Một số đánh giá về hiện tượng dừa rụng hoa, trái trong mùa khô

Trong thời điểm khoảng từ cuối năm 2016 đến nay, trên các vườn dừa có một số hiện tượng như:
- Buồng hoa bị thui: bao gồm cả 3 cấp độ thui hoàn toàn (không thấy mo ở nách lá), thui nhưng mo không nở; chỉ thui hoa cái.
- Rụng trái non: ngoài hiện tượng rụng sinh lý tự nhiên khoảng (50%-70% trong vòng 2 tháng sau khi hoa nở), thời gian gần đây ghi nhận hiện tượng rụng trái non khoảng 3 tháng tuổi trở lên, có buồng dừa tỉ lệ rụng 100%.

Bên cạnh một số dừa non bị rụng có dấu vết sâu bệnh tấn công, nhiều trường hợp hoa và trái rụng không có dấu hiệu ảnh hưởng của dịch hại. Qua theo dõi cũng cho thấy việc rụng trái, thui buồng hoa dừa xuất hiện nhiều trên các cây dừa đã khá lớn tuổi (trên 40 năm), nơi đất có độ màu mỡ kém, vùng bị ảnh hưởng mặn nhưng dòng chảy nước trong nội đồng kém, mức độ thâm nhập mặn vào đất kéo dài, khả năng rửa mặn chậm, sự đầu tư thâm canh không cao. Các triệu chứng này thường gắn liền với các cây dừa có biểu hiện suy yếu, còi cọc, lá nhỏ, tóp ngọn so với bình thường.

 Dừa bị tóp ngọn, rụng hoa, trái.


Từ những dữ liệu thu nhận được, chúng tôi đánh giá việc dừa bị hư bông, rụng trái trong thời điểm các tháng dừa mùa năm 2017 nhiều hơn so với các năm trước, chủ yếu là do ảnh hường các điều kiện thời tiết bất lợi trong hai năm liên tục, cụ thể:
- Đối với dừa, từ lúc bắt đầu phân hóa tạo hoa cái đến khi mo nở khoảng 1 năm và từ khi hoa nở đến trái già cũng khoảng 1 năm, vì vậy việc ảnh hưởng đến năng suất trái phải tính đến yếu tố dài hạn từ các năm trước. Năm 2015, lượng mưa rất thấp, chỉ đạt 995 mm thấp hơn nhiều so với năm 2014 là 1.461 mm và mức ngưỡng yêu cầu thích hợp thấp nhất của dừa là 1.300 mm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tạo số hoa cái nói riêng và tình trạng sinh trưởng-phát triển dừa nói chung về sau.
- Năm 2016, dừa tiếp tục chịu đựng đợt hạn-mặn kéo dài làm gia tăng tình trạng suy kiệt cây, mặc dù sau thời điểm hạn mặn có chế độ mưa khá tốt nhưng cây dừa chưa thể khôi phục hoàn toàn, nên khả năng đậu hoa ít, nuôi trái non kém làm rụng trái dễ xảy ra ở nhiều vườn dừa.
Một yếu tố ngẫu nhiên cũng có thể tác động đến năng suất dừa năm 2017, đó là hiện tượng tăng, giảm năng suất tự nhiên theo chu kỳ thường thấy trên các cây trồng đa niên. Theo thống kê thì tại các năm 2012, 2015 dừa có năng suất cao hơn so với các năm lân cận, thông thường sau thời điểm đạt mốc năng suất cao thì có hiện tượng giảm năng suất ở 1-2 năm kế tiếp và phục hồi vào năm thứ 3. Hiện nay, việc phục hồi năng suất dừa thể hiện khá rõ qua việc hình thành đợt trái non mới trên cây khá nhiều, nhất là trên nhóm dừa uống nước và hiện tượng rụng trái non cũng ít đi, dấu hiệu cho thấy niên vụ mới sẽ có triển vọng tốt hơn về mặt năng suất.

Tóm lại, diễn biến suy giảm năng suất trên cây dừa trong thời gian gần đây có liên quan nhiều đến các yếu tố bất lợi về thời tiết và ảnh hưởng của hạn-mặn từ khoảng thời gian dài trước đó. Để dừa phát triển tốt, cho năng suất cao trong thời gian tới, cần chú ý quan tâm các biện pháp thâm canh tổng hợp, quản lý tốt dịch hại, phát triển hệ thống nuôi trồng xen hợp lý, tăng cường sử dụng chất hữu cơ, tưới nước, bón phân trong mùa nắng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh