Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi

Thạnh Phú là một trong 03 huyện ven biển của tỉnh Bến Tre có điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt, lợ, mặn. Tuy nhiên trong những năm gần đây tình hình nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Thạnh Phú nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung gặp không ít khó khăn như dịch bệnh xảy ra thường xuyên, giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng, giá tôm thịt, cua biển, tôm càng xanh liên tục giảm trong thời gian dài, đứng trước những khó khăn thách thức trên, việc tìm ra đối tượng nuôi mới phù hợp với điều kiện sinh thái của địa phương là điều trăn trở đối với nhiều bà con nơi đây cũng như là của cán bộ ngành nông nghiệp của huyện.

 

Trước tình hình trên, Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng nghiệp vụ Khuyến ngư chọn đối tượng nuôi mới để tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con xã An Nhơn. Qua tìm hiểu và nghiên cứu nhận thấy con lươn là đối tượng dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, năng suất cao. Sau khi được tập huấn kỹ thuật vào năm 2021 anh Đặng Văn Lạc ở ấp An Hòa, xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú đã mạnh dạn đầu tư nuôi thử nghiệm 3.000 con lươn giống với diện tích 8 m2 trong bể xi măng, với kích cỡ con giống thả ban đầu là 500 con/kg. Mặc dù đã được tập huấn kỹ thuật nuôi, và tìm hiểu thêm thông tin trên mạng và bạn bè tuy nhiên do đây là đối tượng mới nên gặp không ít khó khăn, sau thời gian nuôi 03 tháng thì lươn bị bệnh đỏ thân nhờ phát hiện sớm và được sự hỗ trợ chữa trị kịp thời của cán bộ khuyến nông nên lươn hao hụt không nhiều khoảng 300 con. Ngoài ra lươn nuôi không đồng đều kích cỡ, tỷ lệ chiếm khoảng 20%.

 

 

Sau thời gian 12 tháng nuôi lươn đạt bình quân 3-4 con/kg, sản lượng đạt 650 kg, giá bán 125.000đ/kg, trừ chi phí lợi nhuận đạt 20 triệu đồng.

Qua vụ nuôi tôi nhận thấy đây là đối tượng nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, kỹ thuật nuôi dễ áp dụng, nguồn cung con giống dồi giàu, thức ăn dễ mua do thức ăn cho lươn ăn hoàn toàn là thức ăn công nghiệp, vì vậy tôi tiếp tục mở rộng thêm bể nuôi trong thời gian tới lên 4 hoặc 5 bể nuôi.

 

Qua hiệu quả của mô hình anh Lạc, vào năm 2022 anh Nguyễn Văn Muông ở ấp An Hòa cũng mạnh dạn đầu tư 4 bể nuôi lươn không bùn trong bể xi măng với diện tích 16 m2 anh thả nuôi 8.000 con lươn giống, sau thời gian nuôi gần 6 tháng khối lượng bình quân đạt 25 con/kg, tỷ lệ sống hiện tại đạt khoảng 75%, anh Muông dự kiến khoảng 4 tháng nữa lươn anh đạt cỡ thương phẩm, sản lượng ước đạt 1,5-2 tấn. Anh Muông cho biết thêm việc nuôi lươn kỹ thuật nuôi không khó lắm chỉ cần thay nước ngày 02 lần, cho ăn đầy đủ và cho ăn ngày 3 lần đối với lươn nhỏ và giảm còn  02 lần/ngày đối với lươn lớn, thường xuyên lọc phân cỡ lươn thì nuôi sẽ đạt hiệu quả. Anh Muông dự kiến với giá bán thương phẩm 95.000đ/kg vụ này anh lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng.

 

 

Qua trao đổi với anh cán bộ nông nghiệp môi trường xã thì đây là đối tượng nuôi có hiệu quả và phù hợp với điều kiện sản xuất của xã, xã sẽ tuyên truyền và nhân rộng trong thời gian tới.

 

Cán bộ Trạm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp nhận thấy đây là đối tượng nuôi mới đối với địa phương nhưng bước đầu nhận thấy hiệu quả về mặt kinh tế và kỹ thuật. Tuy nhiên khi nuôi bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

 

1. Chọn địa điểm và thiết kế bể nuôi lươn:

Cần chọn nơi yên tình, mát, tránh nắng nóng để đặt bể nuôi lươn, gần kênh rạch thuận tiện cho việc cấp thoát nước.

 

Tùy điều kiện của từng nông hộ mà có thể thiết kế bể nuôi dạng bể nổi, bể chìm hoặc nửa nổi, nửa chìm. Vị trí đặt bể phải thoáng, đủ độ chiếu sáng.

 

Bể lót bạt hoặc xây bể xi măng, bể có hình vuông hoặc hình chữ nhật, bể có diện tích 4m2/bể để dễ chăm sóc và quản lý, chiều cao bể 0,8m.

 

Đối với bể mới nên ngâm nước 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 ngày.

 

Giá thể cho lươn trú ẩn: có thể dùng tre hoặc ống nhựa PVC để làm giá thể cho lươn trú ẩn.

 

2. Chọn giống, thuần dưỡng giống và mật độ thả giống

Lươn giống: dựa vào màu sắc của lươn có thể bắt gặp ba loại sau đây:

+ Loại có màu vàng sẫm: lớn nhanh

+ Loại có màu vàng xanh: phát triển bình thường

+ Loại cá màu xám tro: chậm lớn

+ Kích cỡ lươn giống thả nuôi: 800-1.000 con/kg (10-12cm/con)

+ Con giống: con giống nên chọn mua ở những cơ sở sản xuất có uy tín, kích cỡ tương đối đồng đều, không nhiễm bệnh, lươn thường được vận chuyển bằng can nhựa hay thùng mốt. Bến Tre đã chủ động nguồn lươn giống đảm bảo đủ để cung cấp cho bà con nuôi quanh năm.

 

* Thuần dưỡng lươn

Lươn giống trước khi thả vào bể nuôi cần được thuần dưỡng từ 10-15 ngày, bể thuần dưỡng được làm bằng bể bạt có diện tích vài mét vuông, có đặt ống xả nước, mực nước cho vào bể khoảng 20cm, dùng dây nilon làm giá thể cho lươn trú ẩn.

Lươn khi vận chuyển về phải được tắm trong dung dịch nước muối 2-3% (200g -300g/10 lít nước) trong 2-3 phút tùy theo khả năng chịu đựng của lươn. Sau đó cho vào bể thuần dưỡng, mật độ thả 3.000 con/m2.

Mỗi ngày thay nước 1-2 lần (sáng, chiều; sáng hoặc chiều), nguồn nước thay phải là nước sạch được chứa trong bể hoặc cống phải được xử lý diệt khuẩn hoặc để lắng sau 7 ngày mới sử dụng thay nước.

Trong 3 ngày đầu không cho lươn ăn, sau đó bắt đầu tập cho lươn ăn dần, thức ăn cho lươn ăn giống như thức ăn ở cơ sở cung ứng giống cho ăn nhưng với số lượng ít sau đó tăng dần lên. Sau 10-15 ngày chuyển vào bể nuôi.

Mật độ thả: 200-500con/m2.

 

3. Chăm sóc và quản lý

Cho ăn: thức ăn cho lươn ăn có thể 30% cá tạp + 70% thức ăn công nghiệp hoặc có thể tập cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp.

Cách cho lươn ăn thực hiện theo 4 định: định chất, định lượng, định thời gian và định vị trí.

+ Định chất: thức ăn phải luôn tươi, không cho lươn ăn thức ăn bị ương hoặc bị mốc, hạn chế thay đổi thức ăn đột ngột lươn sẽ giảm ăn hoặc bỏ ăn.

+ Định lượng: lượng thức ăn cho lươn ăn phải được điều chỉnh một cách hợp lý, tùy vào khả năng bắt mồi của lươn mà tăng hoặc giảm cho phù hợp. Sau khi cho ăn từ 1-2 giờ thì kiểm tra thức ăn nhằm loại bỏ thức ăn dư thừa. Lượng thức ăn cho lươn ăn dao động từ 2-8% khối lượng lươn tùy theo khối lượng lươn và thời gian nuôi.

+ Định thời gian: cho lươn ăn 2 lần/ngày, sáng và chiều (sáng 6-7 giờ, chiều 17-18 giờ).

+ Định vị trí: cho lươn ăn ở vị trí cố định trong bể và làm sàng cho ăn.

+ Định kỳ bổ sung vitamin và men tiêu hóa trộn vào thức ăn cho lươn ăn giúp tăng sức đề kháng nhất là lúc thời tiết thay đổi, giao mùa và giúp lươn tiêu hóa tốt thức ăn.

Quản lý môi trường nước: nguồn nước thay cho lươn ở hình thức nuôi này luôn sạch và đảm bảo đủ lượng nước để thay hàng ngày, thay nước 2 lần/ngày thay nước trước khi cho lươn ăn.

Khi thấy thân trước của lươn thẳng đứng trong nước, đầu nhô lên mặt nước để thở chứng tỏ nước bẩn cần nhanh chóng thay nước, và luôn giữ nhiệt độ ổn định vì lươn rất nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ.

Tuỳ theo kích cỡ lươn giống khi thả nuôi mà quyết định thời gian thu hoạch hợp lý. Thông thường, nếu thả giống cỡ 40-60 con/kg, nuôi sau 4-6 tháng, lươn có thể đạt cỡ 4-6con/kg. Nếu thả giống cỡ lớn (15-20 con/kg), chỉ cần nuôi 2,5-3 tháng cũng có thể đạt cỡ này.

 

4. Thu hoạch lươn cần thực hiện các bước sau:

Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, dụng cụ đánh bắt, dụng cụ chứa lươn và các phương tiện vận chuyển.

Nên chọn thời điểm thu lươn vào lúc sáng sớm hay chiều mát.

Rút cạn nước, dọn sạch rong cỏ trong bể nuôi. Bới đất trong bể và chuyển hết ra ngoài. Lươn được thu gom để thu hoạch một cách dễ dàng.

Nên bắt từng mẻ, thu gọn và vận chuyển nhanh.

Bên cạnh đó, thời gian nuôi lươn khá dài khoảng 12 tháng mới thu hoạch, vì vậy bà con nên nuôi theo hình thức cuốn chiếu để hàng tháng có lươn thương phẩm xuất bán liên tục, ngoài ra Thạnh Phú là huyện có tỷ lệ đàn bò khá lớn bà con có thể sử dụng phân bò nuôi trùn quế, lấy trùn quế cho lươn ăn và dùng phân trùn bón cho cây trồng hoặc cỏ có như vậy thì hiệu quả kinh tế sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy đề nghị tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng mô hình trong thời gian tới nhằm giúp cho bà con tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất.

 

 

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi
• Các giải pháp phòng chống hạn mặn, mùa khô năm 2023-2024 của ngành thủy sản