Lợi nhuận cao từ mô hình kinh doanh củ hủ dừa

Nhắc đến Bến Tre, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh cây dừa không chỉ được xem là nét đặc trưng riêng của xứ cù lao mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Các sản phẩm từ dừa như: thân, lá, gốc, trái,… đều mang lại thu nhập cho các nông hộ. Trong đó có củ hủ dừa - phần lõi non nhất của ngọn trên thân cây dừa - được xem là đặc sản của Bến Tre. Anh Quách Minh Hậu, khu phố 3, thị trấn Châu Thành đã khởi nghiệp thành công và mỗi tháng mang về lợi nhuận trên 10 triệu đồng từ việc kinh doanh củ hủ dừa.

 

image
Các nhân công sơ chế củ hủ dừa.


Hơn 10 năm trước đây, anh Quách Minh Hậu chủ yếu mua – bán củ hủ dừa nhỏ lẻ, đến năm 2016, anh Hậu bắt tay vào việc mở rộng đầu tư diện tích khoảng 200 mét vuông trên tuyến Quốc lộ 60 mới, kinh doanh củ hủ dừa với số vốn khoảng 50 triệu đồng. Hiện nay, nhờ uy tín tạo dựng, cơ sở của anh thu hút khoảng 100 thương lái từ các tỉnh với số lượng giao động từ 200 – 300 củ hủ dừa/ngày. Cứ thế, trung bình 1 tháng, anh xuất khoảng 6.000 củ hủ dừa, với giá bán từ 35.000 đồng/kg trở lên, mang về lợi nhuận trên 10 triệu đồng. Không chỉ mang về thu nhập cho gia đình, anh Hậu còn góp phần giải quyết việc làm cho 4 lao động địa phương khoảng 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Anh cho biết: “Củ hủ dừa được tôi thu mua từ các tỉnh như Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu… nhưng chủ yếu vẫn là ở địa phương. Củ hủ dừa được lấy khi nông dân phá dừa chuyển đổi cây trồng hoặc có các công trình đi ngang, cần đốn bỏ dừa để bàn giao mặt bằng. Củ hủ dừa của cây dừa lão sẽ ngon và ngọt nhất”.

 

 image

Anh Quách Minh Hậu sử dụng máy hút chân không để đóng gói củ hủ dừa

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để có một củ hủ dừa thì cần phải đốn một cây dừa. Ngọn dừa sau khi được cưa gọn, người dân chặt hết lớp vỏ, cuống lá, hoa trái...  chỉ giữ lại phần đọt. Những đọt dừa có chiều dài gần một mét, nặng cỡ 25 kg, được tách lớp vỏ cứng bên ngoài, gọt lõi cuống già. Một củ hủ dừa sau khi bóc sạch lớp vỏ chỉ còn lại khoảng 5 kg lõi trắng là sử dụng được. Để bảo quản củ hủ dừa được lâu, thì phần lõi được chẻ nhỏ ra, chia thành hai loại ngọn và gốc, sau đó đóng gói, hút chân không đưa vào kho lạnh từ 6 độ - 10 độ C để củ hủ dừa không bị thâm, và giữ được màu trắng tự nhiên của phần lõi. Như thế, củ hủ dừa sẽ được bảo quản khoảng 15 ngày và đảm bảo 100% tự nhiên không có chất bảo quản. Thời điểm từ tháng 8 đến Tết được xem là thời gian hút hàng của củ hủ dừa vì được đặt mua nhiều để làm các món ăn phục vụ mùa cưới, và Tết. Hiện nay, anh Quách Minh Hậu đã thành công với việc đưa củ hủ dừa sấy đáp ứng nhu cầu thị trường và đa dạng hóa sản phẩm. “Củ hủ dừa là giống rau sạch, được thị trường rất ưa chuộng. Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh củ hủ dừa sấy khô và củ hủ dừa hút chân không. Dự kiến thời gian tới, nguồn củ hủ dừa sẽ ít đi thì tôi đã hợp đồng với các nông dân đưa giống cho bà con trồng khoảng 18 – 20 tháng sẽ thu củ hủ dừa và bao tiêu sản phẩm cho người dân”- Anh Quách Minh Hậu chia sẻ. 


Củ hủ dừa sau khi chế biến trở thành những món ăn dân dã nhưng độc đáo có độ ngọt, giòn tự nhiên, đầy chất dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ, và hệ tiêu hoá vì có nhiều khoáng chất. Nếu ai có dịp đến xứ dừa Bến Tre thì đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản từ củ hủ dừa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh