Nông dân trồng bưởi ở xã Giao Long (Châu Thành) ứng phó với nước mặn xâm nhập

Trong tình hình sản xuất đòi hỏi ngày càng tăng về quy mô và chất lượng, tháng 10/2012 xã Giao Long (Châu Thành) đã vận động thành lập Tổ hợp tác bưởi da xanh Long Thạnh với 23 thành viên và đưa vào hoạt động chính thức vào tháng 8/2013.

Hoạt động của Tổ hợp tác rất có hiệu quả và ngày càng thu hút nhiều thành viên tham gia. Đến nay, Tổ hợp tác bưởi da xanh Long Thạnh, xã Giao Long (Châu Thành) có 140 hộ tham gia, với diện tích đất sản xuất là 50ha.

Hàng tháng, các thành viên của Tổ đều tham gia đầy đủ các buổi họp định kỳ. Trong các buổi họp này, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông khuyến ngư huyện; cùng một số công ty, doanh nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ đến chuyển giao khoa học kỹ thuật và sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… cho nông dân. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi để nông dân có thêm kiến thức, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nhất là trong đợt mặn xâm nhập sâu và lâu như thời gian qua.
 

 Ông Châu Thiên Tiếp đang chăm sóc bưởi da xanh


Theo Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Long: “Do thông với sông An Hóa nên xã Giao Long đã bị mặn xâm nhập từ tháng 11/2015 đến nay, có lúc độ mặn lên đến 6‰, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất của bà con nông dân. Với 358 ha đất nông nghiệp trong toàn xã, hiện nay đã có 17,9 ha lúa và 0,8ha hoa màu bị thiệt hại nặng do nước mặn xâm nhập; nhưng diện tích bưởi da xanh của bà con nông dân trong xã thì chưa thấy thiệt hại.”.

Tìm hiểu về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Long cho biết: Thời gian qua, được hướng dẫn của các ngành chức năng, Hội Nông dân xã và Tổ Hợp tác bưởi da xanh đã vận động bà con nông dân thực hiện một số biện pháp ứng phó với nước mặn xâm nhập như: Đắp đập, làm cống để ngăn mặn và trữ nước ngọt trong các hồ, ao, mương vườn; dùng các phế phẩm trong nông nghiệp như cỏ, lá cây… phủ lên các gốc bưởi để hạn chế nước bốc hơi và giữ độ ẩm cho cây; loại bỏ bớt trái non đễ dưỡng thân cây.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã và Tổ Hợp tác Bưởi da xanh còn liên hệ mời cán bộ kỹ thuật cấp huyện, tỉnh đến hướng dẫn cho nông dân cách sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho phù hợp với thời kỳ hạn mặn. Đặc biệt, Hội Nông dân và Tổ Hợp tác đã liên hệ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện mua và hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng dụng cụ đo độ mặn của nước để chủ động mở cống, khai đập và tưới cho cây khi độ mặn giảm, thường thì bà con chỉ tưới cây khi độ mặn còn dưới 4‰ cho bưởi có từ 5, 6 năm tuổi trở lên, còn bưởi nhỏ chỉ tưới khi nước có độ mặn dưới 2‰.

Lãnh đạo xã chỉ đạo Đài truyền thanh xã thường xuyên cập nhật và thông tin tình hình hạn, mặn trên hệ thống Đài Truyền thanh xã cho bà con nông dân nắm bắt, xử lý kịp thời, hiệu quả.

Bà Cao Thị Triêm, Tổ phó Tổ hợp tác Bưởi da xanh Long Thạnh cũng cho biết thêm: bà và các thành viên của Tổ còn tăng cường bón phân hữu cơ cho cây, với liều lượng 01 phần phân vô cơ thì cộng thêm 02 phần phân hữu cơ (thường là phân cá hữu cơ vi sinh) để làm tơi đất và giúp cây chống chọi tốt hơn với độ mặn.

Hiện nay, Hội Nông dân xã đang đề nghị cán bộ kỹ thuật tiếp tục hướng dẫn cho bà con nông dân cách sử dụng phân lân và vôi công nghiệp bón cho cây để hạ phèn khi đã bị mặn xâm nhập.

Với những cách làm trên, cộng với kinh nghiệm và sự cần cù, chịu khó của mình, tin rằng bà con nông dân của Tổ Hợp tác Bưởi da xanh Long Thạnh xã Giao Long sẽ hạn chế tốt đa thiệt hạn do nước mặn xâm nhập, tiếp tục phát triển diện tích bưởi da xanh, góp phần đưa kinh tế huyện Châu Thành ngày càng phát triển.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh