Tập huấn kỹ thuật chăm sóc dừa thích nghi hạn mặn

Ngày 21/02/2019 Trạm Khuyến nông Giồng Trôm phối hợp Uỷ ban nhân dân xã Hưng Phong tổ chức tập huấn dừa thích nghi với hạn mặn. Hơn 30 đại biểu tham dự gồm các nông dân trồng dừa thuộc các ấp của xã. Nội dung tập huấn xoay quanh các nội dung như sau:

1. Thiết lập hệ thống ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa nắng


 Hệ thống đê bao, cống ngăn mặn


Cần phải thiết lập hệ thống đê bao chung trong khu vực hoặc từng vườn nhằm đảm bảo chống ngập khi triều cường, ngăn mặn trữ ngọt trong mùa khô. Đê bao phải đủ rộng và cao hơn mực nước cao nhất trong năm tối thiểu 0,3m, có gia cố hàng năm tùy theo diễn biến khí tượng thủy văn.

Thiết lập hệ thống cống cấp thoát nước của vùng hoặc từng vườn với đường kính phù hợp. Nên có cống cấp và thoát nước riêng nếu điều kiện cho phép sẽ giúp sự luân chuyển nước tốt chống sự tích tụ phèn, mặn trong vườn. Có thể thiết kế kiểu cống 2 chức năng:

a) Cống đáy khi lắp đặt cống thẳng nằm ngang sâu dưới đáy mương nơi lấy nước vào vườn và làm chức năng xả cạn nước trong hệ thống mương để xổ phèn mặn khi mùa mưa đến hoặc lúc bồi bùn cho vườn.

b) Cống lửng khi lắp thêm một đoạn ống thẳng đứng để giữ lại mực thủy cấp phù hợp trong vườn lúc nước ròng qua một co nối L ở đầu cống và lấy nước bổ sung vô vườn khi nước lớn cao khỏi đầu ống.

Bên trong cần nạo vét hệ thống mương vườn sao cho đủ sâu, rộng, kín nước (không bị rò rỉ bởi các lỗ mọi) để làm chức năng trữ ngọt đủ nước tưới cho các tháng mặn cao điểm trong mùa khô. Chú ý khi tích nước ngọt, mực nước cao nhất phải còn cách mặt liếp 0,5 m để không làm thối rễ dừa. Dùng bạt phủ mặt mương, hồ chứa cũng giúp hạn chế mất do bốc thoát bề mặt đáng kể (khoảng 1- 1,5cm/ngày, tức khoảng 30 - 45cm/ tháng). Thiết kế hệ thống lấy nước bổ sung ngoài đê bao để tận dụng lấy nước tưới cho vườn khi nước lợ dưới 3 0/00, chú ý tưới nhiều nước đủ để vừa cấp nước cho vườn, vừa rửa được phèn mặn tích tụ trên bờ liếp lúc mặn cao điểm xuống mương vườn.

Trong vườn cần phủ liếp giữ ẩm trong mùa khô bằng các vật liệu có sẵn như các tàu dừa, cỏ khô, rơm rạ,… hoặc màng phủ nông nghiệp.
Sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước cũng giúp kéo dài thời gian cấp nước cho vườn bởi hệ thống trữ ngọt trong vườn.

2. Sử dụng phân bón hợp lý
Bổ sung một số loại phân bón và bón phân hợp lý sẽ giúp dừa tăng tính chống chịu với hạn mặn; chủng loại, số lượng, cách bón được trình bày ở bảng sau:

Đơn vị tính: kg/cây/năm

 

 

Tác dụng của việc sử dụng công thức phân bón của bảng trên:
- Tỉ lệ NPK là phù hợp cho vùng bị ảnh hưởng hạn mặn. Có thể bón lân super vào đầu mùa mưa và lân nung chảy vào cuối mùa mưa.
- Super Humic và phân hữu cơ đều có tác dụng cải thiện lý hóa tính của đất theo hướng tăng khả năng thông khí, cấp thoát nước, tăng khả năng giữ và điều tiết phân bón cho cây trồng; từ đó, tăng năng suất, chất lượng cho vườn.
- Borax chứa 10% Bo là nguyên tố dễ bị thiếu hụt cho dừa trong điều kiện hạn mặn.
- Vôi dolomite chứa khoảng 70% CaCO3 và 10 % MgCO3 là 2 chất trung lượng cần thiết cho dừa và có tác dụng khử chua mặn giúp giảm thiểu tác hại cho cây trồng.
* Các lưu ý khi chăm sóc
- Trước khi mặn xâm nhập: Chủ động tích ngọt trong hệ thống mương chứa, tích cực phủ gốc giữ ẩm và tưới đủ ẩm; kết hợp bón vôi và phân thúc cho vườn.
- Khi hạn mặn xảy ra: Củng cố hệ thống phủ liếp giữ ẩm, tưới nước ngọt đã dự trữ cho cây với hệ thống tưới tiết kiệm nước, khoảng cách giữa 2 lần tưới khoảng 5-7 ngày, nếu nước dự trữ còn nhiều cần kết hợp bón phân thúc theo lịch dự kiến.
- Khi kết thúc thời kỳ hạn mặn: cần bón phân có nhiều lân, acid humic như phân hữu cơ các loại, Super Humic,  DAP hoặc super lân, vôi dolomite để giảm thiểu độc chất do phèn, mặn, kích thích cây ra rễ mới phục hồi sinh trưởng. Sau khi bón được khoảng 3-4 tuần và có mưa đầu mùa ổn định thì tiến hành chăm sóc, bón phân bình thường trở lại.

Bà Lê Thị Bảy - Trạm Khuyến nông Giồng Trôm hướng dẫn nông dân một số phương pháp phòng chống dịch hại trong thời kỳ hạn mặn.



Một số dịch hại trong thời kỳ hạn mặn

1. Bọ dừa
- Thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá non. Bọ dừa không thích ánh sáng, chúng chỉ xâm nhập vào các kẻ lá dừa non còn xếp, chưa bung ra và gây hại bằng cách cạp ăn biểu bì trên mặt lá non theo từng hàng song song với gân chính.
- Những vệt cắn phá thường hẹp tạo thành những vết có màu nâu, làm cho lá bị  cong vẹo và khô giống như bị cháy, bị rách và cây trở nên xơ xác.
- Nếu trên cây có từ 8 lá bị hại thì năng suất giảm, nặng hơn cây có thể bị chết.
Cách phòng trị
- Dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Actara (Thiamethoxam), Karate (Lambda-cyhalothrin), Abamectin… pha theo liều lượng hướng dẫn trên bao bì, để phòng và trị bằng cách phun thẳng vào đọt dừa, nhất là vào búp lá non. Hoặc trộn thuốc vào mạt cưa hay mụn dừa, dùng vải túm lại và nhét vào đọt non các cây dừa tơ dưới 3 năm tuổi.
- Dùng ong ký sinh Asecodes hispinarum, kiến vàng để diệt bọ dừa đối với dừa trên 3 năm tuổi.

2. Bọ vòi voi
Bọ vòi voi trưởng thành là côn trùng bộ cánh cứng màu nâu đen. Chiều dài con trưởng thành khoảng 7-8 mm, chiều ngang khoảng 1,5 mm, có 2 đốm vàng ở đầu cánh và cuối cánh, hoạt động mạnh lúc chiều tối.

Cách gây hại
Trưởng thành cái đẻ trứng trên vỏ trái tiếp giáp mầu dừa (lá đài), chung quanh cuống hoặc bên trong vỏ trái. Trứng nở ra ấu trùng màu vàng lợt, sâu non đục phá vào trong vỏ trái thành lỗ, hang. Từ đó, mủ chảy ra có màu trong suốt chuyển dần sang màu vàng, nâu và khô cứng. Nếu bọ tấn công lúc trái dừa còn non, thì dừa sẽ bị rụng, có thể rụng cả quày; hoặc để lại nhiều sẹo, làm trái dừa giảm giá trị.

Cách phòng trị
- Vệ sinh vườn dừa thường xuyên. Phát hiện những trái bị nhiễm nên tiêu hủy để hạn chế phát tán lây lan.
- Có thể sử dụng các loại thuốc hoạt chất Fipronil (Regent, Virigent, Tungent) hỗn hợp với thuốc Cúc tổng hợp (như Sherbush, Karate) và chất bám dính để phòng trị bằng cách phun xịt lên khắp các buồng trái non của cây dừa đang bị gây hại.

3. Rệp dính
Khi phát hiện trên lá có một lớp muội đen (nấm bồ hóng) hoặc kiến hôi làm tổ ở những bẹ lá là có dấu hiệu của rệp dính.
Cách phá hại:

Rệp phá hại tập trung vào mùa khô bằng cách chích hút mặt dưới các lá chét, trên vỏ trái, bông mo, cuống trái dừa non; rệp cũng gây hại trên một số cây trồng khác nhau như cam, quýt, mãng cầu…

Phòng trị:
- Thường xuyên dọn sạch sẽ thông thoáng tán dừa.
- Tiêu hủy những tàu lá bị rệp gây hại.
- Dùng thuốc Imidacloprid (Admire, Yamida, Conphai), Chlopyrifos ethyl (Maxfos, Mapy, Dragon) hỗn hợp với chất bám dính, phun kỹ mặt dưới lá hoặc bộ phận bị hại 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

4. Nhện đỏ
Thường chích hút mặt dưới lá dừa trong điều kiện thời tiết khô nóng, gây cháy lá sớm, nhất là dừa còn nhỏ.

Phun thuốc Abamectin, Kumulus pha với chất bám dính ướt kỹ ở mặt dưới lá 2 lần cách nhau 7-10 ngày

5. Bệnh đốm lá
Do nấm Pestalozzia palmarum.

Triệu chứng: từ chóp lá vào, đầu tiên xuất hiện những đốm nhỏ nâu vàng hình bầu dục, sau đốm bệnh lớn dần có màu nâu, tâm vết bệnh màu xám tro. Nhiều vết bệnh liên kết thành mảng lớn làm cho lá bị cháy.

Phòng trị:
- Không trồng dày.
- Bón phân cân đối, đầy đủ, nhất là phân kali.
- Thoát nước mương vườn tốt.
- Sử dụng thuốc Mancozeb, Rovral để trị.

6. Bệnh thối đọt
Do nấm Phytophthora palmivora Bult.

Bệnh thường xuất hiện trong mùa mưa, lúc ẩm độ cao. Đầu tiên các lá non có dấu hiệu mất màu xanh bình thường. Sau đó, lá vàng và cuối cùng khô rụng. Cắt ngọn dừa có phần hôi và bị thối, các lá dưới cũng dần dần bị vàng và khô.

Phòng trị: Từ lúc bệnh xâm nhập tới đọt bị chết kéo dài từ 3 – 5 tháng. Nếu phát hiện sớm khi lá đọt mới bị vàng nên cắt bỏ phần bị hư rồi phun thuốc trừ nấm như: Aliette, Mataxyl, Ridomil … Nếu cây  bị chết thì nên đốn và tiêu hủy.

7. Rụng trái non
Rụng trái non là một hiện tượng thường gặp trên dừa. Trái non khỏang 1 – 3 tháng tuổi bị rụng, tỉ lệ rụng 30 – 50% số hoa cái có trên bông mo.

Các cây mới bắt đầu cho trái thường bị rụng trái non rất nhiều, trái thường bị rụng ở phần tiếp giáp lá bao với đầu trái.
Nguyên nhân:
- Nếu trái rụng sớm ngay sau kết thúc việc thụ phấn trong các đợt mưa tập trung thường do hạt phấn bị mưa rửa trôi, nụ trái không được thụ phấn.
- Nếu trái rụng trong suốt mùa khô hay sau một vài cơn mưa đầu mùa có thể do đất bị thiếu nước trong mùa khô. Những vùng đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn trong mùa khô làm bốc phèn, mặn ảnh hưởng đến bộ rễ.
- Nếu trái rụng vào lúc mưa dầm kéo dài nhiều ngày kèm theo có hiện tượng nứt trái có thể do thiếu canxi và đất thoát nước chưa tốt.
- Đất thiếu dinh dưỡng nhất là kali hoặc bón quá nhiều phân đạm cũng làm trái bị rụng.
- Rụng do nấm bệnh: quan sát trái rụng thấy lá đài và đầu trái dừa có màu đen, thối mềm.
- Rụng do vi khuẩn: quan sát trên đáy trái dừa có mủ, phần nhiều các lá đài vẫn còn xanh.
- Rụng do sâu: Do các loại sâu tấn công bông, trái non như sâu ăn bông trái non, bọ xít, bọ vòi voi…
Ngoài ra, mức độ rụng trái còn do yếu tố di truyền.
Biện pháp khắc phục:
- Tránh chọn giống dừa có vỏ quá mỏng, đáy trái lõm.
- Vệ sinh vườn dừa tạo sự thông thoáng.
-Vét mương bồi bùn, cung cấp nước trong mùa khô, thoát nước tốt trong mùa mưa lũ.
- Đất bị nhiễm phèn, mặn nên bón bổ sung vôi xám dolomite, phân hữu cơ hoai.
- Bón phân cân đối đầy đủ dinh dưỡng như hướng dẫn.
- Đối với tác nhân do nấm, để phòng trị, có thể dùng các loại thuốc Score, Aliette, Antracol…
- Do vi khuẩn dùng Starner, Kasuran phun trên tất cả bẹ lá và buồng trái non.
- Rụng do sâu dùng các loại thuốc trừ sâu như: Abamectin, Karate … (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì), nên phun vào lúc chiều tối để hạn chế gây hại cho ong mật, kiến vàng.

Khi xử lý thuốc trừ sâu, bệnh nên kết hợp với chế phẩm tăng đậu quả.

Thông qua lớp tập huấn hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân và nhân viên khuyến nông xã nắm vững kỹ thuật chăm sóc dừa trong thời kỳ hạn mặn. Từ đó nông dân áp dụng những kiến thức đã được tập huấn chăm sóc vườn dừa trong hạn mặn tốt hơn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn