Kinh nghiệm và giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bến Tre

Nông nghiệp công nghệ cao được định nghĩa là nền nông nghiệp ứng dụng có hiệu quả những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa nông nghiệp; ứng dụng công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý sản xuất; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để đạt hiệu quả kinh tế cao trên một diện tích và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bến Tre. Các tiến bộ kỹ thuật về giống, thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo tiền đề cho việc tái cấu trúc nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ tế bào thực vật, kỹ thuật di truyền phân tử và các sản phẩm của công nghệ cao (CNC) được nhiều đơn vị trong tỉnh ứng dụng trong lĩnh vực giống cây trồng. Qua đó đã rút ngắn thời gian chọn tạo giống và đưa sản xuất đại trà nhiều giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: các giống lúa chất lượng cao, giống lúa chịu mặn cho vùng lúa tôm, một số giống cây trồng sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô như hoa, cây cảnh, chuối....

Các quy trình công nghệ tiên tiến về thâm canh như: sản xuất cây ăn trái VietGAP, sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, sử dụng màng phủ nông nghiệp trong canh tác rau, kỹ thuật trồng cây không dùng đất, trồng cây thuỷ canh, kỹ thuật tưới tự động … cũng đã bắt đầu được áp dụng. Nhiều cơ sở sản xuất đạt chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên cây chôm chôm, bưởi Da xanh, nhãn, Măng cụt, Sầu riêng; chứng nhận cacao đạt tiêu chuẩn chất lượng UTZ Certified. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai 5 mô hình trồng trọt ứng dụng CNC với gần 10.000m2 nhà lưới để sản xuất các loại rau quả cao cấp, an toàn như dưa lưới, cà chua mini, trồng thuỷ canh rau ăn lá các loại. Các mô hình trên cho hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Trên cơ sở các kết quả đạt được, tiếp tục phát huy lợi thế về nông nghiệp, các công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống hoa lan, chuối hột; công nghệ trồng rau thủy canh không dùng đất; công nghệ trồng dưa lưới tưới nhỏ giọt đã được tiếp nhận chuyển giao. Hiện tại, các mô hình này đang được tiếp tục thực nghiệm và triển khai giới thiệu tại các huyện trọng điểm như Châu Thành, Chợ Lách, Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại.

Các nghiên cứu khoa học cũng được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung triển khai thực hiện 10 đề tài dự án thuộc Chương trình phát triển NNUDCNC giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận với kỹ thuật canh tác theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh và tiêu thụ cho sản phẩm, góp phần cung cấp sản phẩm rau tươi an toàn. Phổ thông hoá kiến thức về biến đổi khí hậu và sản xuất rau theo hướng hữu cơ cho người sản xuất nông nghiệp, nâng cao ý thức về môi trường và sức khoẻ cộng đồng. Nghiên cứu cải thiện phương pháp kéo dài thời gian bảo quản trái dừa tươi nhằm mục đích đa dạng phương pháp bảo quản dừa tươi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Về chăn nuôi, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo góp phần giúp đàn gia súc của tỉnh ngày càng được nâng cao về số lượng cũng như chất lượng. Nhiều tỉnh bạn đã tìm đến Bến Tre để tham quan học tập công tác nâng cao chất lượng đàn bò thịt. Năm 2015, kỹ thuật này cũng đã bắt đầu được ứng dụng trong công tác lai tạo giống dê nhằm cải thiện chất lượng đàn dê của địa phương. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi như công nghệ bể biogas, chế phẩm vi sinh; đệm lót sinh học cũng được áp dụng rộng rãi. Đến nay Bến Tre đã có 10 trại chăn nuôi heo tham gia dự án nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap.

Song song đó, Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò thịt chất lượng cao ở tỉnh Bến Tre” thuộc Bộ Khoa học công nghệ đã được phê duyệt triển khai thực hiện. Dự án sẽ xây dựng các mô hình nuôi bò thịt ngoại nhập, mô hình nuôi bò lai hướng thịt, mô hình vỗ béo bò, mô hình trồng cỏ tập trung. Đồng thời, để thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, đề tài “Khảo nghiệm khả năng chịu mặn để xác định một số giống cỏ phù hợp cho chăn nuôi bò thích ứng với tình hình xâm nhập mặn ở Bến Tre” và đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh được lên men (FTMR) cho bò thịt” cũng được triển khai nhằm tận dụng nguyên liệu sẵn có ở địa phương để chủ động tạo nguồn thức ăn chất lượng cao phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt một cách hiệu quả và bền vững.  

Trên lĩnh vực thủy sản, các tiến bộ kỹ thuật chủ yếu tập trung vào công tác chọn tạo giống mới. Nhiều đề tài nghiên trên lĩnh vực này đã được công nhận và đưa vào thực tế sản xuất như kỹ thuật sử dụng hoocmon để sản xuất giống cá rô phi đơn tính; kỹ thuật sản xuất giống tôm sú không cắt mắt, ương giống tôm càng xanh toàn đực, sử dụng nước ót thay thế nước biển để sản xuất tôm giống, sản xuất nhân tạo giống nghêu, sò huyết, cua biển. Về nuôi trồng, bước đầu đã có một số hộ ứng dụng công nghệ nuôi tôm thâm canh có kiểm soát nguồn nước đầu vào ao nuôi, ứng dụng nuôi tôm trong nhà kính. Trong đó, nổi bật là mô hình thí điểm ương tôm giống dựa trên Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và mở rộng thành mô hình thí điểm nuôi  tôm thịt dựa trên RAS do Chính phủ Đan Mạch tài trợ công nghệ. Song song đó Trung tâm cũng đã tiến hành nghiên cứu cải tiến quy trình nhân sinh khối 3 loài tảo chính làm thức ăn cho thủy sản.

Mặc dù kết quả ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đã đạt được một số thành công nhất định, song vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tiếp tục tháo gỡ để có những định hướng cụ thể và hiệu quả hơn trong giai đoạn mới. Một là, vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn và áp dụng công nghệ do chưa xây dựng được bộ tiêu chí chung về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc thù của tỉnh. Hai là, chưa thu hút được các nguồn lực cần thiết trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do chính sách ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế.

Trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bến Tre có điều kiện rút kinh nghiệm cách làm hay, cách xử lý vướng mắc của các tỉnh, thành phố đi trước để việc triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở tỉnh được rút ngắn và có hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đã tập trung rà soát lại các vấn đề quan trọng, có ý nghĩa quyết định để giải quyết những khó khăn trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trước hết, cần xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải bắt đầu từ tư duy của người dân. Theo đó, cần cụ thể qua chương trình hành động: thực hiện tốt công tác tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân hiểu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hiểu được việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một tất yếu, khách quan trong thời kỳ hội nhập, người sản xuất hàng hóa nông sản buộc phải thực hiện tốt mới có thể tồn tại và phát triển; giúp doanh nghiệp, nông dân biết và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề ứng dụng công nghệ cao giữ vai trò quyết định, vì vậy cần tập trung đầu tư thỏa đáng để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tiếp theo là phát triển doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để một số công ty, cơ sở thu mua sản phẩm nông nghiệp theo lộ trình đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Để thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư, tỉnh cần ban hành các chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm, địa bàn của tỉnh.
Cuối cùng là từng bước hình thành, phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp như: dịch vụ tư vấn kỹ thuật, tư vấn đầu tư, tư vấn pháp lý, tài chính, bảo hiểm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; dịch vụ cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị; tiêu thụ sản phẩm. Các hoạt động dịch vụ sẽ hỗ trợ tích cực cho nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong điều kiện chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, hiểu biết về ứng dụng công nghệ cao. Cần tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, trước tiên là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả hơn các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tình hình mới, trên cơ sở rút kinh nghiệm trong chặng đường đã qua, bên cạnh vai trò tham mưu của ngành Nông nghiệp cần phải có sự hưởng ứng tích cực và nổ lực rất cao của nông dân và doanh nghiệp, cùng với sự phối hợp có hiệu quả của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Sự cộng đồng là cần thiết vì sự tồn tại và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong thời gian tới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh