Nghiên cứu ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa Bến Tre và tiểu vùng duyên hải phía đông Đồng bằng Sông Cửu Long

Ngày 04/01/2019 tại Trung tâm Hội nghị TTC Palace đã diễn ra Hội thảo Chuỗi giá trị bền vững ngành Dừa Tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức, ông Lâm Văn Tân – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã có bài tham luận: “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm từ cây dừa Bến Tre và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long”, trang tin điện tử Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre trân trọng giới thiệu toàn văn bài tham luận này.

Ngành công nghiệp chế biến dừa không thoát khỏi quy luật phát triển tất yếu như các ngành công nghiệp chế biến khác, rất cần sự vào cuộc đầu tư nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới công nghệ thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, qui mô lớn, đáp ứng yêu cầu khắc khe của thị trường xuất khẩu và có năng lực cạnh tranh vượt trội so với các hàng hóa cùng loại của các nước khác trên thế giới.

Những năm trước đây, công nghệ và thiết bị ngành công nghiệp chế biến dừa của tỉnh còn thô sơ, sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Các sản phẩm chế biến từ dừa có giá trị thấp, gặp khó khăn khi gia nhập vào thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, vào thời gian gần đây, Bến Tre tập trung nghiên cứu, đổi mới ứng dụng công nghệ đã tạo ra những dòng sản phẩm cao cấp, có bước chuẩn hóa tốt về mặt chất lượng, chủng loại và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến từ dừa: sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết và các sản phẩm từ dầu dừa tinh khiết (son dưỡng mi, son dưỡng môi, làm mát miệng), nước dừa đóng hộp, kem dừa, bột kem dừa, thạch dừa tinh chế dùng cho thực phẩm, giải khát và thạch dừa dùng làm mỹ phẩm (mặt nạ dừa),… đã xuất khẩu đến nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Có thể điểm qua các thông số so sánh giá trị gia tăng các sản phẩm chế biến từ dừa đối với một số sản phẩm cụ thể như: sản phẩm cơm dừa nạo sấy có giá trị xuất khẩu cao gấp 5 lần so với dừa trái, sản phẩm bột sữa dừa có giá trị cao gấp 4 lần cơm dừa nạo sấy, sản phẩm sữa dừa có giá cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy, sản phẩm kem dừa có giá trị cao gấp 2 lần cơm dừa nạo sấy, sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 10 lần dầu dừa thô, chỉ xơ dừa cứng (có tẩm keo) có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,4 lần chỉ xơ thô, chỉ xơ đơn và đôi có giá trị xuất khẩu cao gấp 3,8 lần chỉ xơ thô, dây thừng từ dừa có giá trị xuất khẩu cao gấp 4 lần chỉ xơ thô, xơ dừa phun cao su có giá trị xuất khẩu cao gấp 10 lần chỉ xơ thô, nước dừa đóng hộp có giá trị cao gấp 300 lần so với nước dừa tươi truyền thống.

Công nghệ chế biến nước dừa

Hoạt động KH&CN đã nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến tạo ra các dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao trên thị trường, điển hình như ứng dụng công nghệ enzym để sản xuất thạch dừa, nghiên cứu cải thiện chất lượng thạch dừa với Peroxyt - H2O2 mà không làm thay đổi các thành phần, tính chất của sản phẩm.

Dây chuyền công nghệ sản xuất nước dừa đóng lon, ứng dụng công nghệ chế biến và tiệt trùng UHT (xử lý nhiệt độ cao) trực tiếp của Tetra Pak, giúp nước dừa sau khi được chế biến vẫn giữ mùi vị, màu sắc tự nhiên, giá trị dinh dưỡng vốn có; dây chuyền định hình mặt nạ dừa tự động, máy đóng túi mặt nạ dừa tự động; cải tiến và hoàn thiện thiết bị cắt gọt dừa uống nước.

Công nghệ chế biến dầu dừa

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và thương mại ngay sau khi kết thúc quá trình hoàn thiện qui trình, thiết bị sản xuất nước rửa tay từ dầu dừa bằng phương pháp xà phòng hóa, có quy mô 40 lít/mẻ với 4 loại sản phẩm dầu dừa có kết hợp tinh dầu chanh, cam, bạch đàn, bạc hà và tinh dầu quế đạt yêu cầu về hiệu quả tẩy rửa, cảm quan, kháng vi sinh. Đồng thời, đang tiếp tục phát triển thành nhiều sản phẩm mới, có tính năng từ dầu dừa.

Nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng thành công quy trình công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt quy mô công nghiệp 300 lít/giờ. Công nghệ này được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam và đã tạo ra sản phẩm có chất lượng, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 4 lần so với dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần so với dầu dừa thô.

Chiết xuất dầu dừa theo công nghệ thuỷ phân bằng hệ enzyme tự nhiên. Công nghệ này đã tạo nên dầu dừa hoạt hoá với chất lượng vượt trội. Từ ứng dụng công nghệ này, đã cho ra đời dòng sản phẩm mang tính đột phá, đổi mới sáng tạo đó là tinh dầu chống muỗi LOMOS từ dầu dừa với 100% thiên nhiên, an toàn cho trẻ em, góp phần trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm qua muỗi như sốt xuất huyết, Zika, và sốt rét.

Công nghệ tách phân đoạn các triacylglyxerit của các axít mạch trung bình giàu laurin (MCT) từ dầu dừa Bến Tre định hướng ứng dụng làm nguyên liệu dược sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh béo phì, tiểu đường. Chuyển giao thiết bị theo công nghệ nạo, ép nhỏ trực tiếp (Direct Micro Expelling - DME) để sản xuất dầu dừa nguyên sinh quy mô nhỏ.

Công nghệ chế biến cơm dừa

Các dòng sản phẩm chế biến từ cơm dừa nổi bật là thiết bị, máy gọt vỏ nâu cơm dừa tự động cung cấp nguyên liệu sạch sản xuất cơm dừa nạo sấy xuất khẩu, phát triển công nghệ sấy tầng sôi cho sản phẩm cơm dừa nạo sấy, dây chuyền công nghệ sản xuất nước cốt dừa đóng lon.

Công nghệ sản xuất kẹo dừa giòn chống dính, kẹo dừa dẽo có nhiều hương vị trái cây đã được người tiêu dùng ưu chuộng; với công nghệ mới, tự động hóa đã góp phần giảm 90% công lao động.

Sản phẩm cơm dừa sau khi đã vắt hết nước cốt được chế biến đã trở thành bánh dừa thơm ngon, ít béo và giàu dinh dưỡng nhờ ứng dụng công nghệ chế biến thực phẩm.

Công nghệ chế biến gáo dừa, gỗ dừa

Các sản phẩm chế biến từ gáo dừa đã được chú trọng, nhất là tận dụng và phát triển các sản phẩm mới từ phế phụ phẩm bị thải bỏ như mụn than trở thành nguyên liệu để sản xuất sản phẩm than cám.

Chế tạo và ứng dụng các dòng máy chạm gáo dừa, máy tiện gỗ dừa công nghệ tự động hóa (CNC: Computer Numberial Control), máy khắc lager, máy in 3D phục vụ hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa và gáo dừa.

Công nghệ chế biến chỉ xơ dừa

Công nghệ chế biến chỉ xơ dừa được đầu tư nghiên cứu như nghiên cứu chế tạo thành công máy lột vỏ dừa công suất 1.000 trái/giờ, công suất tăng 6,4 lần, chi phí sản xuất giảm 8 lần so với thủ công, với chế độ tự động tách sạch vỏ hoặc giữ lại xơ mầu góp phần cơ giới hóa khâu lột vỏ dừa và an toàn lao động

Ứng dụng thiết bị sấy chỉ xơ dừa liên hoàn, máy sản xuất dây thừng chỉ xơ dừa không nối tự động, nghiên cứu máy se chỉ xơ dừa rối thành 2 sợi đơn xoắn đôi đáp ứng cho sản phẩm thảm lưới.

Nghiên cứu tạo ra loại hình sản phẩm composite từ xơ dừa với 3 mẫu: mặt tựa ghế, tấm lợp dạng sóng và mẫu cong 3 chiều.

Dây chuyền sản xuất mụn dừa ép viên 20mm năng suất 400 kg/h đã tận dụng được nguồn nguyên liệu tại địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. Nâng cấp, phát triển mạnh các sản phẩm từ phế phụ phẩm như: đất sạch dinh dưỡng, phân bón hữu cơ từ mụn dừa, than cám.

Các giải pháp khác

Bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm từ dừa, Sở KH&CN đã tiến hành nghiên cứu toàn diện chuỗi giá trị cây dừa, đặc biệt là các nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng, công dụng và chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế cao. Nghiên cứu các mô hình liên kết ngang và dọc trong nông nghiệp; thị trường tiêu thụ dừa, sản phẩm từ dừa trên thế giới; các hình thức hợp đồng, hợp tác và phân phối sản phẩm trên thị trường thế giới; phân tích các công cụ, chiến lược tiếp thị và xây dựng thương hiệu dừa; tìm kiếm đa dạng hóa thị trường và định hướng phát triển thị trường xuất khẩu của Bến Tre; đánh giá, dự báo khả năng cung cầu nguyên liệu ngành dừa phục vụ chế biến, nội tiêu và xuất khẩu.

Tổ chức nhân nhanh các giống dừa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng bệnh, chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi. Triển khai, nhân rộng mô hình khắc phục hiện tượng dừa không mang trái (dừa treo), cải thiện năng suất dừa lấy dầu; quy trình quản lý theo hướng sinh học đối với bọ vòi voi, Diocalandra frumenti (Coleoptera: Curculionidae) và sâu đục trái, Tirathaba sp.Lepidoptera: Pyralidae) gây hại trên cây dừa. Nhân nuôi và phóng thích loài ong ký sinh Tetrastichus brontispae  ký sinh nhộng  bọ cánh cứng hại dừa.

Xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến: xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm chế biến từ tôm biển, nghêu và tiêu chuẩn quốc tế: HACCP, Codex, ISO, BRC-food, Halal,... đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các vùng trồng dừa và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ dừa được hỗ trợ kinh phí xây dựng, áp dụng và chứng nhận lần đầu tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP.

Xây dựng, đăng ký xác lập, quản lý, khai thác và phát triển quyền sở hữu trí tuệ: Xây dựng các thương hiệu dừa có uy tín, tạo thế cho sản phẩm dừa Bến Tre tiếp tục giữ vững và phát triển trên các thị trường thế giới. Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý dừa xiêm xanh tỉnh Bến Tre. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông về cây dừa của Bến Tre.

Thay lời kết

Hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều thành quả tích cực, về thành tựu là cơ bản nhưng vẫn còn một số hạn chế cần sớm khắc phục như: Tình trạng giá dừa của Bến Tre thấp, người trồng dừa thu nhập không cao; có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, nhưng có lẽ bàn tay vô hình của thị trường chắc chắn là chủ thể không thể thiếu. Do đó, tỉnh Bến Tre sẽ quyết tâm cùng với toàn bộ Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long liên kết, xây dựng và hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất ngành dừa của khu vực, gắng với chuỗi giá trị dừa toàn cầu, nhằm mục tiêu đưa ngành dừa phát triển vững mạnh./.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn