Một số giải pháp nâng cao hiệu quả vườn cây ăn trái đặc sản

Châu Thành với diện tích cây ăn trái toàn huyện là 7.824 ha. Trong đó, có hai loại cây đặc sản là sầu riêng và chôm chôm (851,22 ha sầu riêng và  2.134,37 ha chôm chôm) nhưng hai loại cây trồng này không thích hợp với độ mặn có trong nước tưới. Trong năm 2016, do tình hình biến đổi khí hậu làm cho nước mặn dâng lên toàn huyện Châu Thành (Bến Tre) gây thiệt hại nặng nề đến năng suất, cũng như diện tích của hai loại cây trồng đặc sản này. Diện tích cây chôm chôm và cây sầu riêng bị thu hẹp dần (Theo số liệu thống kê năm 2016, diện tích chôm chôm bị đốn bỏ do nước mặn xâm nhập là 54,34 ha, cây sầu riêng là 11,51ha). Về năng suất của 2 loại cây trồng này thì năng suất chôm chôm sẽ giảm đi một nửa so với năm trước, chất lượng thì cũng không cao như bị bệnh phấn trắng, râu kẽm, chua… Một số vườn chôm chôm bị chết chậm hiện nay vẫn còn tiếp tục chết; riêng cây sầu riêng sau thời gian nhiễm mặn thì cây phục hồi lại rất tốt và năng suất ước tính năm 2017 cũng không thua kém gì năm trước.

 

Qua khảo sát nhanh của đoàn cán bộ Khuyến nông huyện, Khuyến nông xã và đại diện chính quyền địa phương về tình hình cây trồng trên địa bàn xã, nắm lại diện tích, năng suất các loại cây trồng đặc sản và khuyến cáo người dân khắc phục hậu quả của hạn, mặn năm 2016, cũng như kế hoạch phòng, chống hạn, mặn để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như hiện nay. Trước tiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực thủy lợi đã đầu tư cho nhiều hệ thống đê bao cho khu vực, cũng như đê bao cục bộ để ngăn mặn trữ ngọt, Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành cũng tranh thủ nguồn vốn cấp trên, nguồn vốn huyện để đầu tư hệ thống cống và các nắp cống ngăn mặn, đồng thời vận động các hộ dân có điều kiện đầu tư hệ thống đê bao cục bộ từng vườn hoặc từng khu vực để phòng, chống hạn, mặn; vận động nông dân trữ ngọt bằng nhiều hình thức như túi nilong dưới mương vườn, trải bạc bơm nước vào có mái che, trữ nước trong mương vườn, ống hồ, bồn nhựa… Và trang bị dụng cụ đo độ mặn cho các xã. Lực lượng khuyến nông huyện, khuyến nông xã phối hợp với các ban ngành đoàn thể huyện, xã tuyên truyền vận động, tập huấn, khuyến cáo người dân chăm sóc cây trồng trong mùa hạn, mặn cho thật tốt để giữ vũng vườn cây ăn trái đặc sản này.

 Vườn cây chôm chôm ra hoa sau đợt hạn, mặn.

 

Qua khảo sát, đoàn chúng tôi có chung nhận định rằng: trong vụ trái cây mùng 5 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan ngọ) năm nay, cây chôm chôm không có thu hoạch rộ như những năm trước mà chỉ có một vài vườn có, còn năng suất thì rất thấp chỉ bằng 50% so với năm trước; còn cây sầu riêng hiện nay phát triển rất tốt, hứa hẹn cho năng suất cũng khá cao. Nhưng trong quá trình khảo sát, chúng tôi có đến thăm vườn của anh Nguyễn Hữu Tuấn, anh Chín Vợt, anh Út Nghĩa và anh Tư Phục cùng ở ấp Tân Quy, xã Tân Phú thì vườn các anh này mới vừa thu hoạch chôm chôm và trúng giá rất cao. Anh Nguyễn Hữu Tuấn cho biết vườn chôm chôm của anh cũng bị nước mặn xâm nhập năm 2016 như bao vườn khác trong khu vực nhưng nhờ sự tận tụy thường xuyên xả nước bằng cách bơm nước tưới lúc mương vườn thấp và chờ nước cạn sát thì xả đáy mương, làm đi làm lại nhiều lần kết hợp với việc bón vôi, bón lân, bón hữu cơ và cuối cùng anh tiến hành bón NPK để đến cây phục hồi hoàn toàn. Đến tháng 7 âm lịch năm 2016, anh bắt đầu đậy mũ và may mắn là không bị cháy đọt như các vườn khác nhưng do ảnh hưởng mặn xâm nhập của năm 2016 nên vườn cây nhà anh ra hoa chỉ hơn 50%.  Như vậy, anh có 12 công (1,2 ha) chôm chôm nghịch thu hoạch vào tháng 2 (âm lịch) năng suất chỉ đạt 2 tấn/ công nhưng ngược lại giá bán rất cao, có lúc lên đến 70.000-80.000 đồng/kg, tính  bình quân cho lứa nghịch là 30.800 đồng/kg. Anh Tuấn còn cho biết thêm là vụ đậy mũ vào tháng 7 (âm lịch) là rất khó thành công, nhưng có một tỷ lệ nhỏ cũng thành công như anh Tuấn, anh 9 Vợt… là minh chứng cho sự tận tụy và áp dụng tốt những biện pháp kỹ thuật trong canh tác vườn.

 

Vì vậy, bà con nên áp dụng các biện pháp kỹ thuật giúp giữ vườn cây đặc sản của mình như sau:

- Trước hết cần trang bị hoặc chủ động lấy mẫu nước của vườn nhà đo độ mặn trước khi tưới trên vườn. Củng cố hệ thống đê bao và đê xung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập. Không tưới nước có độ mặn trên 0,5 phần nghìn. Trong thời gian nhiễm mặn, chỉ tưới nước tối thiểu, kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới.
- Khi có nguy cơ bị hạn, mặn cần tận dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lục bình… tủ gốc giữ ẩm cho đất. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.
- Khi đã bị nhiễm mặn: cần chủ động sử dụng nước ngọt để rữa mặn với tia nước nhỏ để tăng độ thấm của nước vào đất, và rữa liên tục 5-7 ngày. Sau khi rữa mặn 3-4 ngày thì ta tiến hành bón vôi, lượng vôi bột từ 500-1.000kg/ha bón đều trên liếp và tập trung chủ yếu dưới tán cây.
- Sau đó, tiến hành bón có hàm lượng đạm cao như Ure, SA, DAP… liều lượng 100kg/ha đối với cây còn nhỏ và 150kg/ha đối với cây trên 7 năm tuổi. Bên cạnh đó, ta kết hợp với 3-5 kg acid humic để kích thích cây ra rễ mới và phục hồi sinh trưởng.
- Sau khoảng 20-25 ngày, thấy cây có biểu hiện phục hồi thì tiến hành bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng hoai mục, liều lượng khoảng 1-2 tấn/ha và khoảng ½ lượng phân NPK (loại phân NPK tùy thuộc vào giai đoạn sinh trưởng của cây trên vườn) so với điều kiện bình thường.
- Một lưu ý là không nên tiến hành xử lý ra hoa rãi vụ, trái vụ hay trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

 

Trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt của thời tiết như hiện nay,  kính mong nhà vườn hết sức cẩn trọng, áp dụng tốt những biện pháp kỹ thuật trong canh tác vườn và nên dự báo trước tình hình thời tiết để sản xuất một vụ mùa bội thu.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh