Mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong ao đất tại xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành

Lươn đồng là đối tượng thủy sản dễ nuôi do ít tốn công chăm sóc, thức ăn dễ tìm (ốc, cá tạp, cá biển tươi xay trộn với thức ăn tinh), nhưng giá thành cao và thị trường tiêu thụ mạnh, vì thế người nuôi đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, cái khó của nuôi lươn đồng là nguồn giống khan hiếm. Giống lươn đồng từ tự nhiên không nhiều.

Sau thành công mô hình nuôi lươn đồng bố mẹ và cho lươn sinh sản nhân tạo của anh Phan Văn Phương, ở xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri, Phòng Quản lý KH&CN cơ sở (Sở KH&CN Bến Tre) phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng, Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành xây dựng và triển khai thực hiện mô hình nuôi lươn đồng bằng con giống nhân tạo tại hộ chị Phạm Thị Kiều Em, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Sau 6 tháng nuôi, mô hình đã đạt kết quả khá cao về tỷ lệ sống, chất lượng thương phẩm và hiệu quả kinh tế.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 100 m2 gồm 3 bể nuôi, với 5 ngàn con giống lươn đồng được nhân giống nhân tạo, với kích cỡ con giống 70 con/kg. Mật độ nuôi trung bình 50-60 con/m2. Giống lươn có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, vàng sẩm. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 50 triệu đồng. Trong đó, Sở KH&CN hỗ trợ tiền con giống và một phần thức ăn 33.375.000 đồng.

 Cán bộ Sở KH&CN theo dõi mô hình.

 
Ao nuôi được thiết kế theo mô hình ao nổi, nền đáy và xung quanh được trãi bạt, phía trong ao được lót một lớp đất sét pha đất thịt, để lươn trú ngụ. Đây là phương pháp nuôi mới, gần giống với môi trường sống tự nhiên của lươn đồng. Theo kỹ sư Phùng Ngọc Ái Nhân, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, người trực tiếp theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật cho biết, điều quan trọng là nguồn nước nuôi lươn phải đảm bảo sạch, qua xử lý, diệt khuẩn. Tốt nhất là nước bơm vào bể chứa, khử trùng, lắng lọc trước khi đưa nước vào ao nuôi.

Thức ăn là một trong những yếu tố quan trọng, giúp cho lươn phát triển đồng đều. Chị Phạm Thị Kiều Em cho biết, thức ăn cho lươn là thức ăn hỗn hợp gồm 70% cá biển tươi xay và 30% thức ăn tinh cùng các khoáng chất và Vitamin, men tiêu hóa, nhằm tăng sức đề kháng cho lươn. Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Để nuôi lươn đồng trong ao đất thành công, người nuôi cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, nhất là công tác phòng trị bệnh trên lươn. Theo Kỹ sư Phùng Ngọc Ái Nhân cho biết, lươn thường mắc một số bệnh như: bệnh lở loét do vi khuẩn, nấm. Để phòng và điều trị bệnh, người nuôi sử dụng Iodine hoặc thuốc tím pha với nước tạt vào ao nuôi. Đối với bệnh tuyến trùng đường ruột, sử dụng thuốc xổ giun để phòng trị.

Với sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, cùng nhiều năm kinh nghiệm nuôi các loại thủy sản nước ngọt và sự cần cù, sáng tạo của chị Phạm Thị Kiều Em, mô hình nuôi lươn đồng của chị đã đạt kết quả khá cao. Tỷ lệ sống bình quân đạt 85%. Sau gần 6 tháng nuôi, trọng lượng lươn bình quân từ 200-250gr/con, đạt chỉ tiêu đề ra.

 
 Thu hoạch lươn.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, 1 kg lươn giống với 70 con, với tỷ lệ sống đạt 85%, sau 6 tháng nuôi sẽ đạt 15 kg lươn thương phẩm. Qua kiểm tra, mô hình nuôi lươn của chị Phan Thị Kiều Em đã đạt chỉ tiêu đề ra khi lươn thương phẩm bình quân đạt 200-250gr/con. Mô hình thu được khoảng 1 tấn lươn thương phẩm. Với giá bán hiện nay từ 150-180 ngàn đồng/kg. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho 1 kg lươn là 120 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí, mô hình đạt lợi nhuận 40 triệu đồng.

 


Lươn là loài dễ nuôi, đạt lợi nhuận cao, nhưng để nuôi thành công, bà con cũng cần tuân thủ “4 quy định” được rút ra từ cán bộ kỹ thuật. Đó là định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí. Định chất là chất lượng là thức ăn cho lươn phải đảm bảo tươi; định lượng là cho lươn ăn theo khẩu phần; định thời gian là phải cho ăn đúng thời gian quy định trong ngày; định vị trí là cho lươn ăn đúng vị trí đã định sẵn.

Không chỉ dừng lại ở mô hình nuôi lươn thương phẩm, Chị Phan Thị Kiều Em cùng gia đình quyết định nuôi lươn bố mẹ và cho nhân giống lươn nhân tạo. Vừa qua, chị Phan Thị Kiều Em đã hoàn thiện khu ao nuôi lươn bố mẹ. Chị cho biết, sau khi thu hoạch, chị sẽ tuyển chọn lươn bố mẹ, tiếp tục đầu tư nuôi lươn đẻ để tạo nguồn giống cho mình và phục vụ cho bà con có nhu cầu nuôi lươn đồng.

So với các đối tượng thủy sản khác, lươn đồng dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, thức ăn dễ tìm, nhưng hiệu quả kinh tế đạt rất cao. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là nguồn giống lươn đồng khan hiếm. Vì vậy, nếu nuôi lươn đẻ thành công, chị Phạm Thị Kiều Em sẽ cung cấp nguồn giống lươn đồng cho người nuôi tại địa phương và trong tỉnh, góp phần đa dạng hóa vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Châu Thành.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh