Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi
Cúc mâm xôi là loại hoa nở có giá trị kinh tế cao đối với người dân trồng hoa tết. Để đạt được những chậu hoa cúc mâm xôi đẹp và đúng dịp tết thì người trồng phải mất hơn 6 tháng để trồng và chăm sóc.
Vào cuối tháng 5 âm lịch, người trồng cúc mâm xôi bắt đầu nhân giống cây con và cho vào chậu để trồng, hầu hết ở các giai đoạn sinh trưởng của cúc mâm xôi đều xảy ra hiện tượng héo xanh, cúc bị bệnh héo xanh làm giảm sinh trưởng của cây, trường hợp bệnh nặng làm cho cây chết. Bệnh héo xanh xảy ra nếu không quản lý tốt sẽ lây lan rất nhanh và tỉ lệ chết rất cao (có thể chết 30-50%).
Nguyên nhân: Bệnh héo xanh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra.
Triệu chứng: Các lá trên ngọn cây bị héo rũ xuống, sau đó cứ lan dần xuống các lá phía dưới. Mặc dù bị héo nhưng lá vẫn giữ màu xanh bình thường và bộ rễ vẫn tốt. Cây cúc mâm xôi bị bệnh héo xanh sẽ diễn biến rất nhanh, từ khi phát bệnh đến khi cây chết chỉ kéo dài từ 1-3 ngày.
![]() |
![]() |
|
Cây cúc mâm xôi bị bệnh héo xanh (trái), chậu cúc mâm xôi bị chết nhánh do bệnh héo xanh (phải). |
Các yếu tố phát sinh bệnh:
Nguồn nước tưới bị ô nhiễm hoặc do nguồn bệnh tồn dư trong khu vực trồng hoa từ các vụ trước.
Nguồn bệnh xâm nhập trong quá trình cắt cành tạo cây con nhân giống để trồng.
Việc sử dụng giá thể trồng chưa đạt yêu cầu.
Sử dụng phân bón chưa cân đối, đặc biệt là sử dụng nhiều phân đạm để kích thích sinh trưởng cho cây.
Thời tiết bất thường, mưa nhiều, ẩm độ cao.
Biện pháp quản lý:
Hiện nay, bệnh héo xanh đang là đối tượng nguy hiểm đối với người dân trồng cúc mâm xôi, do bệnh diễn biến nhanh và chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy cần áp dụng các giải pháp kỹ thuật để quản lý bệnh này đối với vườn cúc mâm xôi nhằm phòng tránh bệnh xảy ra nghiêm trọng. Để quản lý tốt bệnh héo xanh, người trồng cúc mâm xôi cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
![]() |
Cúc mâm xôi được trồng cao và đất được phủ bạt ngăn ngừa mầm bệnh. |
+ Cần thu gom sạch sẽ và tiêu hủy tàn dư của cây hoa cúc và những cây ký chủ khác như (cà chua, khoai tây, thuốc lá, các loại đậu đỗ) ở vụ trước, đồng thời vệ sinh khu vực trồng hoa, có thể bón vôi cho đất ở khu vực trồng để khử trùng mầm bệnh và dùng màng phủ nông nghiệp để che phủ đất nhằm hạn chế nguồn bệnh lây lan ban đầu.
+ Trồng cúc ở khu vực cao, tuyệt đối không để bị ngập nước, không bố trí các chậu hoa với mật độ dày, đảm bảo vườn cúc thông thoáng, các chậu không giao tàn với nhau và có lối đi lại thoải mái.
+ Chọn cây để nhân giống sạch bệnh, cần vệ sinh dụng cụ cắt cành trước khi nhân giống để tránh nguồn bệnh lây lan; trong quá trình chăm sóc tránh tạo vết thương cơ giới cho cây, để hạn chế cửa ngõ xâm nhập của vi khuẩn.
+ Xử lý giá thể trước khi trồng, mụn dừa cần xả chát, phân chuồng phải ủ hoai; giá thể sau khi phối trộn phải có pH từ 6 đến 7.
+ Nước tưới phải đảm bảo không bị ô nhiễm, nguồn nước tưới phải là nguồn nước thông thoáng không bị ứ đọng trong mương vườn.
+ Bón phân cân đối, hạn chế bón đạm quá nhiều, đặc biệt những thời điểm mưa cần bổ sung thêm kali để tăng sức đề kháng cho cây.
+ Thăm vườn kỹ và thường xuyên để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây đã bị bệnh đưa ra khỏi vườn tiêu hủy, tránh lây lan cho những cây khác.
+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Kasugamycin kết hợp với thuốc trừ nấm (Validamycin, Metalaxyl, …) phun ngừa khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi cũng như khi phát hiện vườn cúc mâm xôi có triệu chứng bệnh hoặc có cây bệnh.