Giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình sản xuất lúa tôm càng xanh tại xã Mỹ An huyện Thạnh Phú

A. Hiện trạng và các hình thức sản xuất lúa tôm càng xanh hiện nay tại huyện thạnh phú

 
 
 Tôm càng xanh (Macrobrachium rosenbergii rosenbergii De Man)


Thạnh Phú là một trong 3 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, điều kiện tự nhiên rất phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. trong những năm gần đây mô hình tôm lúa phát triển rất mạnh ở huyện Thạnh Phú nói chung, đặc biệt là mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Mỹ An nói riêng, đây là một xã có diện tích nuôi tôm càng xanh ruộng lúa chiếm tỉ lệ cao nhất trong huyện. toàn huyện có tổng diện tích nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là trên 500 ha, trong đó xã Mỹ An chiếm hơn 2/3 diện tích. Đây là một mô hình đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho vùng nầy và mang tính bền vững cao, vì mô hình nầy dễ làm, dễ áp dụng và đối tượng nuôi như con tôm càng xanh rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như về môi trường ở vùng đất xã Mỹ An. Như độ mặn hàng năm tại xã Mỹ An giao động từ 0 đến 15 độ, trung bình từ 5 đến 10 độ đây là điều kiện rất lý tưởng cho tôm càng xanh phát triển, ở giai đoạn ấu trùng và giai đoạn tôm giống tôm càng xanh rất thích nghi với độ mặn nầy đến khi giai đoạn trưởng thành thì tôm càng xanh có khuynh hướng sống với môi trường nước ngọt. Điều kiện tự nhiên ở huyện Thạnh Phú nói chung và xã Mỹ An nói riêng hàng năm có 6 tháng nước mặn và 6 tháng nước ngọt nên rất phù hợp cho mô hình này. Ngoài ra tôm càng xanh trong quá trình nuôi ít thấy bị bệnh, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như bệnh gan tụy hây bệnh đốm trắng... nhưng hiện nay mô hình nầy cho năng suất rất khiêm tốn trung bình từ 300kg đến 500kg/ha, đúng thực chất của mô hình nầy là phải đạt năng suất trên 500kg/ha.

I. Các hình thức nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa hiện nay:
Hiện nay có 3 hình thức nuôi; hình thức nuôi chuyên canh, luân canh và xen canh.

1. Nuôi chuyên canh:
Đây là hình thức nuôi có đầu tư và nâng cấp kỹ thuật cao hơn, như có ao ương tôm riêng biệt, có xử lý nước đầu vào, có trang bị  thêm hệ thống quạt nước, hệ thống cấp nước chủ động, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp hây thức ăn tổng hợp tự chế biến, không cho thức ăn tươi sống, mật độ nuôi > 5 con/m2, mô hình nầy thường đạt năng suất > 500kg/ha.

2. Nuôi luân canh:
Là nuôi một vụ tôm xong, tiếp theo là trồng lúa, mô hình nầy khi nước mặn lên thì thả nuôi tôm càng cho đến khi mùa mưa đến nước ngọt thì tiến hành thu hoạch tôm và chuẩn bị cho việc trồng lúa.
3. Nuôi xen canh: là nuôi kết hợp với trồng lúa.

Tất cả các mô hình nầy thường được thiết kế là trên nền đất ruộng có đào mương bao xung quanh, có độ sâu mức nước trung bình 1m, còn trên nền trảng ruộng thì trồng lúa, có độ sâu mức nước trung bình 0,3m. Đây là mô hình nuôi thông dụng nhất ở xã Mỹ An là một mô hình có hiệu quả và bền vững nhất hiện nay, vì mô hình nầy tạo được sự cân bằng hệ sinh thái cho vùng nuôi, con tôm và cây lúa có mối quan hệ tương tác qua lại với nhau, thức ăn dư thừa và phân tôm thải ra là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa và ngược lại quá trình phát triền của cây lúa sẽ làm sạch nền đáy và tạo được môi trường nước ổn định hơn.

 Khu ương và nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa.


II. MÙA VỤ NUÔI:
Đối với hình thức nuôi chuyên canh; từ tháng 1-2 dl trở đi. Và nuôi tôm - lúa là từ tháng 5-6 dl trở đi.

III. KỸ THUẬT NUÔI:
Người dân còn nuôi theo hình thức truyền thống. Đa phần không thiết kế khu ương tôm, thường thả tôm trực tiếp vào ruộng nuôi hoặc cho vào khu vực có vây lưới mùng, không xử lý nước đầu vào, bờ và nương bao quanh chưa đảm bảo còn bị thất thoát nước nhiều, cách chăm sóc và quản lý như cho ăn, thay nước còn theo cảm tính chưa đảm bảo kỹ thuật, chưa mạnh dạng áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới như nuôi tôm càng xanh toàn đực và các biện pháp bẻ càng trong lúc đang nuôi.

 
 
 Ương tôm càng xanh trong ruộng lúa.


B. Nguyên nhân và các giải pháp

I. Nguyên nhân:
Có 3 nguyên nhân cơ bản dẫn đến mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa cho năng xuất thấp.

1. Việc cải tạo ruộng nuôi chưa triệt để:
Hàng năm bùn dơ ở đáy mương chỉ được đem lên bờ chứ không được đưa tới nơi quy định, như thế vào mùa mưa sẻ trôi ngược trở lại xuống mương làm cho môi trường nước luôn bất ổn đặc biệt là độ phèn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tôm cũng như cây lúa

2. Bờ và mương bao chưa đảm bảo:
Còn bị rò rỉ thất thoát nước nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các loài rong tảo phát triển gây ô nhiểm trầm trọng môi trường vùng nuôi

3. Cách chăm sóc và quản lý:
Như cho ăn và thay nước chưa đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn còn tùy tiện không đủ chất và lượng. Nguồn nước thay không đảm bảo dẫn đến nước bị ô nhiễm. Đa phần là không có ao ương tôm.

II. Các giải pháp để nâng cao năng suất mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa tại xã Mỹ An: Có 6 giải pháp

1. Cải tiến lại ruộng nuôi:
Đảm bảo giử mực nước trong mương từ 1.2 đến 1.4m. Trên nền trảng ruộng có độ sâu từ 0.4 đến 0.5m.
Đối với mức nước trên làm cho môi trường nước ruộng nuôi ổn định hơn ít biến động, đặc biệt là hạn chế được tối đa tảo đáy và rong phát triển

2. Thiết kế thêm mương trên các vùng trảng trồng lúa:
Nhằm mục đích tăng thêm diện tích hoạt động cho tôm càng xanh và đặc biệt là làm cho đất được rõ phèn, tạo điều kiện cho con tôm hây cây lúa được phát triển tốt hơn.

3. Phải có ao ương tôm riêng biệt:
Tùy theo điều kiện diện tích ruộng nuôi mà có thiết kế ao ương cho phù hợp thông thường ao ương có diện tích từ 200 đến 400m2. Ao ương phải thiết kế đúng theo quy trình kỹ thuật, và tất cả ruộng nuôi phải được cải tạo, diệt tạp, khử trùng triệt để.

4. Chăm sóc và quản lý đúng kỹ thuật:
Cho ăn phải đúng liều lượng, và thức ăn phải đảm bảo đủ độ đạm, phải có chế độ thay nước hợp lý, thông thường thay nước 2 lần trên tháng đồng thời kiểm tra sự phát triển của tôm và kết hợp động tác bẻ càng để tạo điều kiện tôm lớn nhanh và đồng điều hơn.

5. Mùa vụ nuôi:
Theo kinh nghiệm mùa vụ nuôi tôm trong thời gian từ nước mặn chuyển dần sang môi trường nước ngọt là tốt nhất, theo đặc điểm sinh học của tôm càng xanh trong thời gian tôm con thì phát triển tốt ở môi trường nước lợ và khi lớn lên có khuynh hướng sống ở môi trường nước ngọt. Thông thường mùa vụ là từ tháng 4 đến tháng 5 dl.

6. Về con giống:
Phải chọn con giống đúng theo tiêu chuẩn của ngành,- Con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, không bị xây xát, có kích cỡ trương đối đồng đều. Hiện nay có nguồn giống tôm càng xanh toàn đực đang được nhiều người ưa chuộn và nuôi đạt kết quả rất cao.
Về lâu dài phải có kế hoạch đầu tư trại sản xuất giống đúng tiêu chuẩn của ngành tại địa phương, và có kế hoạch gia hóa chọn lộc đàn tôm bố mẹ hậu bị để phục vụ cho sản xuất được tốt hơn.

C. Kỹ Thuật, ương tôm càng xanh trong ruộng lúa:

I. Chuẩn bị ao, mương trong ruộng:
- Diện tích ương từ 200m2 trở lên tùy theo quy mô của từng hộ.
- Cải tạo ao, mương ương thật kỹ gồm các bước sau: tháo cạn nước, nạo vét bùn đáy, bắt cá tạp, tu sữa bờ, cống,…
- Bón vôi với liều lượng 10kg/100m2, phơi đáy. Sau đó bón tiếp phân chuồng từ 15-20kg/100m2.
- Lấy nước vào qua lưới lọc, mực nước đạt trung bình 1,0m tùy theo độ sâu của ao, mương trong ruộng, tiến hành diệt tạp bằng thuốc saponin hoặc rễ dây thuốc cá (Rotenone); 1kg rễ tươi/200m3, sau khi lấy nước vào khoảng 5-10 ngày, diệt khuẩn và gây màu nước tốt rồi tiến hành thả giống.
- Đặt giá thể cho tôm trú ẩn (tàu dừa, chà hoặc lưới).

II. Chọn giống, thả giống và mật độ ương:
- Giống: giống tôm càng xanh toàn đực (tôm post).
- Con giống khỏe mạnh, không nhiễm bệnh, không bị xây xát, có kích cỡ trương đối đồng đều.
- Bao chứa tôm giống chuyển về được cho xuống ao, mương ngâm để thuần hoá nhiệt độ khoảng 15 phút mới thả tôm ra ao ương.
- Thời gian thả tôm tốt nhất là sáng sớm hoặc chiều mát.
- Mật độ thả ương: 100-200 con/m2.
- Mật độ ương càng cao thời gian ương ngắn lại.

III. Chăm sóc và quản lý:
- Thức ăn cho tôm ăn là thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30-32% để hạn chế làm dơ nước ao, mương ương.
- Ngày cho tôm ăn 3 lần (sáng 6 -7giờ, trưa 10-11 giờ, chiều 16-17 giờ), lượng thức ăn cho tôm ăn 1,5kg/100.000tôm/ngày và tăng dần theo thời gian ương.
- Cách cho tôm ăn: thức ăn cho tôm ăn trong suốt quá trình ương là thức ăn mãnh nên cần pha nước tạt đều xung quanh mương, ao ương. Nếu có điều kiện nên tăng cường hệ thống sục khí trong ao để tạo hàm lượng oxy tối ưu, tạo môi trường tốt cho tôm nhanh lớn.
- Giữ mức nước trong ao, mương ương trung bình 1.0m.
- Đặt sàn theo dõi khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp không để dư thừa hoặc thiếu thức ăn vừa gây lãng phí, dơ nước vừa làm tôm chậm lớn và phân đàn.
- Định kỳ 10 ngày thay nước một lần, mỗi lần thay từ 20-30% tùy theo màu nước và thời gian ương.
- Sau mỗi lần thay nước, hay mưa lớn cần tạt vôi vào ao, mương để giúp ổn định môi trường ao, mương ương tránh gây sốc tôm.

IV. Thu hoạch:
- Thời gian ương từ 1- 2 tháng có thể tiến hành thu hoạch chuyển sang nuôi thương phẩm. Tỉ lệ sống thường > 70%, khích thước trung bình từ 2.5-3.5cm.
- Trước khi thu hoạch 1 ngày cần thay nước 70% để kich thích tôm lột vỏ.
- Chuẩn bị dụng cụ (lưới kéo, vợt,…) và bể để chứa tôm, có thể dùng bể composite có sục khí, hoặc căng giai ở những mương, ao nước sạch.
- Nên thu vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

D. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa:

I. Điều kiện ruộng:
- Thuận tiện giao thông, có nguồn điện quốc gia càng tốt
- Gần sông, rạch, kênh, mương để việc cấp tiêu nước dễ dàng.
- Nguồn nước cấp phải sạch, có độ pH (độ phèn) thích hợp.
- Gần nơi ở, thuận tiện cho việc chăm sóc và quản lý tôm nuôi.

II. Xây dựng ruộng nuôi tôm:
- Diện tích ruộng nuôi tôm từ: 0,2 - 1ha, trung bình 0,5ha.
- Bờ ruộng nuôi phải chắc chắn, không mọi, nước lụt không ngập.
- Mặt ruộng tương đối bằng phẳng, mức nước trên ruộng đạt 0,4-0.5m.
- Mương bao quanh rộng  4 - 5m, sâu 1,2 - 1,5m. Đáy mương bằng phẳng, dốc về phía cống thoát.
- Cống: có 1 cống lấy nước, 1 cống thoát nước. Đảm bảo đủ lượng nước điều tiết khi cần thiết.

III. Chuẩn bị ruộng nuôi tôm:

 

 
- Tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, rong rêu, vét bùn đáy mương, đắp bờ bao chắc chắn, phơi đáy mương 7 - 10 ngày.
- Bón vôi (CaCO3) nâng độ pH. Liều lượng 70 – 100kg/1.000m2.
- Lấy nước: Lấy nước vào ruộng nuôi qua lưới lọc từ cống, mực nước của mương nuôi từ 0,8 - 1m.
- Diệt tạp: Dùng Saponin để diệt cá tạp, liều lượng 10kg/1.000m3.
- Gây màu: Có thể bón phân NPK hoặc Urê hoặc lân... với lượng 3 -6kg/1.000m2 hoặc có thể sử dụng phân hữu cơ 20kg/1.000m2 để gây màu.
- Thả chà (nhánh cây khô, rụng lá, không chát) được cắm thành từng cụm hoặc rải rác khắp mương để làm nơi trú ẩn cho tôm.

IV. Chọn và thả giống:
Mùa vụ nuôi: Thả giống vào tháng 4 – 5dl trở đi.
Chọn giống và cách thả:
- Có thể sử dụng tôm giống tự nhiên hoặc tôm giống từ sản xuất nhân tạo. Tôm giống khỏe, có kích cỡ tương đối đồng đều, phản ứng nhanh, không bị nhiễm ký sinh hoặc bị đục cơ. Hiện nay việc đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi bán thâm canh được đặc biệt quan tâm, vì giải quyết được tình trạng tôm cái mang trứng và tôm đực càng sào.
- Mật độ thả giống: Từ 2 - 4con/m2. Đầu tiên thả tôm vào mương, sau đó mới cho lên mặt ruộng.
- Nên chọn cỡ giống từ: 2 – 6 cm/con.

V. Quản lý và chăm sóc:
1. Quản lý thức ăn:
- Loại thức ăn: Giai đoạn đầu tốt nhất nên cho tôm ăn thức ăn viên công nghiệp, có độ đạm từ 25 – 32%. Giai đoạn sau có thể sử dụng thức ăn tự chế biến để hạ giá thành.
- Phương pháp cho ăn: Rải khắp mương nuôi.
- Số lần cho ăn từ 1 – 2 lần/ngày.
- Liều lượng cho ăn (cho 100.000 con giống): Ngày đầu tiên cho ăn 0.8 kg, sau đó tăng dần khoảng 100gam/ngày, tuần thứ 2 là 150gam/ngày, tuần thứ 3 là 200gam/ngày, tuần thứ 4 là 500gam/ngày. Sau đó theo dõi sự phát triển của tôm mà cho ăn theo trọng lượng thân.
- Thành phần thức ăn chế biến có thể sử dụng các nguyên liệu như sau: Trùng quế, cá tạp, cám, ruốt, ốc bươu vàng, còng,… cho qua hệ thống máy ép sấy. Kích cỡ thức ăn tùy thuộc vào kích thước tôm. Không nên cho tôm ăn thừa làm ô nhiễm môi trường nước.

 

Thành phần và tỉ lệ nguyên liệu thức ăn tự chế biến.

Khi cho tôm ăn cần dựa vào một số yếu tố môi trường, để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp như: Những ngày mưa lớn nên giảm lượng thức ăn.

- Kết hợp sàng ăn trong ao để đánh giá đúng thức ăn tôm sử dụng.
Theo dõi tăng trưởng và tình trạng sức khoẻ tôm: do đặc tính của tôm lớn lên là nhờ lột xác và chu kỳ lột xác tuỳ thuộc vào kích cỡ và điều kiện môi trường sống.

2. Quản lý môi trường:
- Cần duy trì các yếu tố môi trường ao nuôi trong ngưỡng thích hợp.

 Quản lý các yếu tố môi trường ao nuôi.


- Thay nước: Đối với tôm càng xanh việc thay nước rất quan trọng, cần chủ động và thay nước thường xuyên, lượng nước thay từ 20 – 30% nước trong ruộng nuôi. Khi cấp nước cho ruộng nuôi tôm cần kiểm tra các yếu tố môi trường bên ngoài và ruộng nuôi cho tương đồng.
- Theo dõi và quản lý sức khỏe tôm nuôi: Trong quá trình nuôi cần chú ý theo dõi quá trình phát triển của tôm để có biện pháp điều chỉnh kịp thời và hợp lý. Hàng tuần cần chài tôm để quan sát đường ruột nhằm đánh giá mức độ bắt mồi, những dấu hiệu của bệnh trên tôm (quan sát mang, màu sắc, khối cơ, những biến dạng khác của tôm…), cần theo dõi và dự đoán thời kỳ lột xác của đàn tôm nuôi trong ruộng để có những điều chỉnh về lượng thức ăn và môi trường nước cho phù hợp…

VI. Thu hoạch:
Sau thời gian nuôi trên 4 tháng, có thể thu tỉa những con tôm đạt kích cỡ thương phẩm, những con chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì tiếp tục nuôi khoảng 6 - 8 tháng thì thu hoạch toàn bộ.

VII. CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT CẦN LƯU Ý
- Kỹ thuật bẻ càng: Sau khi thả nuôi từ 60 – 75 ngày có thể tiến hành bẻ càng nhằm giúp tôm sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (hạn chế ăn lẫn nhau) đạt giá bán cao khi thu hoạch. Tuy nhiên, việc bẻ càng cần phải áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật, tránh hao hụt sau khi bẻ càng.
+ Vị trí bẻ ở khớp gần cơ thể, tạo điều kiện cho tôm tự bỏ càng một cách tự nhiên.
+ Đối với chọn giống không là toàn đực nên tách riêng đực cái sau thời gian nuôi từ 75 – 90 ngày.
- Giăng lưới: Có thể tiến hành giăng lưới làm chổ trú ẩn cho tôm trong quá trình lột xác, thường áp dụng cho hình thức nuôi bán thâm canh. Diện tích giăng lưới chiếm từ 10 – 15% diện tích ao nuôi, lưới giăng cách mặt nước 50cm, mỗi sàn lưới có diện tích từ 1 – 2m2, kích cở mắt lưới phù hợp theo từng giai đoạn, thường sử dụng mắt lưới 2a từ 3 – 5 cm.

VIII. BỆNH TRÊN TÔM CÀNG XANH

1. Một số bệnh thường gặp trên tôm càng xanh:
1.1. Bệnh đóng rong:    
* Nguyên nhân và triệu chứng: Do nước ao tù, đọng, hàm lượng hữu cơ cao, tảo nở hoa làm đáy ao nuôi bị lab - lab nhiều, dinh dưỡng thiếu.  

 

 Tôm bị bệnh đóng rong.

Tôm thường bị bao phủ bởi lớp ký sinh nấm - tảo làm tôm phát triển không được.
Cách phòng trị: Thay nước thường xuyên (nên thay nước tầng đáy), cho ăn đầy đủ, tăng lượng đạm và vitamin để tôm lột vỏ được.  

1.2. Bệnh đốm nâu:
* Nguyên nhân: Do vi khuẩn Areomonas hydrophyla và Pseudomonas sp, đồng thời có yếu tố ngoại cảnh gây sốc như môi trường nước nhiễm bẩn, mật độ dày, quản lý chăm sóc kém làm bệnh phát triển nhanh…
Cách phòng trị: Thay nước thường xuyên, cho ăn đầy đủ, giữ cho môi trường ao nuôi trong sạch không bị ô nhiễm, thường xuyên bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết cho tôm nuôi.

 

 Tôm bị đốm nâu.


1.3. Bệnh đục cơ:
* Nguyên nhân: Macrobrachium rosenbergii Nodavirus (MrNV) và Extra small virus (XSV) là hai loài virus được cho biết là có liên quan đến bệnh đục cơ trên tôm càng xanh. Cả hai loài virus này được phân lập từ tôm càng xanh có dấu hiệu bệnh đục cơ. Tuy nhiên, khả năng gây bệnh của hai loài virus này thì vẫn còn trong quá trình nghiên cứu.
* Dấu hiệu bệnh lý: Xuất hiện những vùng đục trên cơ ở đốt đuôi hay đốt cơ giữa thân, tiếp đến tôm ngừng lột xác, bỏ ăn, giảm vận động, phần cơ bị đục lan ra toàn thân và hoại tử.

 

 Tôm bị bệnh đục cơ.


* Cách phòng trị: Không có phương pháp điều trị hiệu quả bệnh này ngoại trừ việc giảm thiểu các yếu tố gây sốc từ môi trường cho tôm. Tăng cường vitaminC vào thức ăn.

1.4. Bệnh đen mang:
* Nguyên nhân: Do nền đáy ao, ruộng, mương bị ô nhiễm nặng, nước có nhiều chất hữu cơ lơ lửng, pH thấp…

 Tôm bị bệnh đen mang.


* Cách phòng trị: Thay nước mới, giảm cho ăn, bón vôi (CaCO3), vi sinh.

2. Áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp:
Hiện tại đối với tôm càng xanh các bệnh không mang tính chất nguy hiểm như tôm biển và chưa có sự lây nhiễm chéo giữa tôm càng xanh và tôm biển. Nên có thể nuôi ghép giữa tôm càng xanh với nhiều đối tượng khác nhằm giải quyết vấn đề bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề bệnh ở tôm càng xanh cũng cần được chú ý.

 


- Hạn chế sự xuất hiện của mầm bệnh ở mức thấp nhất như: Kiểm dịch giống, xử lý đúng quy trình, diệt khuẩn định kỳ (đối với bán thâm canh)...
- Tăng cường sức khỏe cho tôm nuôi (bổ sung các Vitamin, khoáng cần thiết, men vi sinh…).
- Duy trì các yếu tố môi trường nằm trong khoảng thích hợp (kiểm tra thường xuyên và có biện pháp hợp lý, quản lý tốt thức ăn, tạo điều kiện thuận lợi vi sinh vật đáy phát triển…).
- Định kỳ diệt cá tạp bằng saponin, tránh tình trạng tôm nuôi bị cạnh tranh thức ăn.
- Thường xuyên thay nước cho tôm nuôi để môi trường nước nuôi tôm luôn đạt yêu cầu các yếu tố thủy lý, thủy hóa.
- Cho tôm ăn đầy đủ bằng thức ăn có chất lượng tốt, tránh dư thừa làm cho ô nhiễm môi trường nước nuôi tôm.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi