Một số vấn đề cần lưu ý khi trồng hoa cúc đồng tiền trong dịp tết Nguyên Đán

Hàng năm vào dịp Tết cổ truyền, hoa không thể thiếu trong mỗi nhà. Hoa đem lại cho con người những xúc cảm thẩm mỹ cao quý mà không thứ quà tặng nào có được. Việc trồng hoa không chỉ là một thú vui mà còn là nguồn thu nhập đáng kể cho người trồng, rất nhiều loại hoa được trồng để phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên Đán, trong đó phổ biến là hoa cúc đồng tiền. Hoa đồng tiền thuộc họ Cúc (Asteraceae), với màu sắc rất phong phú thích hợp cho việc sản xuất hoa cắt cành, trồng chậu, trồng trang trí sân vườn. Hiện nay, nhiều giống cúc mới nhập nội có năng suất cao, chất lượng hoa tốt, màu sắc đa dạng, thời gian sinh trưởng ngắn. Hoa đồng tiền có thể nhân giống bằng cách tách cây, trồng bằng hạt và nuôi cấy mô. Để có được những chậu hoa đồng tiền to, màu sắc đẹp người trồng hoa cần chú ý một số vấn đề sau:

* Làm đất

Do cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển mạnh và nhiều rễ phụ nên đất thích hợp nhất cho cúc là đất thịt nhẹ. Đất trồng cúc đồng tiền cần phải tơi xốp, có độ thông thoáng cao, thoát nước, nhiều mùn. Trồng chậu cần trộn theo tỉ lệ như sau: xơ dừa + than bùn + đất cát (3:1:1), có thể bổ sung thêm một số phân phân hữu cơ vi sinh và phân Super lân. Trồng trên luống, đất được cày bừa kỹ, sạch cỏ, lên luống cao 30-35cm, rãnh đi lại 30cm, mặt luống rộng 90cm (mỗi luống trồng 3 hàng, hàng cách mép luống 15cm).

* Chuẩn bị nhà che

Đồng tiền không chịu được mưa nhiều, sương muối và cường độ ánh sáng mạnh, do vậy trồng đồng tiền cần làm nhà che tránh mưa và hạn chế ánh sáng trực xạ. Thời gian đầu cây còn nhỏ, mới trồng cần che thêm lưới đen để giảm cường độ ánh sáng và nhiệt độ. Sau khi trồng 2 tháng, cây con đã lớn nên dỡ bớt lưới để cây có đủ ánh sáng, phát hoa sau này được cứng cáp.

* Chăm sóc

 

Do đặc điểm cây cúc có khả năng chịu hạn hơn chịu úng nên việc tưới nước cũng chỉ cần vừa phải để giữ ẩm cho cây, không nên tưới nhiều vì sẽ làm cho cây phát triển cành lá, hoa nhỏ và xấu. Tưới nước cho cây vào buổi sáng, không tưới quá trể vào buổi chiều cây dễ bị bệnh. Tưới bằng vòi sen nhẹ, tránh để đất văng lên lá. Mỗi tháng cần định kỳ ngắt bỏ lá già, lá vàng, lá bị sâu bệnh để cây được thông thoáng, ánh sáng đầy đủ, việc phun thuốc sâu bệnh cho cây được dễ dàng, giúp cây giảm được sâu bệnh. Trong quá trình trồng nên xới đất, vun gốc kết hợp làm cỏ nhưng cần chú ý khi cây đã lớn, phân cành nhánh mạnh nên hạn chế xới đất vì cúc có bộ rễ chùm ăn ngang, phát triển nhiều rễ phụ, nếu xới xáo sâu và nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc hút chất dinh dưỡng của cây.

* Bón phân

Đây cũng là một biện pháp kỹ thuật quan trọng, bón đúng phương pháp làm tăng năng suất, phẩm chất hoa. Cúc là loại cây rất phàm ăn nên việc bón lót rất cần thiết. Bón lót (lượng phân bón tính cho 1.000m2): Trước khi trồng 10 - 15 ngày, bón toàn bộ phân chuồng kết hợp chế phẩm sinh học Trichoderma là loại nấm đối kháng có thể diệt các loại nấm bệnh tồn tại trong đất và 80kg super lân. Bón xong trộn đều phân với đất. Định kỳ bón thúc phân Nitrophosphoka (15-5-20+2TE), pha loãng tưới mỗi tuần một lần. Ngoài việc bón phân qua rễ, phun thêm phân bón lá cho cây: Growmore (30 - 10 – 10). Giai đoạn cây ra nụ cần phun thêm các loại phân bón lá như: Multi-K (13 - 0 - 46), Nitrat canxi (11-0-0 - 20 CaO) để làm phát hoa cứng cáp, màu sắc hoa đậm, lâu tàn. Cần lưu ý trong thời kỳ trổ hoa với lượng phân bón hợp lý thì hoa sẽ to, đẹp và lâu tàn. Khi cây sắp ra nụ thì không nên bón nhiều đạm sẽ làm cành hoa mềm yếu, thời gian bảo quản không được lâu.

* Phòng trừ sâu bệnh

- Dòi đục lá

Phổ biến nhất trên các cây hoa cúc đồng tiền là dòi đục lá. Dòi đục lá (Liriomyza  sp) thuộc họ Agromyzidae bộ Diptera. Trưởng thành là một loài ruồi rất nhỏ. Ruồi cái có cơ thể dài khoảng 1,5 – 1,8mm. Trứng của dòi đục lá rất nhỏ, hình ôvan, mới đẻ có màu trắng trong, sắp nở có màu trắng đục.

 Triệu chứng dòi đục lá gây hại.


Trưởng thành chỉ ăn hoặc đẻ trứng trên lá bánh tẻ, không đẻ ở lá non. Trưởng thành cái bay đến từng lá, dùng máng đẻ trứng chọc qua biểu bì để ăn dịch lá hoặc đẻ trứng trong lá. Sâu non dạng dòi dài 2-2,2mm. Sâu non đục lá ăn nhu mô lá tạo thành những đường đục ngoằn ngoèo ở trên lá (giống như triệu chứng sâu vẽ bùa trên cam quít). Sâu gây hại đến đâu thải phân đến đó theo đường đục. Sâu non sống trong đường đục đến đẩy sức mới bò ra ngoài tìm chổ đất xốp hoặc kẻ nứt của đất hóa nhộng. Đất quá khô hoặc quá ướt đều làm giảm khả năng vủ hóa của nhộng. Sâu gây hại suốt từ giai đoạn cây con đến giai đoạn ra hoa. Nếu bị hại nặng các đường đục liên kết với nhau, sau đó sẽ bị thâm nâu và khô cháy làm bề mặt lá co rúm lại, diện tích quang hợp của lá bị giảm sút, cây kém phát triển, hoa nhỏ (bị chai đi) và màu sắc kém rực rỡ. Nếu giai đoạn cây con bị hại nặng có thể chết cây. Nguy hiểm hơn là trưởng thành của dòi đục lá là môi giới lây truyền bệnh Pseudomonas cichorii (bệnh đốm lá vi khuẩn) trên cây hoa cúc.
Để phòng trừ dòi đục lá cần phối hợp nhiều biện pháp:
- Sâu non và nhộng của dòi đục lá thường bị một số loài ong trong họ Eulophidae, Braconidae Cynipidae,… ký sinh.
- Hạn chế tưới quá nhiều phân đạm cho hoa.
- Nhổ sạch cỏ dại trên những luống hoa cũng là biện pháp hạn chế dòi đục lá.
- Dùng bẩy màu vàng có chất dính để thu bắt và tiêu diệt trưởng thành, đặt bẩy cách mặt đất 25- 50cm và với khoảng cách 15 –20 m2 /bẩy.
- Sử dụng một trong các loại thuốc như: Eska 250EC, Vimatrine 0.6L; Trigard 100SL... để phun xịt. Ruồi đục lá có vòng đời ngắn, sinh sản rất nhiều nên chúng rất nhanh quen thuốc, vì thế nên sử dụng thuốc luân phiên để hạn chế kháng thuốc.

- Rệp muội

 Rệp muội gây hại trên hoa cúc.


Bên cạnh dòi đục lá, rệp muội gây hại khá phổ biến. Rệp muội có màu nâu đỏ đến nâu đen, nhỏ như hạt mè. Rệp muội gây hại từ giai đoạn cây con đến trưởng thành, sống tụ tập trên bề mặt lá, đài hoa, nụ hoa và ngọn cây hoa. Rệp chích hút nhựa cây làm cây có những vết vàng nâu, cây còi cọc, ngọn quăn queo, lá biến dạng, ít hoa, hoa nhỏ. Ngoài ra, rệp muội còn là môi giới truyền bệnh khảm lá virus. Để phòng trừ rệp muội nên thường xuyên theo dõi phát hiện rệp muội và phun Dầu khoáng hoặc các lọai thuốc gốc cúc như: Polytrin, Cyperan,….

- Câu cấu xanh

 Thành trùng câu cấu xanh.


Ngoài ra, câu cấu xanh cũng thường gây hại trên hoa cúc đồng tiền. Câu cấu xanh có tên khoa học là Hypomeces squamosus, thuộc họ Curculionidae, bộ Coleoptera. Thành trùng là một loại bọ cánh cứng hình bầu dục dài khoảng 10-14mm, màu xanh vàng phủ đầy những vẩy ánh kim óng ánh rất đẹp. Ấu trùng thuộc dạng sùng, màu trắng ngà, mình hơi cong, đầu màu nâu, đẩy sức dài khoảng 15-20mm, sống trong đất. Bọ trưởng thành ban ngày ẩn trong lùm cây rậm rạp, họat động vào sáng sớm và chiều tối, ban ngày có nắng ẩn dưới đất, ít bay, bò chậm chạp, thấy động thì lẫn trốn hoặc giả chết rơi xuống đất. Trưởng thành đẻ trứng rãi rác trên mặt đất. Sâu non sống trong đất ăn chất hữu cơ mục nát hoặc rễ cây. Giai đọan ấu trùng có thể kéo dài trong nhiều tháng. Trưởng thành ăn lá rất mạnh, chúng ăn trụi cả lá ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây làm cây còi cọc. Khi cây có hoa, chúng ăn khi hoa mới nhú và cả hoa nở. Do ban ngày sâu ẩn nấp nên thường chỉ thấy triệu chứng cây bị hại mà không thấy sâu. Để phòng trừ câu cấu xanh nên thường xuyên dọn sạch cỏ dại trên luống hoa cho thông thoáng; tưới nước đầy đủ cho hoa, tránh để khô hạn thời gian dài; khi câu cấu xanh phát triển nhiều có thể sử dụng thuốc trừ sâu như gốc Cúc phun lúc chiều mát.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi