Một số giải pháp chính sách khả thi và phù hợp thúc đẩy việc tiếp nhận các công nghệ được chuyển giao hiệu quả và thiết thực hơn cho đối tượng Bưởi da xanh tại Đồng bằng Sông Cửu Long , đặc biệt là Bến Tre

Bưởi là loại cây ăn trái được trồng khá phổ biến ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ thơm ngon, có nhiều dưỡng chất mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bưởi da xanh là giống bưởi khá nổi tiếng hiện nay được trồng nhiều nhất ở tỉnh Bến Tre. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới ven biển và đất đai màu mỡ, Bến Tre phát triển khá mạnh các vùng trồng bưởi da xanh chuyên canh. Theo thống kê của tỉnh Bến Tre, diện tích vườn bưởi da xanh tăng dần qua các năm và đạt diện tích là 5.500 ha năm 2016, chiếm 20% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Bến Tre đã chọn xây dựng và phát triển 8 chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025. Trong đó, bưởi là một trong tám loại nông sản chủ lực của Bến Tre.

 

 Bưởi da xanh Bến Tre có trái tròn đều, vỏ trái có màu xanh đến xanh hơi vàng khi chín, tép bưởi màu hồng đỏ dễ tách khỏi vách múi, vị ngọt thanh, không hạt hoặc có rất ít hạt.

 

Hiện nay, chất lượng của trái bưởi da xanh đã được khẳng định trên các thị trường quốc tế như: các nước châu Âu, Philippine, Hà Lan, Đức,... Tuy nhiên, hiện nay diện tích bưởi được trồng theo tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn VietGAP và GlobalGAP còn khá nhỏ và công nghệ sau thu hoạch còn thô sơ nên việc đảm bảo sản lượng để xuất khẩu là một vấn đề cần phải được quan tâm. Tại Bến Tre, có rất ít cơ sở sản xuất bưởi da xanh được chứng nhận VietGAP, đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là bước đà để tiến đến hòa nhập vào GlobalGAP trong vài năm tới. Đạt được tiêu chuẩn này là cơ hội để trái cây Việt Nam nói chung, bưởi da xanh nói riêng tăng sức cạnh tranh, tạo thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Diện tích trồng bưởi theo tiêu chuẩn GlobalGAP và VietGAP cũng tăng, đầu tư nhiều trong khâu thu hoạch và bảo quản nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu là rất cần thiết. Là loại cây ăn trái đặc sản có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu của tỉnh nên các hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh đã được thành lập và đang tạo dựng thương hiệu.

 

Việc xây dựng các vườn bưởi da xanh theo các tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đang là vấn đề đang được người dân rất quan tâm. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đối với cây bưởi là yêu cầu cấp thiết trước tình hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung hiện nay. Tuy nhiên, cần phải đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp đối với bưởi da xanh cho vùng ĐBSCL để việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ (CGCN) hiệu quả và thiết thực hơn.

Giải pháp chính sách về giống bưởi đạt tiêu chuẩn và chất lượng

- Hỗ trợ cho các Trung tâm, Viện, Trường đại học nghiên cứu sản xuất giống, ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra cây bưởi giống mới có chất lượng cao, sinh trưởng tốt và thích nghi với biến đổi khí hậu.

- Hỗ trợ chuyển giao, nhân rộng các công nghệ sản xuất giống bưởi tiên tiến. Sử dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật trong việc lưu trữ giống, vi ghép giống bưởi da xanh và năm roi sạch bệnh, chất lượng cao.

- Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất giống xây dựng các vườn cây đầu dòng, sạch bệnh làm cây bố mẹ để sản xuất và cung cấp các giống chất lượng cho người trồng.

- Cần ưu tiên có những chính sách cụ thể trong việc xây dựng tiêu chuẩn cho cây bưởi giống tại vùng ĐBSCL. Kiểm tra các tác nhân gây bệnh nguy hiểm và đảm bảo các đặc tính tốt từ cây bố mẹ.

- Ưu tiên cho những nghiên cứu về thỗ nhưỡng, dinh dưỡng, sinh lý học và bệnh học trên cây bưởi nhằm nâng cao chất lượng bưởi vùng ĐBSCL; nghiên cứu kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch và sau thu hoạch cho cây bưởi.

- Khuyến khích các hộ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng bưởi da xanh, bưởi năm roi bằng các phương pháp cải tiến giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch sau thu hoạch.


Giải pháp chính sách về sở hữu thương hiệu

Cần có những chính sách hỗ trợ cho người trồng, các Hợp tác xã (HTX) xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của họ. Tránh các trình trạng trộn lẫn các sản phẩm bên ngoài vào làm lu mờ thương hiệu hoặc đánh cắp thương hiệu làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng và uy tín của các thương hiệu bưởi da xanh đã được xây dựng.

Hiện nay, các HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi da xanh đang lâm vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, nhiều xã viên quay lưng lại với HTX, đẩy HTX vào sự cạnh tranh quyết liệt với nhiều đơn vị thu mua mà phần thua lại chiếm đa phần. Và nếu thương hiệu bưởi tại các vùng chuyên canh không phát huy được giá trị chất lượng sản phẩm thì tương lai thương hiệu này sẽ bị lu mờ. Vì vậy, cần có chính sách hoạch định rõ ràng cho đường đi của bưởi đặc sản từ nhà vườn khi ra đến thị trường. Cần hỗ trợ để người trồng bưởi và các HTX tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để họ xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.

Cần có phương án đầu tư đúng mức, cải tạo vườn bưởi hợp lý, tái công nhận các tiêu chuẩn, nhân rộng những mô hình sản xuất gắn kết được lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu thông qua sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng… sẽ là tấm vé thông hành giúp trái bưởi bưởi da xanh dễ dàng thâm nhập và tồn tại ở những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ.

Bên cạnh đó, cần phải xây dựng dự án quy hoạch phát triển cây bưởi và sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban ngành. Trên cơ sở đó, bưởi da xanh cần gắn với giấy phép chứng nhận đăng ký chỉ dẫn “địa lý” được cấp là điều kiện tốt để sản phẩm vươn xa.

Giải pháp chính sách về chuyển giao công nghệ (CGCN)

Mặc dù cơ chế, chính sách liên quan đến CGCN của Việt Nam có nhiều điểm mới, nhưng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp chưa cao, tốc độ đổi mới công nghệ ở Việt Nam vẫn thấp. Hiện nay, tại nhiều địa phương chưa thực hiện công bố danh sách các cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN, kết quả ứng dụng của các kết quả nghiên cứu, nên rất khó khăn trong việc đánh giá khả năng ứng dụng của các công trình nghiên cứu, năng lực thực sự của các cá nhân, tổ chức KH&CN. Từ đây, cần có những ban hành hướng dẫn rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo tính thực thi đối với tổ chức và hoạt động CGCN.

Sớm hình thành những chính sách liên quan đến đào tạo nhân lực chuyên sâu về quản lý công nghệ và CGCN; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt đối với cây bưởi.

Để hình thành một chính sách đầu tư thông thoáng nhằm thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, Luật CGCN quy định chỉ các công nghệ hạn chế chuyển giao mới phải đăng ký. Tuy vậy quy định này làm xuất hiện nguy cơ làm thất thoát kinh phí của Nhà nước, làm cho Nhà nước không thực hiện được vai trò quản lý, điều hòa, chỉ đạo và thúc đẩy hoạt động CGCN, không kiểm soát được thông tin các công nghệ nào hiện đang tồn tại trên thị trường. Nhà nước cần có quy định về việc đăng ký hợp đồng CGCN vẫn là điều khoản bắt buộc, phục vụ cho mục đích quản lý công nghệ để công nghệ tiếp cận với người dân trồng bưởi nhanh và thực hiện hiệu quả hơn.

Chính sách liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm bưởi da xanh

Do chưa có sự kết hợp giữa người tham gia trong chuỗi giá trị, hệ thống phân phối lớn vẫn còn hoạt động độc lập, thiếu kiến thức cơ bản về kinh doanh hiện đại khiến chi phí cao, chất lượng giảm, giá thành lớn. Vì vậy, cần tăng cường công tác tổ chức, quản lý tốt việc sản xuất và cung ứng giống, chuyển đổi và thay thế những vườn cây đã thoái hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng bưởi. Tổ chức sản xuất ổn định vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích theo quy hoạch, phù hợp tính thích nghi của bưởi da xanh cho từng vùng chuyên canh.

Tạo điều kiện cho người trồng, HTX, doanh nghiệp sản xuất bưởi tiếp cận với vốn vay lãi suất ưu đãi, vốn hỗ trợ đáp ứng được nhu cầu tái sản xuất và mở rộng qui mô đầu tư, vốn xây dựng các kho lạnh trữ hàng, phục vụ cho việc điều tiết cũng như dự trữ hàng hóa đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu với số lượng lớn. Từ đó giúp khắc phục tình trạng khi vào mùa thu hoạch rộ thì giá bưởi xuống, mất cân đối giữa đầu tư và lợi nhuận.

Từng bước hình thành các cơ quan tư vấn về kỹ thuật và thị trường để tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực, trong đó có bưởi bưởi da xanh.

Tăng cường hỗ trợ thủ tục pháp lý và vốn để người dân và HTX mở rộng quy mô diện tích trồng bưởi đạt chứng nhận VietGAP và GlobalGAP.

Hiện nay, người dân trồng bưởi ở các vùng ĐBSCL đang nổ lực mở rộng diện tích vùng chuyên canh trồng bưởi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó, bưởi da xanh có đủ sản lượng cần thiết khi xuất khẩu. Bên cạnh đó, cây bưởi đang được sự quan tâm của Chính phủ và có sự quan tâm của chính phủ về việc bảo vệ thương hiệu nông sản bởi sản phẩm bưởi có lợi thế cạnh tranh, bưởi được trồng nhiều và nổi tiếng. Tuy nhiên, sản phẩm đạt chất lượng còn hạn chế, diện tích trồng bưởi theo GAP còn nhỏ hẹp không đủ đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Hệ thống kiểm tra giám sát kỹ thuật hoạt động kém. Cơ sở vật chất còn nghèo nàn, người dân vẫn còn sản xuất theo hình thức nông nghiệp truyền thống, chưa chuyển giao tốt các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sau thu hoạch và chế biến. Vì vậy, cần bổ sung các kiến thức, kỹ năng về marketing, xúc tiến thương mại, thương hiệu làm thương hiệu bưởi được biết đến nhiều hơn. Đẩy mạnh việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ bưởi sẽ tạo ra sản phẩm bưởi có chất lượng và có thể cạnh tranh trên thị trường. Sự cạnh tranh lành mạnh, cũng là cơ hội cho bưởi Việt Nam nói chung và bưởi da xanh nói riêng tự khẳng định thương hiệu và hoàn thiện trên thị trường trong và ngoài nước.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh