Kinh nghiệm xử lý mai vàng trổ hoa đúng tết của nghệ nhân Trần Văn Thanh

Dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vừa qua, nông dân ở vùng vương quốc cây giống - hoa kiểng đã sản xuất hơn 1,7 triệu sản phẩm mai vàng và đã bán ra thị trường hơn 1,2 triệu sản phẩm mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho nông dân. Tuy nhiên bên cạnh những nông dân trúng mùa trúng chợ vẫn còn không ít hộ làm ăn thua lỗ do sản phẩm mai vàng trổ hoa không đúng tết. Qua thống kê cuả ngành chức năng, Tết 2014 vừa qua toàn huyện Chợ Lách có khoảng 460 ngàn sản phẩm mai vàng bị tồn đọng, nông dân vận chuyển đến chợ hoa xuân nhưng mai vàng không trổ đành phải vận chuyển về. Trong đó có nhiều nguyên nhân: mưa nhiều kéo dài và tiết lạnh kéo dài, ...làm cho mai trổ hoa không đúng tết dẫn đến sự tồn đọng sản phẩm.

image
Anh Trần Văn Thanh chăm sóc cho những chậu mai vàng trổ hoa đúng tết


Riêng tại làng mai vàng Phú Hội tết Giáp Ngọ 2014 vừa qua xem như thắng lớn, nông dân đã tiếp cận được nhiều khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm qua nhiều năm gắn bó với cây mai vàng nên việc xử lý cho cây ra hoa đúng tết đạt theo yêu cầu, nông dân có lãi sau thu hoạch.

Để chuẩn bị cho mùa hoa tết Ất Mùi 2015 sắp đến, hiện nay cùng với nông dân làm hoa kiểng ở địa phương, nông dân làng mai Phú Hội đang tất bật chuẩn bị cho những đứa con tinh thần, đẹp về mẫu mã, chất lượng cạnh tranh cùng các nơi khác. Nông dân Trần Văn Thanh, ấp Phú Hội xã Vĩnh Thành được xem là một trong những nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất cây mai vàng trổ hoa đúng tết. Anh cho biết về quy trình kỹ thuật chăm sóc cây mai vàng: Từ ngày 15 tháng giêng âm lịch sau khi cắt cành, tỉa nhánh, tạo dáng lại cho cây tiến hành thay chậu. Tỉ lệ chậu trước và sau khi thay cách nhau khoảng 10cm; tỉ lệ phân trộn: sơ dừa (60%), trấu (30%), đất thịt (10%). Sau khi thay chậu xong dùng một số loại thuốc kích thích sinh trưởng như: Dekamon, Atonik,...phun hoặc tưới 01 lần cho cây. Khi thay chậu xong dùng lưới che giảm ánh nắng mặt trời chiếu vào để cây sinh trưởng tốt hơn trong giai đoạn này. Tưới sương cho cây 01 lần/ngày đến khi thấy cây ra nhiều tược non và cây đã mạnh hơn thì gỡ lưới, vào giai đoạn này nên tưới cho cây ướt đẫm ngày 01 lần, tưới vào lúc sáng sớm từ 7-9 giờ. Sau một tuần bắt đầu tưới phân và phun thuốc trừ sâu bệnh với dung lượng: Phân NPK 16-16-8 (1 kg), phân Humk (200ml), trộn chung hai loại phân này lại và ngâm trong thời gian 6 giờ. Với trọng lượng này sử dụng cho khoảng 200 chậu mai có đường kính 60cm, lượng phân có thể thay đổi tùy theo số lượng và kích cỡ cây.

Riêng về kinh nghiệm xử lý cho mai trổ bông, khoảng tháng 8 âm lịch (lúc này cây mai chuẩn bị làm nụ bông tết) dùng phân NPK 10-20-10 để bón cho cây. Đến tháng 9 âm lịch bắt đầu có gió chướng non, lúc này mai bị nở bông gió. Nếu chăm sóc cây bình thường thì lượng bông chỉ nở một số ít không đáng kể, đến tháng 10 âm lịch tiếp tục dùng phân 20-20-15 để tưới, đến đầu tháng 11 âm lịch ngưng phân cho đến ngày lãi lá.

Với điều kiện khí hậu thời tiết như hiện nay, theo kinh nghiệm của tôi cách lãi lá dao động từ mùng 10 tháng chạp đến 17 tháng chạp âm lịch. Nếu thời tiết khí hậu bình thường lãi lá vào ngày 12-13 âm lịch. Nếu lịch báo lập xuân sớm và thời tiết khí hậu bình thường lãi lá vào ngày 16-17 âm lịch, nếu báo lập xuân trễ, lãi lá vào mùng 10-11 tháng chạp âm lịch.

Ngoài ra khi lãi lá xong nếu tiết trời lạnh quá nông dân có thể phun 01 lần thuốc kích thích như Dekamon và phơi nắng 02 ngày không tưới nước. Trong lúc này nên phun nước sương lên 03-04 lần. Đến ngày thứ ba tưới nước cho ướt đẫm cây và chậu 01 lần. Sau đó tiếp tục phun sương ngày 03-04 lần, đến ngày 23 tháng chạp mà vỏ trấu bung ra hết là mai sẽ trổ hoa đúng tết.

Với kỹ thuật này đã giúp cho nghệ nhân Trần Văn Thanh ấp Phú Hội xã Vĩnh Thành có nguồn thu nhập khá từ cây mai vàng trổ hoa đúng tết./. 

Trúc Ly
Đài Truyền thanh Chợ Lách

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi