính, nhất nguồn quỹ hỗ trợ của Trung ương và địa phương như Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, vận động thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; thành lập các tổ chức trung gian để tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cao trình độ công nghệ, phát triển và đa dạng sản phẩm có giá trị gia tăng cao ở các ngành công nghiệp chế biến dừa, chế biến thủy sản và một số ngành công nghiệp hỗ trợ.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh