Trồng ớt trong mùa nắng – Một số sâu hại cần quan tâm

Ớt là một loại quả được sử dụng làm gia vị, rau,… được trồng phổ biến vì có giá trị kinh tế cao ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đem lại lợi nhuận khá lớn cho nông dân. Trong mùa nắng, trồng ớt tốn công tưới nhưng bù lại đạt năng suất rất cao. Tuy nhiên, cần chú ý một số sâu hại phát triển và gây hại trên cây ớt như bọ trỉ, bọ phấn trắng, sâu xanh. Bên cạnh, sự gây hại của nhóm côn trùng chích hút còn tạo điều kiện cho bệnh virus phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất ớt.

Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci Gennadius) là một trong những loài sâu hại chính gây hại trên ớt, chúng không chỉ chích hút các chất dinh dưỡng của cây mà còn là môi giới truyền bệnh virus. Trưởng thành của bọ phấn thuộc họ Rầy phấn (Aleyrodidae); Bộ Cánh đều (Homoptera). Bọ trưởng thành có kích thước nhỏ, dài khoảng 1mm (khoảng bằng hột é), màu vàng nhạt, trên cơ thể phủ một lớp bột màu trắng như phấn, dùng tay quơ nhẹ sẽ thấy chúng bay lên thành từng đám như bụi phấn. Trưởng thành có thể sống đến 30 ngày. Trứng có màu trắng sau chuyển màu nâu. Bọ phấn non có màu trắng hơi xanh hình oval, dài 0,3-0,6mm, giống như vảy cá. Bọ trưởng thành thường đẻ trứng  trên những lá bánh tẻ. Chúng chỉ có thể bay một khoảng cách ngắn nhưng có thể phân tán trên phạm vi rộng nhờ gió. Bọ phấn thường phát triển mạnh và gây hại nặng vào mùa nóng khô.

 

 Bọ phấn trưởng thành.
 

 

 Bọ phấn non.


Bọ phấn trắng gây hại nghiêm trọng trên cây ớt. Cả bọ phấn non và bọ trưởng thành đều chích hút nhựa cây, chủ yếu ở ngọn và các lá non, làm lá biến vàng, khi mật độ cao gây hại nặng chỉ gân lá còn xanh, cây suy yếu, kém phát triển. Bọ trưởng thành rất nhanh nhẹn, thường đậu mặt dưới lá, hoạt động vào sáng sớm và chiều mát. Bọ phấn non chậm chạp hơn bọ phấn trưởng thành, gần như sống cố định một chổ, bám bên dưới lá cây chích hút nhựa cây, do đó nếu phát hiện giai đoạn này phun thuốc phòng trừ rất dễ. Bọ phấn trắng gây hại trên ớt suốt vụ từ khi trồng cho đến khi thu hoạch. Mật số bọ phấn trắng tăng dần từ đầu vụ cho đến cuối vụ trồng.

Trong thời tiết nắng nóng như hiện nay còn là điều kiện thuận lợi cho bọ trỉ phát triển. Bọ trỉ  chích hút nhựa cây ớt làm cho đọt và lá non  bị dủm lại, có nhiều đốm nhỏ màu vàng nhạt, cây kém phát triển rõ rệt. Mật số bọ trỉ cao làm cây cằn cỗi, chùn đọt, không vươn lóng, lá vàng và khô, hoa rụng, trái ít và nhỏ. Bọ trỉ trưởng thành rất nhỏ dài khoảng 1mm, có màu vàng hơi nâu. Ấu trùng có màu vàng nhạt, hầu như trong suốt khi mới nở và giống như trưởng thành nhưng nhỏ hơn và không có cánh. Bọ trỉ là côn trùng sống thành đàn nên mật số rất cao trên lá. Bọ trỉ sống tập trung đọt non hay mặt dưới lá non. Trứng được đẻ mặt dưới lá, khi nở ấu trùng sẽ di chuyển đến các lá non. Vòng đời bọ trỉ ngắn, trung bình 15-18 ngày. Ngoài tự nhiên Bọ trỉ có thể bị tấn công bởi một số thiên địch như bọ cánh lưới, ong ký sinh,….

 

 Bọ trỉ non.

 

 

 Triệu chứng lá non “co dủm” lại do bị bọ trỉ gây hại.   

 

 

 Bọ trỉ trưởng thành.


Ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa, bọ trỉ và bọ phấn trắng  đều có khả năng truyền bệnh virus cho cây và còn tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển. Trong các bệnh virus, bệnh khảm là một thách thức đối với nông dân trồng ớt. Triệu chứng bệnh thể hiện trên lá và toàn cây. Cây bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, phát triển chậm, trái ít và biến dạng, méo mó. Cây bị bệnh sớm và nặng có thể chết. Virus lây lan chủ yếu qua côn trùng môi giới chích hút từ cây bệnh rồi truyền sang cây khỏe. Bệnh không tồn tại lan truyền qua hạt giống và qua đất. Bệnh khảm không có thuốc trị nhưng trừ côn trùng môi giới (bọ trỉ, bọ phấn,...) là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

 

 Triệu chứng bệnh virus trên ớt.


Ngoài bọ phấn và bọ trỉ, sâu xanh (Helicoverpa armigera) cũng là sâu hại khá phổ biến trên cây ớt. Trưởng thành dài 18-20mm, sải cánh 30-35 mm, có màu nâu nhạt, trên cánh trước có các đường vân rộng màu xanh thẫm. Sâu non có thể có nhiều màu khác nhau:  màu xanh lá cây, hồng nhạt hoặc nâu thẫm. Trên thân có sọc đen mờ. Đẫy sức dài khoảng 40 mm. Bướm hoạt động ban đêm, bay khỏe và xa. Đẻ trứng rãi rác  từng trứng trên mặt lá và hoa ớt. Sâu non nở ra ăn lá non, nụ hoa, trái. Sâu thường đục lỗ gần cuống quả ớt, vết đục gọn, không lam nham, sâu đục đến đâu đùn phân đến đó. Suốt giai đoạn ấu trùng, sâu non có thể phá hại nhiều trái, chúng ăn từ trái này chuyển sang trái khác. Sâu đẫy sức chui ra khỏi trái hóa nhộng trong lớp đất sâu 5-10 cm.
    

 

 Ấu trùng sâu xanh   
 

 

Triệu chứng sâu xanh gây hại trên trái ớt

    
* Biện pháp quản lý tổng hợp

Trong tự nhiên bọ trỉ, sâu xanh và bọ phấn trắng có nhiều loài thiên địch bao gồm các loài nấm kí sinh, ong kí sinh và cả các loài thiên địch ăn mồi, nhất là giai đoạn ấu trùng. Vì thế, việc sử dụng thuốc hóa học phải thận trọng, chỉ phun khi thật cần thiết. Đối với các loài sâu hại trên nông dân cần chú ý biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ để hạn chế sự phát triển của dịch hại:  Luân canh với các cây trồng khác họ; Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch, làm đất kỹ để diệt nhộng sâu xanh; Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá phía dưới gốc để vườn cây thông thoáng hạn chế nơi ẩn nấp của bọ phấn; Nhổ bỏ và tiêu hủy các cây ớt khi phát hiện có triệu chứng nhiễm virus; Sử dụng thuốc hóa học khi mật độ sâu cao, có thể sử dụng chế phẩm sinh học nấm xanh, nấm trắng, thuốc trừ sâu sinh học BT hoặc Dầu khoáng để phòng trừ sâu xanh. Một số thuốc phòng trừ bọ trỉ, bọ phấn như: Vimatrine 0.6L; Brightin 1.8EC; Chess 50 WG,. ..

Tuy nhiên khi sử dụng thuốc cần chú ý :
-   Phun kỹ phần đọt non và mặt dưới lá vì bọ trỉ và bọ phấn trú ngụ trên lá non.
-  Thường xuyên thăm đồng phát hiện sớm khi bọ phấn ở giai đoạn non ít di chuyển sẽ dễ nhiễm thuốc.
- Các sâu hại trên rất mau kháng thuốc nên cần sử dụng thuốc luân phiên.
-  Ớt là loại rau được thu hoạch liên tục nên khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần chọn lọc những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn. Tuyệt đối bảo đảm đúng thời gian cách ly để an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh