Làm thế nào để mai vàng nở hoa đúng ngày tết

Mai vàng là biểu tượng của mùa xuân. Đối với người Nam bộ, những ngày đầu năm, trong  gia đình thường không thể thiếu những cành mai vàng. Ngoài giá trị thẩm mỹ, theo phong tục của dân tộc ta, mai vàng còn tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Vì thế, để mai vàng nở hoa đúng vào những ngày đầu xuân đặc biệt có ý nghĩa.


Mai vàng thuộc họ Ochnaceae, tên khoa học là Ochna integerrima, thuộc cây đa niên, sống rất lâu năm. Trong tự nhiên cây mai rụng lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Vì vậy, mai thường được lãy lá trước Tết. Sự hình thành mầm hoa từ nách lá mới đầu là một hoa to, có vỏ lụa bao bên ngoài, khi vỏ lụa bung ra xuất hiện một chùm hoa con, có từ một đến mười nụ tăng trưởng rất nhanh, khoảng 7 ngày sau là nở. Trong một chùm hoa, hoa to nở trước, hoa nhỏ nở sau và nở vài ngày mới hết hoàn toàn. Làm thế nào để cây mai ra hoa theo ý muốn, đúng ngày nhất định (tốt nhất là nở ngay ngày mùng một Tết), các nghệ nhân phải chăm sóc tưới nước thường xuyên để giữ lá mai không rụng, vì thiếu nước, lá mai sẽ khô héo và rụng sớm thì cây mai sẽ ra hoa sớm.

Trên lá mai có nhiều chất ức chế làm mầm hoa không nảy mầm được, vì thế muốn mai ra hoa đều phải lãy lá mai. Lãy lá mai là công việc rất quan trọng ảnh hưởng đến thời gian ra hoa của mai. Theo phong tục của người miền Nam, thời điểm lãy lá mai vào rằm tháng chạp âm lịch. Tuy nhiên, lãy sớm hơn hay muộn hơn cần phải dựa vào các yếu tố như: thời tiết năm nào nắng nhiều thì mai nở sớm, năm nào lạnh nhiều thì mai nở trễ; loại mai có nhiều cánh nở trễ hơn loại năm cánh; quan sát nụ hoa lớn hay nhỏ, gần bung vỏ lụa chưa. Cần kết hợp nhiều yếu tố mà chọn ngày lãy lá mai. Trong đó, yếu tố quan sát nụ hoa là quan trọng nhất. Nếu năm nào lạnh nhiều, mưa nhiều, nụ mai còn quá nhỏ thì lãy lá mùng 12-13 tháng chạp, nụ mai to vừa thì lãy vào ngày rằm tháng chạp; nụ mai to quá gần bung vỏ lụa thì đợi đến 18-20 tháng chạp mới lãy. Mai nhiều cánh phải lãy lá sớm hơn mai năm cánh.

Trường hợp trong một cây mai ghép nhiều loại (có hoa nhiều cánh, có hoa ít cánh) phải lãy lá riêng biệt từng nhánh một. Làm thế nào để đúng ngày 23 tháng chạp (đưa ông Táo về trời), nụ mai bung vỏ lụa, vỏ trấu là nhất định hoa sẽ nở đúng vào ba ngày Tết Nguyên Đán. Ngoài ra, thỉnh thoảng cần xới đất cho tơi xốp để tránh cây mai bị úng nước cũng ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây.

Với nguyên tắc “Thời tiết nóng hoa nở sớm, thời tiết lạnh hoa nở trễ” mà chúng ta có biện pháp để điều chỉnh hoa nở theo ý muốn. Nếu ngày 23 tháng chạp mà nụ mai chưa bung vỏ lụa là đã trễ nên phải có biện pháp thúc cho mai nở sớm bằng cách đem mai ra phơi nắng và tưới nước vào giữa trưa, không tưới vào sáng sớm và chiều tối. Trong trường hợp ngược lại, chưa đến 23 tháng chạp, nụ mai đã bung vỏ lụa là mai sẽ nở sớm trước Tết nên cũng cần có biện pháp can thiệp như: đem cây mai để vào chổ mát, tưới nước vào chiều tối để làm lạnh cây mai hoặc pha phân Urea với nồng độ 1gr pha 8 lít nước tưới cho cây, kích thích cây mai ra lá thì mai sẽ chậm nở hoa. Tuy nhiên trong trường hợp này, trên cây mai sẽ có lá non và hoa, trông không đẹp.

Kỹ thuật lãy lá mai cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự nở hoa của mai. Lãy lá không đúng cách sẽ làm tét vỏ hay gãy nụ hoa. Khi lãy lá mai phải lãy hết lá già lẫn lá non, sau đó ngưng tưới nước một ngày cho khô nhựa mới tưới nước trở lại.

Để có được cây mai ra hoa nhiều, đẹp và nhất là nở hoa đúng vào những ngày Tết là một kỳ công, đòi hỏi người trồng mai nắm vững kỹ thuật, quan tâm chăm sóc rất tỉ mỉ từ khâu phân bón, nước và đặc biệt là kỹ thuật và thời điểm lãy lá.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi