Sử dụng phân hữu cơ trên vườn bưởi da xanh-giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững

Từ rất lâu, nông dân đã biết sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng nhưng từ khi nguồn phân hóa học tràn lan trên thị trường, nông dân chỉ quan tâm bón phân hóa học mà bỏ quên phân hữu cơ-một nguồn dinh dưỡng bền vững cho cây trồng. Trong thời gian gần đây, khuynh hướng “hữu cơ hoá” trong sản xuất nông nghiệp, nhiều nông dân đã “quay về” nền canh tác cổ truyền sử dụng phân hữu cơ và đã thấy được hiệu quả phân hữu cơ giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái rõ rệt đặc biệt là trên cây bưởi Da xanh.

Nếu so với phân hoá học thì hàm lượng dinh dưỡng có trong phân hữu cơ không bằng nhưng phân hữu cơ có những ưu điểm vượt trội mà không một loại phân hóa học nào có được. Trước hết phải kể đến phân hữu cơ có chứa đa dạng nguyên tố dinh dưỡng như đạm, lân, kali, canxi..., và các nguyên tố vi lượng (đồng, kẽm, mangan,...) mặc dù ở hàm lượng không cao nhưng phân hữu cơ cung cấp chất dinh dưỡng cho cây được bền lâu. Bên cạnh, phân hữu cơ tăng cường sự phát triển vi sinh vật có ích trong đất; giúp cho đất có cấu trúc xốp hơn, độ ẩm trong đất được giữ lại lâu hơn; cải tạo lý tính đất, giúp cho bộ rễ phát triển dễ dàng và bảo vệ đất chống xói mòn, tích lũy thêm mùn cho đất. Ngoài ra, phân hữu cơ giúp hạ độ chua của đất, làm cây phát triển tốt, tăng khả năng sử dụng phân vô cơ, giúp tăng tuổi thọ cho cây. Chính vì những ưu điểm trên nên  phân hữu cơ phù hợp trong sản xuất trái cây theo hướng GAP, sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.

Nguồn phân hữu cơ truyền thống bà con nông dân thường hay sử dụng là phân gia súc, gia cầm như bò, dê, heo, gà, cút,… gọi chung là phân chuồng rất tốt cho cây trồng. Tuy nhiên, nông dân thường sử dụng phân gia súc, gia cầm  tươi bón trực tiếp cho cây hoặc phơi khô để bón, như thế nguồn dinh dưỡng trong phân sẽ bị mất đi. Khi ủ phân hữu cơ đúng kỹ thuật sẽ tiêu diệt được các vi sinh vật có hại, biến đổi chất dinh dưỡng khó tiêu thành chất dễ tiêu, cây trồng dễ hấp thụ, nâng cao chất lượng phân. Hiện nay, trong qui trình ủ phân hữu cơ thường sử dụng men vi sinh Trichoderma là nguồn nấm đối kháng với các vi sinh vật có hại, giúp hạn chế một số bệnh hại rễ khi bón cho cây trồng. Để có được nguổn phân hữu cơ đảm bảo chất lượng, nông dân phải biết cách ủ phân đúng kỹ thuật.

 

 

 

Cách ủ phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng như sau:

Chọn đất cao ráo, đào hố ủ sâu khoảng 1-1,5m, chiều ngang hố ủ từ 1,5-3m (tuỳ lượng phân cần ủ). Nếu có điều kiện, có thể xây hố ủ bằng xi măng.  

Chuẩn bị nguyên vật liệu:
- Thực vật đã phơi héo: rơm, cỏ, lục bình, lá cây... (xác bã thực vật).
- Phân chuồng (đã mất mùi hôi):  lượng bằng 1/4 tổng thể tích.
- Bạt nhựa (không dùng nylon trong) phủ giử ẩm.
- Phân Urê: 50 g/m3.
- Tricô-ĐHCT: 20-30 g/m3. (Tên thương mại của một chế phẩm sinh học sản xuất từ nguồn nấm Trichoderma, ĐHCT là ký hiệu Đại học Cần Thơ)

Cách thực hiện:
Xác bã thực vật được làm ẩm trước một ngày. Xếp xác bã thực vật thành lớp khoảng 20 cm, phân chuồng khoảng 5-10 cm, Sau đó tưới Tricô-ĐHCT cộng với phân Urê lên. Tiếp tục xếp lớp (khoảng 5 lớp) đến khi đống ủ đạt chiều cao 1,2-1,5 m. Để gia tăng tiến trình ủ, có thể trộn thêm phân lân và phân đạm làm thức ăn cho vi sinh vật.

Chú ý:
Sau mỗi lớp, đạp để đống ủ được nén dẽ. Tưới nước vừa đủ ẩm (nắm chặt tay vừa rịn nước). Dùng bạt nhựa phủ và chèn kỹ đống ủ để giữ ẩm. Thoát nước trong mùa mưa. Kiểm tra nhiệt độ và độ ẩm hàng tuần. Nếu nhiệt độ trên 50oC và ẩm độ 40-60% (vừa ướt tay) thì cần bổ sung thêm nước và Urê. Sau 3 tuần, giở bạt ra kiểm tra và đảo đống ủ. Thời gian ủ hoai trung bình: 1,5-2 tháng.


Hiện nay, nhiều nông dân đã sử dụng phân hữu cơ cho vườn bưởi Da xanh đã làm tăng năng suất và chất lượng trái bưởi rõ rệt. Cần nhân rộng mô hình sử dụng phân hữu cơ cho cây trồng nói chung và bưởi Da xanh nói riêng, đây là giải pháp phát triển nền nông nghiệp theo hướng bền vững.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Công nghệ mới ngăn mặn, chống lũ ở đồng bằng sông cửu long
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa