Cần bình tĩnh trước tình hình tái phát sâu đục trái gây hại trên bưởi

Hiện nay biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, mùa khô năm 2019 nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiều dịch hại phát triển mạnh, trong đó sâu đục trái được xem là đối tượng gây hại quan trọng đang bộc phát mạnh. Điều đáng quan tâm là diện tích gây hại trên diện rộng, tỷ lệ gây hại của chúng rất cao, mật số sâu hại trong trái bưởi cũng nhiều hơn so với các năm trước và trong một vườn có rất nhiều lứa tuổi sâu khác nhau, chúng gây hại trái từ giai đoạn trái còn rất nhỏ cho đến trái bưởi chín, thiệt hại lớn đến năng suất bưởi. Trước tình hình trên, nông dân bối rối xử lý thuốc ngày càng nhiều, thời gian xử lý thuốc càng nhặt hơn (có nông dân phun thuốc 2 lần/tuần), tiêu diệt các sinh vật có ích (thiên địch) vô tình phá vỡ hệ sinh thái, từ đó sâu càng bộc phát mạnh hơn, chưa kể đến môi trường bị ô nhiễm, nguy cơ dư lượng thuốc trừ sâu trong trái vượt mức cho phép ảnh hưởng sức khỏe của người tiêu dùng. Vì thế, nông dân cần bình tĩnh quản lý sâu đục trái bưởi theo hướng an toàn và hiệu quả là rất cần thiết nhằm  bảo vệ được năng suất và sản lượng bưởi, đảm bảo thu nhập cho nông dân, góp phần vào nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Sâu đục trái gây hại trên bưởi   
 
 
Sâu đục trái gây hại trên cam xoàn
 
 
Sâu đục trái gây hại trên cam sành   
 
 
 Sâu đục trái gây hại trên chanh
 

 

Sâu đục trái gây hại phổ biến trên các giống bưởi, chanh, cam,.... Tuy nhiên chúng gây hại trên bưởi là quan trọng hơn cả.  Hai loại bưởi có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh và bưởi năm roi đều bị gây hại nặng. Sâu đục trái có thể tấn công trên trái từ 1 tháng tuổi đến trái sắp thu hoạch. Tuy nhiên, một số vườn sâu đục trái tấn công khi trái bưởi nhỏ hơn trái chanh. Ngài bắt đầu đẻ trứng sau khi vũ hoá 2 ngày (vũ hoá: nhộng “lột xác” thành bướm), đẻ trứng trên mặt vỏ trái vào ban đêm. Trứng có hình vảy cá nhưng hơi phồng, khi mới đẻ có màu trắng đục, khi sắp nở có màu cam đỏ. Thời gian ủ trứng 4-7 ngày. Bướm cái đẻ thành từng ổ, từ vài trứng đến vài chục trứng trên mặt vỏ trái, khoảng từ nửa dưới của trái. Sâu mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn. Sâu mới nở đục ngay vào vỏ trái, ăn vỏ trái sau đó sâu lớn dần, đục sâu vào bên trong để ăn thịt trái. Thường thì trên cùng một trái có một hay nhiều hang do chúng đục khoét khác nhau và mỗi hang chỉ có một sâu non cư ngụ và tấn công. Trong lúc đào hang chúng tuôn ra ngoài miệng hang các chất cạp từ vỏ trái chung cả với phân của chúng nên rất dễ phát hiện. Các chất thải ra dính ở bên miệng hang kết dính lại nhau có tính dẽo hay hơi nhão tùy thuộc vào tuổi của trái hay loại trái cây có múi khác nhau. Giai đoạn sâu non kéo dài khoảng 2 tuần. Sâu đẫy sức chui ra khỏi trái và rơi xuống đất để làm nhộng. Xuống đất, chúng nhả tơ kết dính các hạt đất tơi mịn và các mảnh vụn hữu cơ lại thành kén để bảo vệ chúng.

Để quản lý hiệu quả nhất đối với sâu đục trái nông dân nên áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp (IPM).
- Cắt tỉa những cành sâu bệnh, cành già cỗi, cành vô hiệu, cành đã mang trái, cành đan chéo nhau, những cành vượt trong thời kỳ cây đang mang quả để vườn cây thông thoáng, tỉa bỏ những trái bị sâu hại, trái méo,.... để hạn chế tiêu hao dinh dưỡng.
- Thu gom tất cả các trái bị sâu đục đem tiêu huỷ bằng cách đào hố chôn có rải vôi hoặc ngâm trong nước vôi 1%, đây là biện pháp quan trọng nhất để hạn chế mật số sâu thời gian sau.

-  Bao trái khoảng 1 tháng sau khi đậu trái kết hợp với tỉa trái. Nên sử dụng dầu khoáng phun để vệ sinh trái trước khi bao vì có trường hợp trứng được đẻ trên vỏ trái nhưng nông dân không phát hiện. Qua nhiều lần thí nghiệm chúng tôi chọn vật liệu bao trái tốt nhất hiện nay là dùng bao trái bằng vải mùng tuynh, màu trắng trong để ánh sáng có thể xuyên qua vỏ trái vẫn giữ được màu xanh của vỏ (Bưởi da xanh), bao trái không cần thiết may đáy. Ưu điểm của loại bao này là kiểm tra được các sâu bệnh khác, dễ xác định trái chín để thu hoạch, khi thu hoạch tháo bao nhanh hơn, bao trái loại này có thể tận dụng được trên hai vụ bưởi. Khi áp dụng biện pháp này hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là giải pháp được đánh giá là có hiệu quả rất cao về mặt kinh tế và kỹ thuật ở tất cả các địa phương canh tác bưởi và bảo đảm được an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho trái bưởi.

 


 - Về lâu dài nông dân cần thiết lập khu vực nuôi Kiến vàng và tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển trong vườn cây có múi, kiến vàng góp phần vào việc khống chế các loài sâu hại, nên có biện pháp bảo vệ kiến.

 - Bổ sung biện pháp nhân nuôi và thả ong ký sinh Trichogramma sp. (ong mắt đỏ) trong vườn bưởi. Sử dụng ong mắt đỏ ký sinh trứng sâu đục trái bưởi (nông dân có thể tự nhân nuôi loài ong ký sinh này dễ dàng) thả ra vườn bưởi. Qua kết quả nhiều mô hình thả ong mắt đỏ trên vườn bưởi cho thấy ong ký sinh hạn chế được việc gây hại của sâu đục trái bưởi. Không giống như biện pháp hóa học nông dân thấy được hiệu quả tức thì, đây là biện pháp sinh học bổ sung trong quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi mang tính lâu dài, ổn định và bền vững.

 

Trứng sâu đục trái bị ong ký sinh
 
 
Phóng thích ong ký sinh trong vườn
 
 
Trưởng thành ong ký sinh Trichogramma sp.

 

- Trồng cỏ trong vườn nhằm giữ ẩm cho đất trong mùa nắng vừa hạn chế xói mòn, ngập úng trong mùa mưa vừa tạo nguồn ký chủ cho ong ký sinh đẻ trứng, vì ong mắt đỏ là loài đa ký chủ, chúng có thể ký sinh trên trứng của nhiều loài côn trùng. Có thể trồng cỏ đậu phọng dại trong vườn bưởi vừa giữ ẩm cho đất, cây ra hoa liên tục là nguồn cung cấp thức ăn cho ong ký sinh vừa cung cấp chất đạm cho đất vì cỏ đậu phọng là cây họ đậu có khả năng cố định đạm tự do.

- Sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết và phải bảo đảm thời gian cách ly của thuốc. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học như nấm xanh, nấm trắng hoặc các loại thuốc có nguồn gốc sinh học.

Để quản lý hiệu quả sâu đục trái bưởi phải áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp; phòng trừ mang tính đồng loạt trong từng khu vực để hạn chế sự tái nhiễm.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn