Quản lý sâu bệnh gây hại trên củ hành tím vụ tết

Hàng năm sắp đến Tết Nguyên Đán, nông dân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre lại chuẩn bị gieo trồng vụ hành tím. Mặc dù hành tím mang hiệu quả kinh tế khá cao cho nông dân nhưng trồng hành tím đòi hỏi sự chăm sóc rất kỹ và nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, sâu bệnh hại luôn là mối lo ngại lớn đối với bà con vùng trồng hành, trong đó phổ biến là bệnh thối củ, bệnh đốm vòng, bệnh sương mai và sâu xanh da láng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất củ hành.

Bệnh quan trọng nhất trên hành tím là bệnh thối củ. Bệnh thối củ do nấm Botrytis sp. gây ra. Nấm bệnh gây hại trên lá hành ngoài đồng và trên củ giai đoạn tồn trữ. Triệu chứng trên lá là những đốm màu trắng hình bầu dục, làm lá hành gãy gục. Trong giai đoạn tồn trữ, nấm bệnh tấn công trên củ làm củ bị thối khô, đôi khi chỉ còn lớp vỏ bên ngoài, trong ruột bị teo lại, khô xốp, trên lớp vỏ có những bào tử nấm li ti màu đen.

 

 

 

 

 

 Triệu chứng bệnh thối củ gây hại giai đoạn tồn trữ.


Bệnh đốm vòng cũng khá phổ biến trên hành tím. Bệnh do nấm  Alternaria porri gây ra.Triệu chứng đầu tiên để nhận biết là trên lá xuất hiện những vết bệnh hình bầu dục, đồng tâm. Lúc đầu là những đốm nhỏ trắng sau đó nếu thời tiết ẩm vết bệnh chuyển màu xám hay nâu. Nếu bị hại nặng lá sẽ bị khô, cây chết. Đôi khi ở phần gốc hành cũng bị hư hại và củ cũng bị khô theo. Nếu bệnh gây hại lúc cây hành còn nhỏ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất. Bệnh còn gây hại trên củ trong thời kỳ bảo quản làm củ bị thối. Bệnh phát triển và gây hại mạnh trong điều kiện ẩm độ cao. Nấm bệnh có thể tồn tại ở những tàn dư cây bệnh, bào tử phát tán theo gió và nước bắn lên lá.
 

 Triệu chứng bệnh đốm vòng gây hại trên lá.


Ngoài ra, bệnh sương mai cũng không kém phần quan trọng trên cây hành. Bệnh sương mai do nấm Peronospora schleideni gây ra. Nấm bệnh gây hại trên lá hành. Triệu chứng trên lá là những vết hình tròn hoặc hình bầu dục, lúc đầu màu trắng xám, bệnh nặng vết bệnh lớn dần chuyển màu xanh xám hoặc nâu sẫm, gặp tiết trời ẩm ướt thường hình thành một lớp tơ trắng mỏng. Khi ẩm độ cao lá hành mềm nhũn và gãy gục. Nấm bệnh tồn tại trên tàn dư cây bệnh, trồng dày, ẩm độ cao làm bệnh phát triển mạnh.


 Triệu chứng bệnh sương mai trên lá hành.


Cả  ba bệnh thối củ, đốm vòng và bệnh sương mai rất khó trị, để quản lý các bệnh này bà con cần áp dụng nhiều biện pháp tổng hợp ngay từ đầu vụ, quan tâm nhất là biện pháp canh tác.
- Chú ý khâu chọn giống, không lấy hành giống từ những ruộng hành bị bệnh.
- Sau thu hoạch nên dọn dẹp sạch các cây bệnh.
- Khi làm đất chuẩn bị trồng, bón phân hữu cơ hoai mục (100kg/1.000m2) kết hợp chế phẩm sinh học Trichoderma. Trồng mật độ vừa phải, không trồng quá dày.
- Bón vôi lên ruộng hành (cẩn thận đừng để vôi bám lên lá, cuống lá hành).
- Tránh bón quá nhiều phân đạm dễ làm cây nhiễm bệnh nặng.
- Nhổ bỏ và tiêu huỷ các cây hành bị bệnh.
- Thu hoạch hành khi cổ của củ hành đã chín và sau khi thu hoạch nên phơi cho khô cuống củ trước khi bó lại, mang tồn trữ. Bảo quản củ trong điều kiện khô mát và thoáng gió. Thường xuyên kiểm tra loại bỏ những củ bị thối.
- Khi ruộng hành bị bệnh không nên tưới lúc chiều tối để tránh cho lá hành bị ướt nước vào buổi tối.
-  Phun thuốc sớm ngay khi bệnh mới chớm, không nên để bệnh phát triển mạnh sẽ rất khó trị. Sử dụng một số loại thuốc có hoạt chất Chlorothalonil (Arygreen 75 WP, Chionil 750WP); Difenoconazole (Score 250EC); Iminoctadine (Bellkute 40 WP) hoặc thuốc phối hợp 2 hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC), Dimethomorph + Mancozeb (Acrobat MZ).

 

Trưởng thành sâu xanh da láng.   
 

 

 Ổ trứng sâu xanh da láng.

       

Về côn trùng gây hại, sâu xanh da láng là loại sâu hại rất phổ biến trên hành. Trưởng thành sâu xanh da láng là loài bướm có kích thước trung bình, thân dài 17-20mm, màu nâu xám nhạt. Trên cánh trước có những đường vân và đốm màu xám nhạt. Bướm đẻ trứng thành từng ổ bên ngoài cọng hành, trên ổ trứng có phủ một lớp lông màu vàng nhạt. Sâu non màu xanh lá cây, có nhiều sọc màu tráng trên lưng và hai sọc lớn có màu sậm chạy dọc hai bên sườn, phần bụng màu vàng, sâu đẫy sức dài khoảng 30-35mm. Sâu non mới nở sống tập trung quanh ổ trứng, gặm lá hành thành những lổ nhỏ li ti. Sâu tuổi 2-3 chui vào bên trong cọng hành, ăn phần mềm bên trong, chỉ chừa lại lớp màng mỏng trắng bên ngoài hoặc ăn cụt đầu lá. Cọng hành bị sâu tấn công sẽ khô héo và chết. Nếu mật số cao sâu có thể ăn trụi hết lá, sâu còn gây hại cả củ làm mất giá trị thương phẩm. Sâu non đẫy sức chui ra khỏi ống hành và hoá nhộng trong đất. Phun thuốc khi sâu non còn nhỏ tập trung quanh ổ trứng, sống bên ngoài lá hành sẽ dễ chết, khi sâu đã chui vào bên trong rất khó trị. Sâu xanh da láng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Sâu xanh da láng có nhiều thiên địch tấn công như ong kí sinh, nhện, bọ rùa, kiến 3 khoang,...

Để phòng trừ sâu xanh da láng nên vệ sinh cỏ dại trên ruộng hành. Bổ sung dinh dưỡng canxi, silic vào thời điểm 15 và 30 ngày sau khi trồng, giúp bộ lá dày cứng, hạn chế sâu gây hại. Thường xuyên thăm ruộng hành phát hiện ổ trứng ngắt bỏ và tiêu hủy. Sử dụng một số thuốc như: chế phẩm sinh học NPV, Dipel 3.2WP, thuốc điều hoà sinh trưởng côn trùng như Mimic 20F, Match 50EC,…. Sâu xanh da láng rất mau kháng thuốc vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên.

Chú ý:  Phun thuốc vào buổi chiều tối vì lúc này sâu bò ra ngoài cọng hành sẽ có hiệu quả cao. Khi phun thuốc trừ sâu xanh da láng nên pha thêm chất bám dính tăng hiệu quả diệt sâu. Tuyệt đối đảm bảo đúng thời gian cách ly.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi