Rau lang sạch-cần biện pháp quản lý sâu hại theo hướng tổng hợp

Khoai lang là loại cây lương thực được trồng khá phổ biến. Ngoài bộ phận chính là củ, đọt non của dây khoai lang được sử dụng như một loại rau, nông dân còn gọi là rau lang. Do đó, nhiều người trồng khoai lang không với mục đích lấy củ mà chỉ sử dụng đọt non làm rau, thân dùng nuôi gia súc. Mặc dù dễ trồng nhưng giống như các loại cây trồng khác, khoai lang cũng bị sâu bệnh tấn công, trong đó quan tâm nhất là nhóm sâu hại như sâu gập lá, sâu đục dây và bọ hà là đối tượng dịch hại phổ biến trên khoai lang. Rau lang được thu hoạch hàng ngày, vì thế để có rau lang sạch, nông dân cần áp dụng biện pháp tổng hợp trong quản lý sâu hại, không nhất thiết phải sử dụng thuốc hóa học.

Trồng khoai lang, nông dân thường gặp nhất là sâu gập lá. Sâu gập lá có tên khoa học Brachmia trianuella, họ  Gelechidae, Bộ Lepidoptera. Sâu cắn phá lá khoai, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của dây khoai. Trưởng thành là một loài bướm màu nâu, có vệt đen trên cánh, dài khoảng 10mm. Ấu trùng đẩy sức dài khoảng 15mm, dễ nhận dạng vì dọc trên mình có những vệt đen trắng. Bướm đẻ trứng rải rác trên lá non, sâu nở ra nhả tơ gấp mép lá lại và sống trong đó. Sâu ăn lá lũng lổ chổ và thải phân màu đen đầy trên mặt lá, sâu tuổi lớn ăn trụi chỉ chừa lại gân, trông ruộng rau rất xơ xác. Sâu thích ăn lá non nhưng khi mật số cao chúng ăn cả lá già, dây khoai sinh trưởng kém do giảm khả năng quang hợp của lá.

 Ấu trùng sâu gập lá.
 
 
 Triệu chứng sâu gập lá phá hại.   
 
 
 Ấu trùng tuổi lớn ăn trụi lá chỉ chừa lại gân.

  

Bên cạnh sâu gập lá, sâu đục dây cũng ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến năng suất củ và rau lang. Sâu đục dây khoai lang có tên khoa học Omphisa anastomasalis, thuộc Họ Pyralidae, Bộ Lepidoptera. Trưởng thành sâu đục dây là một loài bướm có thân dài khoảng 15mm, màu đỏ, cánh màu nâu nhạt, trên cánh có nhiều đốm trắng. Sâu non mới nở có màu hồng, tuổi lớn chuyển sang màu kem có nhiều chấm đen, sâu đẩy sức dài khoảng 30mm. Bướm đẻ trứng ở mặt dưới lá hoặc trên dây khoai. Sâu non nở ra đục vào gốc dây khoai, ăn phá bên trong và hóa nhộng trong đó. Khi quan sát dây khoai thấy phân nâu đen đùn ra xung quanh gốc dây là nhận biết có sự xuất hiện của sâu đục dây. Dây bị hại sinh trưởng kém, củ ít và có thể bị héo chết.

 

 Ấu trùng sâu đục dây khoai lang.


Ngoài ra, khoai lang thường bị bọ hà gây hại, nông dân còn gọi là sùng hà, tên khoa học Cylas formicarius, thuộc họ Bọ đầu dài Curculionidae, bộ cánh cứng Coleoptera. Trưởng thành to gần bằng kiến vàng, dài khoảng 5-7mm, đầu dài, cánh cứng, màu nâu đỏ óng ánh, chân dài lều nghều, màu nâu đỏ (tựa như con kiến 3 khoang), bay khỏe, sống lâu. Sâu non mình hơi dài và cong, màu trắng sữa. Một con cái có thể đẻ 100-250 trứng. Trứng nhỏ, hình cầu, bóng, lúc mới đẻ màu trắng sữa, trước khi nở chuyển dần sang mầu vàng. Bọ hà gây hại khoai lang tươi ngoài ruộng và trong kho, trên các bộ phận của dây khoai như lá, dây và củ. Trưởng thành ăn biểu bì dây, lá và bề mặt củ tạo ra những lổ thũng nhỏ hình tròn. Chúng còn dùng vòi đục lổ ở những đoạn dây gần gốc và củ khoai rồi đẻ trứng vào đó. Sâu non nở ra đục vào dây, củ (nhất là những củ nằm trên mặt đất) sinh sống ở trong đó. Nếu bị hại nặng, trong một củ có thể có vài trăm ấu trùng, phá hủy toàn bộ phần thịt của củ khoai làm cho ruột củ có mầu xanh vàng, xanh đen, mùi cay nồng, vị đắng. Hiện tượng củ khoai bị đắng và có mùi rất khó chịu không ăn được là do độc tố (Terpenes) mà củ khoai sản sinh ra để chống lại sự gây hại của loài bọ này và ngay cả gia súc cũng chê các phần bị bọ hà gây hại. Trên dây khoai, những chổ bị hại phình to và nứt. Bọ hà làm giảm năng suất nghiêm trọng. Bọ hà thường phát sinh nhiều khi dây khoai bắt đầu hình thành củ cho đến khi thu hoạch và tồn trử vẫn tiếp tục gây hại. Ruộng đất cát pha thường bị nặng hơn đất thịt. Bọ hà tồn tại trên các dây khoai và ký chủ phụ ngoài đồng như các cây họ bìm bìm. Không có giống nào kháng được bọ hà.
 

 

 Trưởng thành bọ hà.   
 

 

 Ấu trùng bọ hà.
 

 

 Triệu chứng bọ hà gây hại trên củ khoai lang.


* Biện pháp phòng trừ
Đối với các loại sâu hại trên, nên áp dụng biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ sẽ hạn chế sự phát triển của sâu.
- Không nên lấy giống từ các vùng trồng khoai bị bọ hà hoặc sâu đục dây gây hại nặng. Luống khoai cần vun cao và tưới đủ nước khi trời nắng hạn để đất không bị nứt nẻ sẽ góp phần hạn chế bọ hà và sâu đục dây.
- Ruộng trồng khoai cần được cày bừa kỹ, vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại, thu nhặt hết toàn bộ tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là vụ trước có trồng khoai lang để giảm bớt nguồn sâu có trong ruộng. Trước khi trồng có thể xử lý hom giống bằng cách ngâm trong dung dịch nấm Beauveria bassiana hoặc thuốc trừ sâu lưu dẫn trong vòng 30 phút để diệt sâu đục dây, bọ hà bên trong dây giống, sau đó vớt hom ra để ráo rồi trồng.
- Nếu ruộng khoai thường bị bọ hà gây hại nặng hàng năm, nên điều khiển thời vụ sao cho thời kỳ có củ tránh rơi vào mùa khô, hạn. Thu hoạch nên loại bỏ những củ bị bọ hà phá hại. Sau khi thu hoạch cho nước ngập ruộng 1-2 ngày để diệt bọ hà.
-  Luân canh với các cây trồng  khác họ.
- Khi phát hiện sâu gập lá với mật số cao, phun Dầu khoáng SK Enpray hoặc thuốc trừ sâu vi sinh như Biocin, ViBT, Dipel,… Có thể phun nấm Xanh (Metarhizium sp), nấm Trắng (Beauveria bassiana) đều có hiệu quả với  sâu gập lá, sâu đục dây và cả bọ hà.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi