Phòng trừ sâu hại trên đậu móng chim

Đậu móng chim là cây rau họ đậu có giá trị dinh dưỡng cao, ăn ngon, dễ trồng và cho trái liên tục trong thời gian dài. Mặc dù, so với các loại rau khác, đậu móng chim ít sâu bệnh hơn song sâu đục trái và rầy mềm là hai đối tượng dịch hại gây hại phổ biến, nhất là giai đoạn trái.

Sâu đục trái trên đậu có tên khoa học Maruca testulalis thuộc Bộ Cánh vẩy (Lepidoptera), họ Ngài sáng (Pyralidae). Trưởng thành là loại bướm nhỏ, thân dài khoảng 10-13mm, có màu trắng với nhiều đốm và vằn nâu rất đặc sắc trên cả 2 cánh, hoạt động vào ban đêm, ban ngày trốn ở trong lá. Sâu non có màu trắng ngà với nhiều đốm đen trên khắp thân mình. Trứng được đẻ rải rác hay thành cụm trên lá đài, nụ hoa, cuống hoa, đôi khi còn thấy trứng ở mặt dưới lá non hay trái non. Không chỉ gây hại trên trái, sâu còn phá hại cả lá và hoa. Sâu gây hại khi cây bắt đầu có nụ hoa, nụ quả cho tới khi cây hết cho trái. Nếu đẻ trứng trên lá, sâu non nhả tơ cuốn hai lá sát nhau lại thành tổ, nằm trong đó gặm chất xanh của lá. Khi có bông, chúng thường đẻ trứng trên chùm bông non và sâu nở ra nhả tơ nhíu chùm bông lại để ở ăn bên trong (nông dân thường gọi là “sâu nhíu”). Sâu non đục thẳng vào nụ và hoa ăn phá nhụy và các cánh hoa bên trong hoặc chui vào trong ăn thịt trái và hạt. Ngoài ra, sâu còn có thể đục vào mắt thân làm cây chậm phát triển hoặc héo khô. Sâu non tuổi 1-2 thường gây hại nụ, hoa và trái mới tượng. Sâu lớn tuổi đục vào trái thành lổ đục lớn, thải luôn phân trong trái làm cho trái rất dễ bị thối. Triệu chứng dễ nhận biết trái đậu bị sâu đục trái gây hại là có nhiều phân đen nằm trong trái và lổ đục to bằng “đầu chân nhang” trên trái.Trung bình một sâu non phá 1-3 trái. Sâu non thường ăn phá về đêm. Khi đẫy sức sâu non gặm một lổ trên trái, chui ra ngoài để xuống đất hóa nhộng.
 
Ngoài sâu đục trái, đậu móng chim rất thường bị rầy mềm tấn công. Rầy mềm có tên khoa học: Aphis gossypii, họ Rệp muội (Aphididae). Rầy mềm hình quả lê, dài khoảng 1-2mm (khoảng bằng hạt mè). Màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến xanh thẩm hoặc xanh đen. Mật số rầy mềm tăng rất nhanh nhưng khi hết thức ăn hoặc mật số quá đông chúng sẽ mọc cánh và di chuyển đi nơi khác. Cả rầy non và rầy trưởng thành sống tập trung ở ngọn bông, trái non và mặt dưới lá, ít di chuyển. Chúng chích hút nhựa làm lá bị xoăn và biến màu, ngọn dây chùn lại, dây kém phát triển, bông bị rụng, trái ngắn, cong queo và thường bị tóp phần cuối trái. Nếu mật số cao, rầy mềm gây thiệt hại lớn đến năng suất và phẩm chất đậu. Ngoài ra, chất thải của rầy còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển.
 
Biện pháp phòng trừ:
Ngoài thiên nhiên rầy mềm và sâu đục trái có nhiều thiên địch ăn mồi và ký sinh có khả năng khống chế sự phát triển của chúng. Vì vậy, phải thận trọng khi phun thuốc hóa học.
Vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt cỏ dại, ký chủ phụ, thu gom tàn dư cây trồng đem tiêu hủy.
Luân canh với cây trồng không cùng họ ký chủ.

Đậu móng chim là loại rau luôn có nhiều cở trái trên dây, gần như thu hoạch liên tục mỗi ngày, vì thế khi sử dụng thuốc thì phải hết sức thận trọng, cần lưu ý sau:
Nên chọn những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Ưu tiên chọn các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, dầu khoáng (Biocin, Vineem, dầu khoáng,…). Sử dụng thuốc luân phiên vì sâu đục trái và rầy mềm rất mau kháng thuốc.
Khi phun thuốc trừ rầy mềm không nên phun tràn lan, chỉ phun những dây bị nhiễm. Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly để nông sản được an toàn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa