Ba Tri đẩy mạnh phát triển phong trào nuôi tôm công nghệ cao gắn với vùng sản xuất tập trung

Huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre có 5.300 ha nuôi trồng thủy sản với sản lượng hơn 10.000 tấn/năm gồm nhiều mô hình nuôi như: Nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao; tôm sú, tôm thẻ thâm canh và bán thâm canh; mô hình quảng canh cải tiến kết hợp...., trong đó có 280 ha nuôi tôm công nghệ cao.

 

Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan thăm khu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Minh Nhũ tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri.

 

Trong các mô hình hiện nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội. Đây là mô hình có tỷ lệ thành công trên 70%, năng suất bình quân hơn 25 tấn/ha/năm, thời gian nuôi ngắn, kích cỡ lớn, chất lượng tôm đảm bảo... Mô hình này phát triển mạnh ở các huyện ven biển như: Bình Đại, Thạnh Phú.

 

Theo anh Nguyễn Minh Nhũ, hộ nuôi tôm ở xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, năm 2014 anh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi tiến hành đào ao nuôi tôm thâm canh để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ít chịu tác động của thời tiết; các chỉ số môi trường ao nuôi được duy trì ổn định do áp dụng hệ thống tuần hoàn kép kín đã giải quyết được nhiều khó khăn tồn tại trong ngành nuôi tôm.

 

Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi này giảm thiểu tôm chết sớm trong giai đoạn từ 25-30 ngày sau thả giống; tăng số vụ nuôi/năm (3 – 4 vụ); tái sử dụng nước, hạn chế được bệnh dịch xâm nhập vào khu nuôi; giảm diện tích nuôi, phù hợp với cả quy mô nuôi nông hộ lẫn quy mô trang trại, mật độ nuôi cao từ 150-300 con/m2, thời gian nuôi ngắn 2,5-3 tháng.

 

Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hiệu quả của anh Nguyễn Minh Nhũ tại xã Bảo Thạnh, ảnh 3 là nông dân Ba Tri chuyển lên nuôi tôm công nghệ cao.

 

Mô hình nuôi tôm thâm canh công nghệ cao có thể kiểm soát quá trình nuôi thông qua các công nghệ cho ăn tự động, kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước giúp người nuôi đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

 

Dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng nuôi tôm theo mô hình siêu thâm canh cũng có những hạn chế nhất định. Theo ước tính, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao có vốn đầu tư cao, từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha cho một khu nuôi hoàn chỉnh. Vì thế, không phải ai cũng có thể thực hiện được mô hình này. Bên cạnh đó, vấn đề môi trường cũng đang là một trở ngại không nhỏ. Bởi nuôi tôm thâm canh sử dụng nguồn nước và nguồn thức ăn rất lớn nên chất thải chưa qua xử lý xả ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

 

Hiện nay, mô hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao theo hướng thân thiện với môi trường được các hộ dân, doanh nghiệp áp dụng theo hình thức khép kín. Đó là khu nuôi được bố trí theo hệ thống gồm: ao ương dưỡng, ao nuôi tôm thịt, ao lắng; ao chứa bùn. Huyện Ba Tri đã tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đến các doanh nghiệp và người dân trong huyện hướng tới hình thành được vùng sản xuất chăn nuôi tập trung thí điểm trên địa bàn huyện Ba Tri làm nền tảng để thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Tỉnh ủy Bến Tre về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh; việc hình thành các khu nuôi tôm tập trung sẽ thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng.

 

Trong thời gian tới, mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở Ba Tri tiếp tục phát triển và vùng sản xuất tập trung được hình thành sẽ là sự tích hợp các hoạt động: tổ chức lại sản xuất tập trung với quy mô vừa và lớn, hình thành liên kết sản xuất dưới hình thức Hợp tác xã có quy trình sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; gắn kết với các doanh nghiệp kinh doanh đầu vào, đầu ra sản phẩm, chế biến  theo hướng hợp tác, bền vững lâu dài. Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy về về việc xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh.

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Chất Đất
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Công nghệ ứng dụng trong công tác an toàn vệ sinh lao động
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh