Bảo vệ trái Bưởi Da xanh không bị “da cám” trong mùa nắng nóng

Với giá bưởi Da xanh như hiện nay, bưởi Da xanh được xem là loại trái cây mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định nhất. Vì thế, diện tích bưởi Da xanh đã và đang được ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, để bán được bưởi giá cao, không chỉ ở chất lượng mà thương lái còn đòi hỏi vẻ đẹp bên ngoài của trái, chỉ cần một tỳ vết nhỏ trên vỏ trái sẽ làm giảm giá trị thương phẩm. Do đó, bảo vệ cho trái bưởi đẹp là vấn đề không nhỏ luôn được nông dân rất quan tâm. Một trong những yếu tố làm vỏ trái bưởi bị xấu, đó là hiện tượng “da cám” thường xuất hiện nhiều trong mùa nắng nóng. Hiện tượng “da cám” nguyên nhân do nhện và bọ trỉ gây ra.


Nhện gây hại trên cây có múi có 3 loại: nhện đỏ, nhện vàng và nhện trắng. Nhện đỏ: Trưởng thành nhện đỏ màu đỏ sậm, dài khoảng 0,3mm (bằng đầu chấm kim), nếu quan sát dưới kính lúp sẽ thấy giống như con mạt gà. Ấu trùng mới nở có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt, lớn lên có màu đỏ như thành trùng. Nhện vàng: Trưởng thành nhện màu vàng tươi, cơ thể dẹp, hình dạng củ cà rốt, dài khoảng 0,1mm. Nhện vàng có 2 cặp chân. Ấu trùng nhện vàng màu vàng nhạt, 2 cặp chân ngắn đưa ra trước đầu. Nhện trắng: Trưởng thành có màu trắng, dài 0,16mm. Ấu trùng rất nhỏ hình trái lê.

 


Cả 3 loại nhện trên đều gây hại từ khi trái mới tượng cho đến khi thu hoạch nhưng tập trung mật số rất cao trên trái non. Chúng gây hại bằng cách cạp và chích hút dịch của vỏ trái, làm vỏ trái hơi bị sần sùi, màu xám bạc (nông dân còn gọi là da cám, da lu). Trái bị nhện gây hại không chỉ xấu vỏ bên ngoài mà kích thước trái cũng nhỏ và vỏ dầy hơn trái bình thường. Nhện thường sống tập trung ở phần cuống trái, đáy trái và trong các phần lõm của trái. Ngoài trái, nhện gây hại trên lá non, cành non. Trên lá, nhện dùng kim chích ở miệng châm vào lá hút nhựa tạo thành những chấm nhỏ lúc đầu màu trắng sau chuyển màu nâu đồng hoặc trắng bạc. Bị hại nặng toàn bộ lá mất màu xanh bóng, lá có thể khô và rụng sớm. Nhện tấn công cả cành, làm cành khô và chết. Vì kích thước nhện quá nhỏ, nông dân không thể thấy bằng mắt thường (nếu không có kính lúp) nên thường lầm tưởng do nấm bệnh gây ra.


Nhện phát sinh nhiều trong mùa nắng, khi thời tiết nóng và khô là điều kiện thích hợp cho nhện phát triển mạnh. Vòng đời nhện rất ngắn, trung bình khoảng 10-12 ngày nên nhện nhân mật số rất nhanh. Vì thế vườn nào có nhện xuất hiện sẽ nhanh chóng lây lan và gây thiệt hại lớn.


Ngoài nhện, bọ trỉ (hay còn gọi là bù lạch) là côn trùng cũng gây ra hiện tượng da cám trên trái. Bọ trỉ trưởng thành rất nhỏ, dài khoảng 0,8-1mm, cánh màu vàng cam, hai bên rìa cánh có nhiều lông nhỏ dài. Bọ trỉ non mới nở có cơ thể trong suốt, rất nhỏ, chân dài, bụng nhọn, không cánh. Sang tuổi 2, ấu trùng có kích thước tương tự thành trùng. Trưởng thành đẻ trứng trong mô lá non, cành non hoặc trái non. Cả thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá non, trái non. Chúng tập trung mặt dưới lá non, chích hút làm lá biến màu và cong queo. Trên trái non, bọ trỉ chích vào tế bào biểu bì làm vỏ trái bị da cám giống như triệu chứng nhện gây ra nhưng không bao phủ trên vỏ trái từng mãng lớn giống như nhện gây hại mà vết bị hại là một vòng tròn tập trung chung quanh lá đài hoặc những mãng nhỏ da cám chằng chịt trên trái vì chúng gây hại chủ yếu ở phía dưới lá đài lúc trái còn nhỏ nên khi trái phát triển lớn lên, vết sẹo mới lộ rõ. Bọ trỉ gây hại phổ biến giai đoạn trái rất nhỏ (vừa rụng cánh hoa đến khi trái khoảng bằng trái chanh) nhưng nếu mật độ cao, bọ trỉ gây hại cả trên những trái lớn, làm giảm giá trị thương phẩm. Sau khi hoàn thành giai đoạn tuổi 2, một số ấu trùng bọ trỉ sẽ rơi xuống đất để hóa nhộng, một số khác hóa nhộng trong khe nứt của cây hoặc trong các lá cuốn lại.

 


Giống như nhện, bọ trỉ phát triển mạnh trong mùa khô và nắng nóng. Các trái bên ngoài tán cây thường bị hại nặng hơn.


* Biện pháp phòng trừ

 
- Trong mùa nắng nên dùng máy bơm tưới phun lên tán cây có hiệu quả hạn chế mật độ nhện và bọ trỉ.
- Tránh bón thừa đạm. Trong những vườn bón quá nhiều N, mật số nhện thường cao.
- Khi nhện phát triển nhiều nên phun thuốc đặc trị như: NilMite 550SC, Nissorun 20EC, Sulox 80WP,... phun kỹ mặt dưới lá.
- Để phòng ngừa bọ trỉ, khi hoa vừa rụng cánh hoặc giai đoạn trái mới tượng (khoảng bằng trái trứng cá), tiến hành phun Dầu khoáng SK EnSpray 99 hoặc các loại thuốc như: Mospilan 3EC, Silsau 1.8EC,….
Chú ý: Nhện và bọ trỉ rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng luân phiên thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, khi phun cần phải sử dụng lượng nước nhiều mới đảm bảo dung dịch thuốc tiếp xúc đều với dịch hại.
Bảo vệ cho trái bưởi có vẻ đẹp bên ngoài là điều cần thiết song một vấn đề còn quan trọng hơn là trái phải sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì thế, nông dân cần quan tâm đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm không để lại dư lượng thuốc trong trái, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh