Trồng hoa vạn thọ tết – Một số bệnh hại cần lưu ý

Thời gian Tết Nguyên Đán đang cận kề, người trồng hoa rộn ràng chuẩn bị một mùa hoa phục vụ Tết. Vạn thọ là loại hoa được trồng phổ biến nhất vì loại hoa này dễ trồng và được thị trường ưa chuộng. Không chỉ hấp dẫn nguời tiêu dùng về màu sắc, hình dáng và mùi thơm kín đáo mà còn thu hút bởi cái tên vạn thọ mà mọi người luôn muốn chúng hiện diện trong nhà trong những ngày đầu năm. Mặc dù dễ trồng nhưng hoa vạn thọ rất dễ bị nhiễm bệnh hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng hoa. Một số bệnh thường gặp trong sản xuất hoa vạn thọ như bệnh thối bông, bệnh rỉ sắt và bệnh virus.

 Nấm Alternaria dianthi gây hại trên bông.   
 
 
 Triệu chứng nấm Alternaria dianthi gây hại trên lá.


Bệnh thối bông là bệnh rất phổ biến trên hoa vạn thọ. Bệnh do nấm Alternaria dianthi gây ra. Nấm tấn công vào giai đoạn bắt đầu hình thành nụ hoa, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bệnh thường gây hại trên những nụ hoa còn non. Nụ bị bệnh sẽ có triệu chứng nhăn lại và có màu nâu đen, bông không nở hoặc khi nở những cánh hoa bị thối đen từ bên trong. Bệnh làm bông bị thối hư và lây lan rất nhanh. Nấm Alternaria dianthi còn tấn công cả trên lá. Biểu hiện trên lá nhiễm bệnh là những vết bệnh hình tròn hoặc bất định, màu xám nâu hoặc xám đen, vết bệnh thường lan từ mép lá, chót lá vào trong phiến lá, chung quanh có quầng vàng rộng, bệnh nặng làm cho cả lá bị cháy khô, giảm khả năng quang hợp, cây kém phát triển, nấm thường tấn công trên những lá già. Trong điều kiện thời tiết ẩm ướt, trên mô bệnh có lớp nấm mốc màu đen, lá dễ rụng. Những chậu hoa bị bệnh bông bị thối hư, bông nhỏ hoặc ít bông trông rất xấu. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, tưới quá nhiều nước nhất là giai đoạn trổ hoa, bón nhiều phân đạm. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Benomyl 50WP, Nativo 750WG, Bellkute 40WP…

Bên cạnh, bệnh gỉ sắt thường gặp trong quá trình trồng hoa vạn thọ. Bệnh do nấm Puccinia chrysanthemi gây ra. Bệnh thường phát triển trên các loại hoa  cúc như Cúc vàng, Vạn thọ, Cúc Mâm xôi, Cúc Đại đóa. Bệnh thường gây hại trên những lá già. Triệu chứng đầu tiên là những chấm nhỏ màu vàng ở trên mặt lá, sau đó nổi dần lên thành những cục u nhỏ xíu, bên trong chứa một lọai bột, bóp ra thấy có màu da cam hoặc nâu đỏ giống như màu rỉ sét của sắt nên được gọi là bệnh gỉ sắt. Bệnh nặng, lá trở nên vàng úa và rụng sớm, hoa nhỏ, màu sắc hoa kém tươi, cây xơ xác, thưa bông. Ngoài phiến lá, nấm bệnh còn tấn công trên cả cuống lá, chồi non và cả vỏ thân cây, bệnh nặng có thể làm vỏ thân cây teo tóp lại. Nếu thời tiết thuận lợi bệnh phát triển nhanh và mạnh, trên lá dày đặc vết bệnh, cây có thể chết. Nấm bệnh tồn tại chủ yếu trên tàn dư vụ trước và phát tán lan truyền trong không khí nhờ gió. Vì thế nếu vùng đất mà vụ trước đã bệnh hoặc những luống hoa chung quanh bị bệnh thì nông dân nên phun thuốc phòng bệnh cho vườn hoa của mình. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. Phun một trong những lọai thuốc sau: Thi-OM 70WP, Anvil 5SC,  Sumi-Eight 12,5 WP,... Phun ướt đều lên lá và thân cây.

Bệnh virus cũng là bệnh đáng quan tâm đối với người trồng vạn thọ vì đây là bệnh không có thuốc trị. Bệnh có thể gây hại từ khi cây còn nhỏ đến khi ra hoa. Cây bị bệnh, phần lá non nhăn nhúm, loang lổ xanh vàng, phiến lá chổ dày mỏng không đều, lá nhỏ, cây kém phát triển, đưa lá bệnh lên ánh sáng thấy gân lá mất màu. Bệnh nặng toàn cây thấp và nhỏ, các đốt thân cành co ngắn lại, hoa ra ít và nhỏ. Rầy mềm là môi giới lan truyển. Đối với bệnh virus không có thuốc trị chỉ ngăn ngừa côn trùng môi giới là biện pháp phòng có hiệu quả, vì thế thường xuyên thăm ruộng hoa, phát hiện rầy mềm thì phun thuốc trừ. Sử dụng nhóm thuốc trừ rầy rệp có hoạt chất Thiamethoxam, Fipronil  hoặc Pymetrozine,...

 Triệu chứng bệnh virus trên hoa vạn thọ.


Ngoài biện pháp hóa học được sử dụng khi phát hiện bệnh, người trồng hoa cần lưu ý áp dụng biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ mang lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh.
- Lên luống trồng vạn thọ phải cao ráo. Mật độ trồng vừa phải, không trồng dày. Vạn tho nên được bố trí trồng ở những nơi thoáng mát, không bị bóng rợp, thường xuyên  theo dõi tình hình sinh trưởng của cây để có biện pháp xử lý kịp thời.
- Tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục.
- Trước khi trồng cần cày bừa kỹ, xới xáo đất, chôn vùi thân lá của cây cúc vụ trước còn sót lại để tiêu diệt nguồn bệnh đang nằm trong đất hạn chế bệnh vụ sau.
- Bón phân cân đối để tạo cây khỏe có sức đề kháng với bệnh. Tránh bón thừa đạm sẽ tạo điều kiện cho bệnh phát triển.
- Khi cây đang bị bệnh hạn chế phun phân bón lá và không nên tưới nước thẳng lên hoa, nhất là vào buổi chiều.
- Thường xuyên vệ sinh cho những luống hoa được thông thoáng. Kiểm tra ruộng hoa thường xuyên để phát hiện và nhổ bỏ sớm những cây bị bệnh để tránh lây lan. Tuyệt đối không được vứt bỏ những tàn dư cây bệnh xuống mương nước tưới cho hoa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn