Bến Tre: Lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là quá trình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn sản phẩm. Nó có tính đặc thù, khác biệt so với sản xuất nông nghiệp an toàn. Vì nó luôn luôn gắn liền với hệ sinh thái và không được sử dụng vật tư đầu vào có hại như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp, thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hóc môn tăng trưởng. Dù vậy, Bến Tre vẫn là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển hoạt động này kể cả lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh.

Lợi thế kép

Lợi thế tiếp cận chính sách NNHC, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/ND-CP ngày 29/8/2018 Nông nghiệp hữu cơ và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố bộ tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041:1997 và TCVN 12134 dành cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, ghi nhãn sản phẩm NNHC, yêu cầu đối với tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ; đảm bảo hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến. Các văn bản này đều thúc đẩy hoạt động sản xuất NNHC, góp phần tăng giá trị và chất lượng sản phẩm, hàng lưu thông trong nước và xuất khẩu, phù hợp với mục tiêu của dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2020”. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 06/7/2018 Về một số chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong đó có hỗ trợ cho hợp tác xã (HTX) sản xuất NNHC với mức hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã là 20 triệu/HTX; hỗ trợ trang thiết bị văn phòng làm việc: 20 triệu đồng/HTX; hỗ trợ hàng năm tiền thuê lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc ở HTX bằng mức lương tối thiểu vùng; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho HTX (Trụ sở làm việc, sân phơi, nhà kho, xưởng sơ chế) tối đa 80% tổng mức đầu tư nhưng không quá 400 triệu đồng/công trình đối với hình thức đầu tư công trình; hoặc đối với hình thức thuê công trình, hỗ trợ hàng năm theo số tiền thuê thực tế thể hiện trên hợp đồng nhưng không vượt 40 triệu đồng/năm với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Lợi thế về thị trường, hiện nay cả nước có khoảng 76.666 ha nông nghiệp hữu cơ, chiếm khoảng 0,28% so với tổng diện tích đất nông nghiệp (26,8 triệu ha) đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN với 33/63 tỉnh, thành có hoạt động sản xuất NNHC cơ điển hình: Hà Nội, Lào Cai, Quảng Nam, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau… Bến Tre là một trong những tỉnh triển khai thực hiện khá sớm sản xuất NNHC với hơn 3.300 ha diện tích đất canh tác hữu cơ chủ yếu là dừa, rau ăn lá, củ, quả và lúa gạo. Nhờ lợi thế đi trước nên các sản phẩm NNHC của Bến Tre bước đầu đã định hình được thương hiệu trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Được nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ sản xuất NNHC như Quỹ Phát triển nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là dự án AMD) tại Bến Tre đã xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gần 3.000 ha, Tổ chức Seed to Table Nhật Bản hợp tác triển khai dự án phát triển NNHC trong việc xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ. Các tổ chức này mang lại cho Bến Tre những lợi thế rất lớn về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm cũng như việc duy trì vùng sản xuất NNHC đã được chứng nhận.

Vùng đệm sẵn có địa hình của Bến Tre bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằn chịt cùng với tập quán canh tác lên líp lập vườn (mương vườn rộng hơn 2 mét) đã tạo nên ranh giới tự nhiên và vùng đệm rất lý tưởng để ngăn chặn các mối nguy cơ lây lan ô nhiễm do các hóa chất rửa trôi hoặc bay hơi giữa vùng không sản xuất hữu cơ sang vùng sản xuất hữu cơ. Điều này sẽ kéo giảm chi phí đầu tư ban đầu cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào NNHC tại Bến Tre.

Chất lượng môi trường rất thích hợp triển khai sản xuất NNHC, cụ thể như hiện trạng chất lượng môi trường nước mặt qua Chỉ số chất lượng nước (WQI) tương đối tốt với 7% mẫu nước sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, 40% mẫu nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý phù hợp; 36% mẫu nước có thể sử dụng cho mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác, 10% mẫu nước phù hợp sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác, 7% mẫu nước ô nhiễm nặng cần biện pháp xử lý trong tương lai (xem hình). Bên cạnh đó, kết quả quan trắc các chỉ tiêu về chất lượng đất chuyên canh cây lúa, cây ăn trái, hoa màu, đất nuôi thủy sản và bùn đáy cửa sông đều có hàm lượng nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn QCVN 03-MT:2015/BTNMT cột đất nông nghiệp và chất lượng không khí nhìn chung còn khá tốt.

 
Nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ dồi dào là một trong những lợi thế tuyệt đối của Bến Tre, theo số liệu thống kê năm 2017, Bến Tre có 206.241 con bò, 635.082 con heo, 160.341 con dê và 5.212 con gia cầm. Ước tính hàng năm tương đương 1.881.949 tấn phân bò, 764.956 tấn phân heo, 228.245 tấn phân dê và 190 tấn phân gia cầm. Ngoài ra, còn có hàng trăm ngàn tấn mụn dừa được sinh ra trong quá trình chế biến chỉ xơ dừa.

Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định: “Sớm đưa Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn đi vào hoạt động, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, chuyển giao các loại giống mới, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ, góp phần phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao gắn với phát triển du lịch vườn, du lịch sinh thái” đã hình thành hệ thống hạ tầng KH&CN tại chỗ phục vụ hoạt động sản xuất NNHC, nhất là việc kiểm nghiệm, thực nghiệm, sản xuất phân bón, chế  phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh, giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc hữu cơ. Đây vừa là tiềm lực quan trọng, vừa là lợi thế, cơ hội hợp tác của các nhà đầu tư nhằm phát triển nhanh, vững chắc và bền vững các sản phẩm NNHC ở Bến Tre. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng điện đã kéo đến đồng ruộng để quản lý sâu bệnh hiệu quả, hạ tầng giao thông vận tải thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa.

Với nhiều thành tựu KH&CN về NNHC đã nghiên cứu thành công và được áp dụng rộng rãi trên địa bàn, từ khâu sản xuất giống hoa kiểng, cây ăn trái bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Đến khâu sản xuất các chế phẩm sinh học nhằm cung cấp dinh dưỡng, xua đuổi côn trùng, phòng ngừa sâu bệnh và xử lý môi trường; sản xuất phân hữu cơ các loại từ mụn dừa, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp và nấm xanh phòng trừ một số loại sâu, rầy hại trên lúa, dừa, rau màu, hoa kiểng; sử dụng các thiên địch như nhân nuôi thả ong ký sinh bọ dừa và bọ đuôi kìm phòng trừ bọ cánh cứng, sâu đục trái hại dừa; ong ký sinh mắt đỏ để quản lý sâu đục trái bưởi và kiến vàng phòng trừ sâu bệnh trên cây có múi. Các quy trình trồng rau màu hữu cơ đã được chứng nhận theo Hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS) của Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM); trồng dừa và lúa hữu cơ đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP của Hoa Kỳ và theo quy định tại EC 834/2007 của châu Âu. Về thu hoạch đã nghiên cứu xây dựng bảng màu chôm chôm, quy trình thu hoạch, xử lý và tồn trữ trái chôm chôm. Cuối cùng là khâu sơ chế, ghi nhãn cũng đã được nghiên cứu, ứng dụng đối với một số sản phẩm có lợi thế của Bến Tre.

Sản xuất và tiêu thụ rất khắt khe

Sản phẩm NNHC là một phân khúc trong nông nghiệp chất lượng cao của thị trường rộng lớn nên đòi hỏi trình độ sản xuất cao, quy trình sản xuất khắt khe, phương thức quản lý phải được giám sát chặt chẽ hơn, cần có thời gian khá dài, điều kiện về địa điểm thực hiện rất kén chọn và thông tin về sản phẩm phải được công khai, minh bạch rõ ràng và dễ dàng tiếp cận hơn.

Dung lượng thị trường tiêu thụ sản phẩm NNHC trong nước còn nhỏ bé, chủ yếu cho các đối tượng tiêu dùng cao cấp: các bếp ăn gia đình người nước ngoài hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, các khách sạn lớn, công ty cổ phần suất ăn hàng không và người tiêu dùng kỹ tính. Hay nói theo nhận định của ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit đăng trên Báo Người lao động: “Thị trường của chúng ta có hơn 90 triệu dân nhưng 70% là chưa có khả năng tiếp cận thực phẩm hữu cơ, 29% còn đang tìm hiểu và chỉ 1% sẵn sàng mua thực phẩm hữu cơ. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen mua hàng bằng mắt và tai mà chưa có thói quen mua hàng bằng trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần làm truyền thông lâu dài để người tiêu dùng chấp nhận mua giá trị thật của sản phẩm hữu cơ chứ không nhìn vào cái vỏ hình thức bên ngoài”. Sản phẩm dừa hữu cơ và lúa hữu cơ Bến Tre đã có mặt trên thị trường của hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và dư địa của thị trường này còn rất cao cả về dung lượng, độ mở của nó. Dù vậy, cần có cách thức tiếp cận phù hợp, bài bản, chiến lược mới phát triển được bền vững.

Các tổ chức chứng nhận và giám sát quá trình sản xuất ở tại địa phương chưa có nên rất tốn kém với quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ như hiện nay. Giá bán sản phẩm NNHC có thể tăng gấp 1,5 – 2 lần so với sản phẩm nông nghiệp truyền thống nhưng không nên tổ chức sản xuất đại trà và chào bán sản phẩm theo phương thức thông thường mà phải sản xuất theo đơn đặt hàng có sự cam kết bao tiêu sản phẩm chặt chẽ giữa các bên tham gia; tuyệt đối không nên sản xuất tự phát NNHC.

Mức độ tin cậy của người tiêu dùng về sản phẩm NNHC chưa cao, chưa tuyệt đối hoàn toàn do thiếu thông tin xác thực và chưa được chứng nhận của bên thứ ba. Mặt khác, nguồn nhân lực quản lý sản xuất, quản trị tổ chức kinh tế tập thể và kinh doanh sản phẩm NNHC còn nhiều hạn chế nên việc phát triển các dòng sản phẩm NNHC chưa đạt được như kỳ vọng.

Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11041:1997, phần 2 qui định về sử dụng công nghệ trong hoạt động NNHC là không sử dụng các công nghệ chưa được kiểm chứng và không có lợi cho hệ thống hữu cơ, không sử dụng tất cả các nguyên vật liệu và/hoặc sản phẩm có nguồn gốc biến đổi gen ở tất cả các giai đoạn sản xuất hữu cơ, không sử dụng bức xạ ion hóa (chiếu xạ) để kiểm soát sinh vật gây hại, không sử dụng các vật liệu nano (bao gồm cả các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm) trong sản xuất hữu cơ.
Biến lợi thế tĩnh thành hiện thực

Lợi thế tuyệt đối hay lợi thế so sánh đều tồn tại ở trạng thái tĩnh nên không thể khai thác được các hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường do nó mang lại mà rất cần sự nỗ lực của các cấp ngành ở địa phương bằng những giải pháp đồng bộ, đồng loạt, kịp thời, lâu dài cũng như sự đồng lòng của các tổ chức sản xuất, của người nông dân và sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế mới phát huy được lợi thế ấy.

Trước hết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành văn bản hướng dẫn về đánh giá, giám sát sau khi cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp TCVN về NNHC. Bộ KH&CN hướng dẫn các địa phương trong việc áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN về NNHC.

Tiếp tục làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền về NNHC bằng nhiều hình thức, phương tiện phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm tạo điều kiện cho mọi đối tượng tiếp cận, khai thác được thành tựu KH&CN, nhất là các thông tin mới, mô hình mới về NNHC để nhân rộng trong sản xuất trong thời gian tới và các chính sách của địa phương về NNHC.

Để KH&CN thực sự là then chốt trong phát triển NNHC nên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng KH&CN để: “Sớm đưa Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn đi vào hoạt động, làm hạt nhân …” đã  được nêu tại Văn kiện Đảng bộ tỉnh lần thứ X.

Thực hiện một số nhiệm vụ KH&CN nhằm dẫn đắt hoạt động sản xuất NNHC như tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất hữu cơ: chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với dịch hại tốt phù hợp với quy trình canh tác hữu cơ và thích ứng với biến đổi khí hậu; các sản phẩm phân bón sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản hữu cơ; quy trình canh tác, chăn nuôi hữu cơ phù hợp với từng loại cây trồng, vật nuôi.

Triển khai nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có tính cốt lõi về NNHC kết hợp hỗ trợ các tổ chức tham gia thực hiện Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre; trong đó ưu tiên đào tạo nhân lực ở các tổ chức KH&CN công lập, doanh nghiệp, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã ở địa phương.

Đa dạng hóa các tổ chức chứng nhận NNHC, trong đó chú trọng cần xác định rõ hoạt động chứng nhận sản phẩm NNHC ở địa phương thuộc Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm phần chi phí thực hiện dịch vụ chưa tính vào giá theo lộ trình tính giá thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của UBND tỉnh; phấn đấu đến cuối năm 2020 có ít nhất 01 đến 02 tổ chức công lập đủ điều kiện để thực hiện hoạt động chứng nhận sản phẩm NNHC trên địa bàn.

Mặc dù NNHC là phân khúc nằm trong nông nghiệp chất lượng cao nhưng trước yêu cầu phát triển, đổi mới và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nên nền nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh 4.0 dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu KH&CN đối với 08 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Do đó các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất NNHC cần chủ động, không ngừng nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh để tiếp cận được xu thướng phát triển.
Tiếp tục củng cố, gắn kết hợp tác về hoạt động NNHC trên địa bàn tỉnh với các tổ chức quốc tế truyền thống hợp tác, đồng thời tăng cường, mở rộng hợp tác các tổ chức quốc tế có tiềm lực về NNHC.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu ở nước ta và đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong các văn bản chỉ đạo, điều hành.

* Quyết định số 06- NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII ngày 05/11/2016 đã chỉ rõ: “Tập trung phát triển ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ; có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái”.

* Quyết định số 1600/QĐ- TTG ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều tiềm năng hướng tới một nền nông nghiệp cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả, phát triển chuỗi nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu”.

* Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã xác định: “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, tập trung hai mũi nhọn là kinh tế vườn và kinh tế biển” như “sản xuất tạo ra quy mô sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong, ngoài nước.”, “nhân rộng các mô hình sản xuất lúa sạch”, “thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, “ ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nuôi an toàn sinh học”.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn