Giồng Trôm với mô hình dân vận khéo vận động nhân dân xây dựng vườn nhà xanh hiệu quả kinh tế

Ấp Cái Tắc, xã Mỹ Thạnh (Giồng Trôm) có diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ trên 92%, người dân sống chủ yếu bằng trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó cây dừa là chủ lực, kết hợp trồng xen cây có múi, còn lại là diện tích sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp. Số lượng hộ có vườn chuyên canh rất ít.

 Vườn cây chuyển đổi từ trồng dừa xen cây tạp sang chuyên canh bưởi.


Ấp Cái Tắc còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế văn hóa xã hội, trong đó có phần xuất phát từ việc người dân chưa nhận thấy tầm quan trọng của việc cải tạo vườn tược, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tạo ra các mô hình vườn mang lại hiệu quả cao. Mặt khác, do tập quán canh tác của người dân đã hình thành lâu dài, chưa mạnh dạn thực hiện cải tạo vườn tạp, thu nhập của người dân còn thấp nên gặp khó khăn về kinh phí thực hiện. Một số hộ dân chưa qua tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật, chưa biết chuyển đổi cơ cấu trồng cây cho phù hợp. Do vậy Chi bộ cùng các ban ngành đoàn thể ấp xem việc vận động người dân cải tạo vườn tạp là trọng tâm phải tích cực vận động, thuyết phục nhân dân cùng thực hiện. Ông Nguyễn Minh Luân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thạnh cho biết: “Khi Hội Nông dân xã nhận được chủ trương thực hiện đăng ký mô hình dân vận khéo thì ở đây chúng tôi mạnh dạn đăng ký xây dựng vườn nhà xanh hiệu quả kinh tế, phối hợp Chi bộ và chính quyền ấp 7 để thực hiện. Qua quá trình vận động thì bà con ở ấp cơ bản đồng tình hưởng ứng cao. Kết quả vận động đến nay Ủy ban nhân dân xã đã ra quyết định công nhận 40 hộ đạt nhà xanh hiệu quả kinh tế. Thời gian sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký mô hình dân vận kéo cấp tỉnh”.

Trong năm 2016, Chi bộ ấp Cái Tắc phối hợp cùng Hội Nông dân xã đăng ký thực hiện mô hình dân vận khéo cấp huyện trong lĩnh vực vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, dọn dẹp vệ sinh vườn nhà, chuyển đổi sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế như bưởi da xanh, cam, chanh kết hợp chăn nuôi dê, lợn, gà thả vườn đảm bảo vệ sinh môi trường. Mô hình dân vận khéo về vận động nhân dân xây dựng vườn nhà xanh, hiệu quả kinh tế có sự phấn đấu nỗ lực rất cao từ phía ban vận động, đặc biệt là sự đồng thuận cao từ phía người dân. Ông Nguyễn Văn Lượm, nông dân ấp Cái Tắc, xã Mỹ Thạnh cho biết: “Trước đây tôi trồng dừa xen với chuối, thấy dừa với chuối không hiệu quả. Được sự vận động của Chi bộ và Hội Nông dân xã thì tôi mạnh dạn chuyển qua trồng cây có múi. Tôi trồng được gần 2 năm thấy hiệu quả khá tốt. sắp tới đây cây có trái thì kinh tế gia đình vững vàng hơn. Tôi cũng mong là bà con xung quanh đây cũng như tôi để có hiệu quả tốt”.

Với những kết quả đạt được trong năm 2016. Ban Chỉ đạo mô hình dân vận khéo huyện Giồng Trôm đã đến khảo sát và ra quyết định công nhận mô hình vào ngày 10 tháng 2 năm 2017. Ban Chỉ đạo huyện đánh giá cao kết quả mô hình qua thực hiện đạt được nhiều kết quả khả quan góp phần cải thiện kinh tế cho người dân, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn của ấp nói riêng, của xã Mỹ Thạnh nói chung. Ông Nguyễn Hoàng Thái, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo xây dựng mô hình Dân vận khéo xã Mỹ Thạnh cho biết: “Qua khảo sát vườn dừa xen cây ăn trái ở ấp 7 chúng tôi thấy năng suất và sản lượng thấp, thu nhập bình quân mỗi năm từ 2-3 chục triệu/ha. Do đó chúng tôi thấy rằng cần có sự chuyển đổi trong chủ trương phát triển kinh tế hộ nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Qua 2 năm thực hiện mô hình chuyển đổi kinh tế đất vườn nhận thấy có nhiều triển vọng. Có những vườn đến giờ này giá trị sản lượng thu được 8-9 chục triệu/ha/năm. Để tiếp tục trong thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng ra trong toàn ấp mô hình xây dựng vườn hiệu quả kinh tế cao thay thế vườn kém hiệu quả để thực hiện tiêu chí về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi thấy là không có con đường nào khác, chỉ có con đường là làm cho người dân hiểu rõ và thấy được hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi đất vườn tạp kém hiệu quả sang vườn trồng cây ăn trái, nhất là cây có múi, thì mới xây dựng được tiêu chí về nông thôn mới ở xã Mỹ Thạnh”.

Từ mô hình xây dựng vườn nhà xanh, hiệu quả kinh tế người dân trong ấp được nâng lên, tạo sự  thay đổi tích cực cho đời sống nhân dân. Để phong trào lan tỏa sâu rộng, địa phương tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Qua việc xây dựng vườn mẫu bước đầu đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người dân về phát triển kinh tế trong khu dân cư, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào cây xanh, bảo vệ môi trường; tăng cường mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, hiệu quả từ phát triển kinh tế vườn hộ được khẳng định thay đổi được tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang hàng hóa, kết nối thị trường khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi ở địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh