9X khởi nghiệp, mỗi tháng kiếm thu nhập khoảng 20 - 30 triệu đồng

25 tuổi đời, chủ một cơ sở sản xuất tinh chế dầu dừa Tinh Nguyên, hiện có thu nhập mỗi tháng khoảng 20 – 30 triệu đồng. Đó chính là em Hứa Nhã Quyên - ấp Phước Thạnh 1, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, Bến Tre.

 

 
 Hứa Nhã Quyên-cô gái 9X với khởi nghiệp từ dầu dừa


Vốn đam mê kinh doanh từ nhỏ, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, năm 2015, Hứa Nhã Quyên quyết định chuyển việc học từ tập trung chuyên ngành kế toán của trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh sang hệ vừa làm vừa học để về quê chế biến tinh dầu dừa. Em Nhã Quyên cho biết: “Ý tưởng giúp tôi khởi nghiệp ban đầu là cha tôi, người đã giúp cho tôi khởi xưởng nghề này. Mặt khác, tôi thấy địa phương mình có cây dừa rất phát triển, nguồn cung luôn ổn định, và mình cũng có am hiểu về cây dừa nên tôi quyết định chọn nghề này”.

 


Với số vốn tích góp ban đầu khoảng 35 triệu đồng cùng với tiền phụ giúp của gia đình khoảng 60 triệu đồng, em Nhã Quyên đã bắt tay vào việc mở xưởng chuyên tinh chế dầu dừa tại gia đình diện tích khoảng 60 mét vuông. Tuy vậy, sau khi bắt tay vào sản xuất, Quyên gặp không ít khó khăn trong tiêu thụ, chủ yếu em ký gửi cho các cửa hàng online trên mạng xã hội, trung bình 1 tháng em chỉ xuất khoảng 100 – 150 lít dầu dừa, thu nhập mang về khoảng 2 – 3 triệu đồng.

Sau đó, em đã mày mò học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước cũng như trên sách, báo,… tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay, sản phẩm dầu dừa của em đã được thị trường chấp nhận và ngày càng phát triển. Hiện em có 6 điểm tiêu thu ổn định với mỗi tháng từ 200 – 300 lít dầu dừa cùng nhiều điểm phân phối nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh. Trung bình 1 tháng, cơ sở của em Hứa Nhã Quyên xuất ra thị trường khoảng 1 tấn dầu dừa nguyên chất.

Nhận thấy những công dụng từ tinh dầu dừa (dầu dừa ép lạnh) mang lại sức khỏe cho mọi người, Nhã Quyên lại tự tìm tòi và chế biến tinh dầu dừa ép lạnh bằng phương pháp ủ lên men. Khác với nhiều loại dầu dừa ép nóng thủ công truyền thống, dầu dừa ép lạnh được sản xuất bằng phương pháp, gồm nhiều bước nhỏ đòi hỏi sự kiên nhẫn và sự tỉ mỉ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Nguyên liệu đầu vào được tuyển chọn từ những quả dừa già khô nước, đây là giai đoạn cơm dừa cho ra nhiều dầu nhất. Công nghệ ép lạnh hay có tên gọi khác là ép nguội, được thực hiện bằng máy ép với thao tác nén tốc độ chậm, giúp tinh chiết nước cốt từ cơm dừa mà không làm phát sinh nhiệt. Điều này giúp dầu dừa giữ được toàn bộ dưỡng chất, vitamin và các axit béo. Thành quả dầu dừa sau khi ép vẫn giữ được mùi hương ngọt ngào, màu sắc trong suốt.

Nhờ kỹ thuật trên sản phẩm dầu dừa ép lạnh giữ lại được toàn bộ dưỡng chất của quả dừa đã giúp phát huy tốt nhất công dụng của dầu dừa cho người dùng. Ngoài ra, sản phẩm không lẫn tạp chất và nước giúp thời hạn sử dụng và bảo quản của dầu dừa ép lạnh lâu hơn so với dầu dừa ép nóng thủ công bởi những đặc tính nổi bật, mùi hương đặc trưng và những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe và làm đẹp. Với giá bán từ 40.000 đồng-60.000 đồng/100ml tinh dầu dừa, hiện nay, ngoài tiêu thụ thị trường trong nước, sản phẩm này của cơ sở em còn được xuất ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Uraina…. Trao đổi với chúng tôi, em Nhã Quyên tâm sự: “Hướng tới, tôi sẽ phát triển các sản phẩm xuất sang các nước hơn, vì hiện tại, tôi đã nhận được giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm xuất sang Hoa Kỳ. Tức là sản phẩm của tôi đã đủ chuẩn đi các nước, trừ EU. Riêng thị trường trong nước, tôi đi theo hướng gia công chứ không đẩy mạnh thương hiệu, vì tôi muốn sản phẩm của mình phát triển đa dạng hơn”.

Nhằm hiện đại hóa trong sản xuất, hiện nay, cơ sở Tinh Nguyên của em Hứa Nhã Quyên đã mạnh dạn mở rộng nhà xưởng và đầu tư thiết bị máy móc để rút ngắn thời gian và đảm bảo tốt vấn để an toàn vệ sinh thực phẩm như: máy ép cốt thủy lực, máy xay dừa, 4 máy ly tâm, cùng 6 lò nấu thủ công… Em Nhã Quyên cho biết, vào khoảng tháng 7 – 11 dương lịch được xem là thời gian cao điểm của sản xuất dầu dừa, vì thế, em thuê từ 6 – 7 nhân công tại cơ sở, với giá thuê 180.000 – 200.000 đồng/ngày, để phụ sản xuất cho kịp các đơn hàng.

Được biết hiện nay, ngoài việc tinh chế dầu dừa, Hứa Nhã Quyên còn sản xuất thêm một số sản phẩm handmade (làm bằng tay) cung ứng các sản phẩm như: mầm đậu nành, tinh bột nghệ, xả phồng dừa, tinh dầu bưởi, sữa tắm dừa, dầu gội từ sữa dừa… được thị trường chấp nhận.

Là một cô gái trẻ khi đi trên con đường khởi nghiệp, “cô gái 9x” Hứa Nhã Quyên đã, đang và sẽ luôn cố gắng nuôi dưỡng, dẫn dắt cơ sở Tinh Nguyên phát triển từng ngày. Với sự tỉ mỹ, tính kiên trì, nhanh nhạy với thị trường và một quyết tâm cao, hy vọng rằng, các sản phẩm của Hứa Nhã Quyên sẽ ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh góp phần phát huy lợi thế của địa phương trong thời gian tới.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi