Trồng dưa hấu tết đạt năng suất và phẩm chất cao – Một số điều cần quan tâm

Trong những ngày Tết cổ truyền không thể thiếu dưa hấu. Mặc dù, hiện nay dưa hấu được trồng quanh năm nhưng Tết vẫn là mùa dưa hấu chính vụ. Trong những năm gần đây, diện tích dưa hấu ngày càng phát triển, tuy nhiên nông dân thường chú ý đến năng suất mà ít quan tâm đến phẩm chất dưa, trái rất mau bị thối trong quá trình bảo quản. Để dưa hấu đạt năng suất, phẩm chất và kéo dài thời gian bảo quản, nông dân trồng dưa hấu cần chú ý một số vấn đề sau:

* Phân bón là yếu tố rất quan trọng làm tăng năng suất nhưng ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất trái dưa. Nếu lạm dụng phân bón hoặc sử dụng không đúng sẽ làm cho dưa hấu giảm phẩm chất rõ rệt, rút ngắn thời gian bảo quản. Tuỳ theo loại đất mà có lượng phân bón khác nhau. Trên vùng đất tốt thì bón ít phân hơn. Trung bình 1.000m2 dưa hấu thì bón 1-2 tấn phân chuồng hoai mục; 20-30 kg phân tôm cá (làm tăng vị ngọt và màu sắc của dưa); vôi 50-100kg kết hợp với lượng phân hóa học: 5 kg Urea + 5 kg DAP + 3 KCL + 80 kgNPK 16-16-8 (nếu sử dụng phân đơn: 22 kgUrea, 35 kgDAP và 15 kgKCL). Ngay từ đầu vụ nên sử dụng màng phủ nông nghiệp sẽ hạn chế sự thất thoát phân bón do rửa trôi hoặc bốc hơi.

    
* Bón đúng thời kỳ cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến phẩm chất dưa hấu. Phân vôi được bón trước khi trồng 5 ngày. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng, 1/3 phân tôm cá, 1/10 lượng phân hoá học.

- Sau khi cấy 7-10 ngày nên pha phân tưới, Urea hoặc DAP pha loãng 1-2%, tưới 2-3 lần, tưới thẳng vào gốc (1 thùng 10 lít tưới cho khoảng 50 dây). Khi dây dưa chuẩn bị bò, rãi 2/10 lượng phân hóa học, 1/3 phân tôm cá, rãi cách gốc 20-30 cm.
- Lúc cây chuẩn bị ra hoa (25 -27 ngày sau cấy) rãi 3/10 lượng phân hoá học, 1/3 phân tôm cá. Giữa rãi phân lần 1 và lần 2 nên pha phân Urea hoặc DAP pha loãng nồng độ 3-5%, tưới dặm khoảng 2 lần.

- Giai đoạn mang trái: lượng phân còn lại pha nước để tưới, chia nhỏ làm 4-5 lần tưới, mỗi lần cách nhau 5 ngày, số lượng tăng dần theo nhu cầu của dây dưa. Hai lần tưới đầu lúc trái bằng nắm tay thì phối hợp phân Urea và DAP, trái lớn thì phối hợp DAP và KCL, trái chuẩn bị chín chỉ nên sử dụng KCL sẽ tạo cho trái dưa nhiều cát, có vị ngọt đậm đà và màu sắc đẹp,

* Tưới nước đúng cách sẽ hạn chế sự nứt trái và giúp trái bảo quản được lâu. Khi cây còn nhỏ, rễ chưa ăn sâu và rộng cần tưới sát gốc và nhiều lần trong ngày. Khi cây lớn, tưới xa gốc để nhử rễ mọc lan. Chỉ nên tưới gốc không nên tưới lên lá cây dễ bị bệnh. Giai đoạn mang trái cây cần nhiều nước nhất để trái phát triển. Tuy nhiên, 10 ngày trước khi thu hoạch bắt đầu giảm tưới, 5 ngày trước khi thu hoạch nên ngưng tưới hoàn toàn để giúp dưa ngọt, chắc và giữ được lâu.

Để cho trái dưa hấu to, chỉ nên để mỗi dây một trái. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40-45 ngày sau khi gieo. Khi trái bằng trái chanh, chọn trái thứ ba trên dây chính. Nếu trên dây chính không tuyển trái được thì chọn trái thứ hai trên dây nhánh (vị trí lá thứ 8-14). Chọn trái đầy đặn, cuống to dài, có nhiều lông tơ thẳng, không sâu bệnh. Ngoài ra, chăm sóc trong giai đoạn mang trái cũng là yếu tố giúp trái dưa hấu đẹp, tăng giá trị thương phẩm. Khi trái lớn bằng trái cam, nếu giống dưa trái tròn, trong mùa nắng thì nên sửa cho trái đứng để trái phát triển đồng đều. Còn trong mùa mưa, nên để trái nằm ngang, tránh đít trái tiếp xúc với mặt đất ẩm ướt dễ bị nấm bệnh tấn công. Trong quá trình trái phát triển thỉnh thoảng trở bề để trái đẹp và màu vỏ trái xanh đều. Chỉ để trái đứng khoảng 10 ngày trước khi thu hoạch.

* Một số sâu bệnh trên dưa hấu cần quan tâm như: bệnh héo rũ, bệnh thán thư, sâu ăn tạp,…. Để quản lý sâu bệnh nên áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, chú ý biện pháp canh tác để phòng ngừa sự phát triển sâu bệnh ngay từ đầu vụ.


 

 Sâu ăn tạp.
 
 
 Triệu chứng bệnh thán thư gây hại trên trái.
 

 

 Bệnh héo rũ.

 
Bảo vệ các sinh vật có ích giúp cân bằng sinh thái. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thật thận trọng, không nên phun ngừa hay phun định kỳ, chỉ phun khi thật cần thiết và nên chọn lọc những loại thuốc ít độc đối với người và môi trường, tốt nhất nên ưu tiên sử dụng những loại thuốc sinh học. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân theo nguyên tắc 4 đúng. Lạm dụng phân bón lá hoặc thuốc kích thích sinh trưởng giai đoạn mang trái nhất là khi trái lớn sẽ làm trái có vị lạt, dễ bị thối trong quá trình bảo quản. Tuyệt đối không xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi sắp thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

Trong dịp Tết Nguyên Đán, dưa hấu ngoài việc dùng làm thực phẩm còn là loại quả được chưng bàn thờ tổ tiên nên hình dáng đẹp bên ngoài sẽ làm tăng giá trị thương phẩm gấp nhiều lần.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn