Nghiên cứu đa dạng hoá các sản phẩm từ dầu dừa Bến Tre

Để đa dạng hoá sản phẩm chú trọng tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa có uy tín của địa phương, một trong những giải pháp Bến Tre đã lựa chọn là đầu tư nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm từ dầu dừa.

Nhiều thành phần hữu dụng

Dầu dừa là một loại chất béo được chiết tách từ cơm dừa và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm, dược mỹ phẩm trên toàn thế giới. Do tính ổn định nên nó ít bị ôxy hóa và do hàm lượng chất béo no cao nên có thể cất giữ lâu đến 2 năm. Với các thành phần kháng khuẩn, kháng nấm, hấp thụ các vitamin và khả năng dưỡng ẩm rất cao nên dầu dừa ngày càng được sử dụng phổ biến.

Dầu dừa chứa nhiều acid béo no, trong đó chiếm phần lớn là acid lauric 45-52%, acid myristic 16-21% và acid palmitic 7-10%, ngoài ra còn có một tỷ lệ nhỏ các acid béo khác như acid stearic, acid caprylic, acid capric, acid oleic. Các acid béo chiếm phần lớn trong dầu dừa là các acid béo có mạch carbon trung bình C12-C14, có khả năng tương thích tốt với da. Dầu dừa chứa chủ yếu là các acid béo bão hòa mạch trung bình nên về giá trị dinh dưỡng, dầu dừa được chứng minh là rất tốt cho tim mạch và hệ tiêu hóa với khả năng kháng oxy hóa mạnh.

Với cấu tạo gồm một đầu acid ưa nước và một đầu ankyl dài kị nước, đồng thời là thành phần chính trong dầu dừa, acid lauric thể hiện các thuộc tính của dầu dừa, liên quan tới các tính chất dễ chuyển hóa và dễ hấp thu. Xét về hoạt tính sinh học, acid lauric và monolaurin có hoạt tính kháng khuẩn, ngăn chặn hoặc trì hoãn việc sản xuất độc tố exotoxin do vi khuẩn gram dương gây bệnh và một số nấm và vi rút. Ngày nay có rất nhiều sản phẩm thương mại sử dụng acid lauric và monolaurin làm thuốc kháng khuẩn. Acid lauric được chứng minh là tốt cho da nhờ vào sự phân bố tối ưu, tham số hòa tan và sự hình thành tạo nên độ dính và thẩm thấu trên da cao nhất.

Theo tiêu chuẩn APCC (Asian and Pacific Coconut Community), dầu dừa tinh khiết được đánh giá theo tiêu chuẩn về tính chất vật lý như sau:

 

 Bảng 1 Tiêu chuẩn APCC về các thông số vật lý đối với dầu dừa tinh khiết

Max: Giá trị lớn nhất; Min: Giá trị nhỏ nhất
Chỉ số Polenske: là lượng acid béo bay hơi được trích ly từ dầu mỡ trong quá trình xà phòng hóa.

Hầu hết các đặc tính phân biệt dầu dừa với các loại dầu thông thường có thể dựa vào hàm lượng cao của axit béo chuỗi ngắn và trung bình. Điểm nóng chảy của nó thường ở trong khoảng 24–27 °C và điểm đông đặc thấp hơn 5°C. Điểm nóng chảy của dầu dừa không phải do mức độ không bão hòa cao như trong hầu hết các loại dầu thực vật mà là do trọng lượng phân tử trung bình thấp của triacylglycerol. Tính chất vật lý quan trọng nhất của dầu dừa so với hầu hết các chất béo tự nhiên và hydro hóa chính là không mềm ra khi nhiệt độ tăng, nhưng lại có thể chuyển đổi đột ngột từ một chất rắn thành chất lỏng, trong một khoảng nhiệt độ hẹp. Nó giống như bơ ca cao. Độ tan chảy đặc trưng của dầu dừa chịu ảnh hưởng bởi thành phần cấu tạo của acid béo và triacylglycerol. Màu sắc của dầu dừa tùy thuộc vào phương pháp chiết xuất dầu dừa nếu dầu dừa được chiết xuất bằng phương pháp ép lạnh sẽ không màu, còn nếu chiết xuất bằng phương pháp nóng sẽ có màu vàng nhạt. Dầu dừa không hòa tan được trong nước ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, khi ta khuấy đều với tốc độ mạnh thì dầu dừa sẽ tạo nhũ với nước nhưng hỗn hợp này sẽ có màu trắng đục. Khối lượng riêng của dầu dừa là 924,27kg/m3 [11].
Về thành phần acid béo có trong dầu dừa được xác định bằng phương pháp sắc kí khí lỏng theo tiêu chuẩn APCC như sau:

 

 

 Bảng2. Tiêu chuẩn APCC về thành phần acid béo có trong dầu dừa tinh khiết.

Các thành phần chính của dầu dừa thô rất quan trọng và ảnh hưởng đến đặc tính của dầu như: Triacyglycerol, acid béo, photpholipid, tocopherol, kim loại, sterol, chất dễ bay hơi, mono và diacyglycerol. Khoảng 90% axit béo của dầu dừa đã bão hòa và chủ yếu là acid lauric, myristic và palmitic với tỷ lệ lauric acid chiếm ưu thế (47.5%), như trong Bảng 3.

 

 

 Bảng 3 Thành phần các loại acid béo có trong dầu dừa (% khối lượng)

Triacylglycerol là thành phần chủ yếu của dầu dừa chiếm tới 95% lượng dầu. Chúng là este của glycerol với ba axit béo. Dầu dừa thô có hàm lượng photpholipid tương đối thấp (0,2%) khi được so với hàm lượng các loại dầu thực vật khác (1-3%). Tocopherol là chất chống oxy hóa tự nhiên được tìm thấy trong hầu hết các loại dầu thực vật. Sự có mặt của nó trong dầu dừa thô ngăn cản dầu bị oxy hoá trong không khí. Các tocopherol trong dầu dừa tương đối thấp, chứa khoảng 50 ppm. Dầu dừa thô chứa khoảng 900 ppm các hợp chất dễ bay hơi và gây mùi.

Dầu dừa Bến Tre chất lượng tốt

Tùy thuộc vào phương pháp sản xuất sẽ có nhiều loại dầu dừa khác nhau mang những tính chất riêng. Kết quả phân tích, đánh giá cảm quan và tính chất của một số mẫu dầu dừa được sản xuất theo các phương pháp khác nhau đang lưu thông trên thị trường Bến Tre cho thấy, đa số các mẫu dầu dừa có chất lượng đạt các chỉ tiêu theo chuẩn APCC cho dầu thô, trừ giá trị độ ẩm còn khá cao 1,01% và chỉ số iod tương đối thấp với giá trị là 5,29. Chỉ số xà phòng (mg KOH/g dầu) nằm trong khoảng cho phép. Về thành phần hóa học của dầu dừa thô thì không có quy định của APCC nên đánh giá theo tiêu chuẩn dành cho dầu dừa tinh khiết. Các kết quả cho thấy thành phần các acid béo đều tương đồng và nằm trong khoảng cho phép. Mẫu dầu dừa chủ yếu là lauricacid chiếm khoảng 54% (về khối lượng), phù hợp theo tiêu chuẩn APCC (45 – 56%). Tiếp theo là myrictic acid chiếm hàm lượng khá cao (18%), giá trị này nằm trong tiêu chuẩn quy định của APCC (16 – 21%). Ngoài ra, trong mẫu dầu dừa có sự hiện diện của các acid béo khác như strearic acid, oleic acid, palmitic acid... với hàm lượng nhỏ.

 

 Bảng 4 Kết quả các chỉ tiêu đánh giá cảm quan và tính chất của một số mẫu dầu dừa trên thị trường tỉnh Bến Tre.

KPH: không phát hiện.

 

 Bảng 5 Phân tích thành phần và hàm lượng tương đối các hợp chất trong mẫu dầu dừa bằng phương pháp GC-MS

Nghiên cứu để đa dạng sản phẩm từ dầu dừa

Từ những hữu dụng vốn có của dầu cùng với chất lượng đảm bảo của dầu dừa Bến Tre, hoạt động khoa học và công nghệ tỉnh nhà tập trung nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các công nghệ tiên tiến đã tạo ra các dòng sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao trên thị trường, điển hình như: hoạt động ghiên cứu, chuyển giao và thương mại ngay sau khi kết thúc quá trình hoàn thiện qui trình, thiết bị sản xuất nước rửa tay từ dầu dừa bằng phương pháp xà phòng hóa, có quy mô 40 lít/mẻ với 4 loại sản phẩm dầu dừa có kết hợp tinh dầu chanh, tinh dầu cam, tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế đạt yêu cầu về hiệu quả tẩy rửa, cảm quan, kháng vi sinh.

Nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng thành công quy trình công nghệ chiết tách sản phẩm dầu dừa tinh khiết (VCO) bằng công nghệ ly tâm không gia nhiệt quy mô công nghiệp 300 lít/giờ. Công nghệ này được áp dụng lần đầu tiên ở Việt Nam và đã tạo ra sản phẩm có chất lượng, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm dầu dừa tinh khiết có giá trị cao gấp 4 lần so với dầu dừa tinh luyện và gấp 10 lần so với dầu dừa thô.

Chiết xuất dầu dừa theo công nghệ thuỷ phân bằng hệ enzyme tự nhiên. Công nghệ này đã tạo nên dầu dừa hoạt hoá với chất lượng vượt trội. Từ ứng dụng công nghệ này, công ty đã cho ra đời dòng sản phẩm mang tính đột phá, đổi mới sáng tạo đó là tinh dầu chống muỗi LOMOS từ dầu dừa với 100% thiên nhiên, an toàn cho trẻ em, góp phần trong việc phòng chống các bệnh lây nhiễm qua muỗi như sốt xuất huyết, Zika, và sốt rét.

Việc nghiên cứu, ứng dụng thành công các công nghệ chế biến các sản phẩm từ dầu dừa không những thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm mới từ dừa nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên ngày càng cao của đại đa số người mà còn khẳng định thương hiệu vị thế độc tôn, số 1 về dừa của Bến Tre.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi