Hiện trạng và giải pháp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang hiện hữu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực, mọi doanh nghiệp (DN), tạo nên sự thay đổi lớn trong phương thức sản xuất, sự hội tụ giữa ứng dụng vật lý và kỹ thuật số tạo thành sự xuất hiện Internet vạn vật (IoT) làm thay đổi nhanh chóng, sâu rộng toàn bộ chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển đến sản xuất, logistics đến dịch vụ khách hàng, giảm chi phí giao dịch, vận chuyển mang đến sự kỳ diệu cho hoạt động sản xuất và năng suất. Năng lực cạnh tranh của DN gắn liền với trình độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất và quản trị. Công nghệ giúp DN tăng tốc độ, giảm sai sót và loại bỏ lãng phí. CMCN 4.0 xây dựng nên các DN số dựa trên việc kết nối các chuỗi giá trị trong và ngoài DN, số hóa quá trình sản xuất, dịch vụ tạo những mô hình kinh doanh mới. Do đó, từ tư duy đến hành động của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN), DN, tổ chức KH&CN, viện, trường cần chuyển động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới để xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng có nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

Năng lực tiếp cận

Về mặt chính sách, từ lâu Việt Nam đã có các chính sách có thể chưa trực diện nhưng liên quan rất nhiều đến CMCN 4.0. Cụ thể: Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước, Đề án Số hóa của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chương trình đổi mới công nghệ của Bộ KH&CN. Từ năm 2013, việc nhận diện cơ hội, giá trị và thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, tạo tiền đề nắm bắt CMCN 4.0, Thủ tướng Chính phủ đã đề cập trong các văn bản như Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22/2/2013 Phê duyệt Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có nội dung: “Ứng dụng thiết bị cơ điện tử, các hệ thống điều khiển tự động hiện đại, thông minh vào các dây chuyền thiết bị đồng bộ trong ngành xây dựng, luyện kim, hóa chất, chế biến nông, lâm, thủy sản và giao thông vận tải. Thiết kế, chế tạo một số thiết bị tự động hóa, đo lường và xử lý thông tin, mô phỏng hệ thống, rô bốt để tự động hóa các quá trình sản xuất công nghiệp”; Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0; Quyết định số 1819/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025… có các giải pháp về cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia nhằm góp phần đạt trung bình các nước ASEAN 4 về các chỉ tiêu môi trường kinh doanh và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia… Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông Ban hành kèm theo Quyết định này Bộ tiêu chí thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử (Phiên bản 1.0) để thực hiện Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Bộ KH&CN ban hành Quyết định số 3214/QĐ-BKHCN, ngày 24/10/2018 Về việc phê duyệt Danh mục nhiệm vụ KH&CN đặt hàng thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử”, mã số KC.01/16-20.

Tuy nhiên, đến nay một số bộ ngành ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 như Bộ Công thương Quyết định số 4246/QĐ-BCT ngày 10/11/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chỉ thị số 6524/CT-BNN-KHCN ngày 7/8/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ KH&CN thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Đề án Tri thức việt số. UBND các tỉnh trong vùng đều có văn bản chỉ đạo thực hiện. Do việc chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể của các cơ quan nhà nước, các tổ chức KH&CN và cộng đồng DN trong Vùng còn chậm nên chưa là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự chuyển dịch của nền kinh tế theo làn sóng công nghệ mới này vẫn còn nhiều thách thức, chưa hội tụ các điều kiện thuận lợi cần thiết, kể cả việc thực hiện Quyết định số 347/QĐ-TTg đối với vùng ĐBSCL còn khiêm tốn.

Năm 2017, ĐBSCL có khoảng 52.000 DN đang hoạt động, chiếm gần 10% tổng số DN cả nước, đóng góp 20% GDP của cả nước, trong số đó có hơn 7.824 DN (chiếm 15,05% tổng số DN của Vùng) đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Về tiềm lực KH&CN, trong Vùng có Viện Lúa ĐBSCL, Viện Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL và 74 đơn vị đào tạo gồm trường đại học, phân hiệu đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Số lượng DN KH&CN của Vùng còn tương đối thấp.

Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông băng rộng của Vùng phải đối mặt với khá nhiều thách thức trong cuộc CMCN 4.0. Theo Bộ Thông tin và Tuyền thông, Việt Nam có 83.000 trạm phát sóng 3G, phủ sóng tới 95% dân số. Với công nghệ 4G vừa mới được đưa vào triển khai, hiện có khoảng 43.000 trạm phát sóng, đảm bảo phủ sóng 95% dân số Việt Nam. Việt Nam có số lượng thuê bao băng rộng cố định còn khiêm tốn, đa phần việc phát triển là ở băng rộng di động.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” do Diễn đàn kinh tế thế giới mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho CMCN 4.0 và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp: Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao, chất lượng đại học lần lượt xếp thứ 81/100 và 75/100; Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạng 92/100 về công nghệ nền, hạng 77/100 về năng lực sáng tạo.

Báo cáo của tổ chức WIPO công bố, chỉ số GII năm 2018 của Việt Nam tiếp tục cải thiện vị trí, tăng 2 bậc, lên vị trí 45/126 quốc gia/nền kinh tế được xếp hạng. Thứ hạng này đã cải thiện 14 bậc so với xếp hạng năm 2016. Quan trọng hơn, Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột, đều cao hơn mức trung bình. Cụ thể, thể chế vĩ mô tiếp tục được cải thiện đáng kể, điển hình như chỉ số về nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật tăng mạnh từ hạng 74 lên hạng 57; Chỉ số về môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện tăng 10 bậc. Nhóm chỉ số về Trình độ kinh doanh tăng 7 bậc, là nhóm có sự cải thiện thứ hai sau thể chế. Trong đó, đáng kể nhất là chỉ số chi cho đổi mới công nghệ của DN tăng 23 bậc lên thứ 13, chỉ số chi cho nghiên cứu và phát triển của DN tăng 4 bậc lên thứ 48; chỉ số hợp tác Đại học và DN tăng 17 bậc lên thứ 59. Đặc biệt, với chỉ số mới về sáng tạo trực tuyến là chỉ số tạo ứng dụng di động, một chỉ số về phát triển kinh tế số, Việt Nam được xếp hạng 16, thay cho vị trí thứ 52 về tải video lên youtube của năm 2017.

Xếp hạng và chỉ số đánh giá tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017. Top 10 tỉnh, thành phố đứng đầu gồm: Thừa Thiên - Huế; thành phố Đà Nẵng; Lâm Đồng; Quảng Ninh; Thành phố Hồ Chí Minh; Lào Cai; Khánh Hòa; An Giang; Tiền Giang và Hà Tĩnh. Các tỉnh, thành còn lại vùng ĐBSCL: Đồng Tháp, Cần Thơ và Tây Ninh lần lượt xếp hạng 20, 21 và 22; Kiên Giang 29; Vĩnh Long 35; Long An 37; Cà Mau 39; Trà Vinh 49; Bạc Liêu 51; Bến Tre 57; hạng 59 và 60 là Hậu Giang và Sóc Trăng. Với các chỉ số thành phần được đánh giá cụ thể như sau.

Xếp hạng và chỉ số đánh giá hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin năm 2017 của các tỉnh vùng ĐBSCL được xếp hạng như sau: An Giang xếp hạng 15; Tiền Giang 17; Cần Thơ 20; Đồng Tháp 21, Tây Ninh 23; Vĩnh Long 30; Kiên Giang và Bạc Liêu 33, 34; Trà Vinh 37; Sóc Trăng 42; Cà Mau 45; Long An 47; 58 và 62 là sở hữu của Bến Tre, Hậu Giang.

Xếp hạng và chỉ số đánh giá Website/Portal (Cung cấp, cập nhật thông tin; Các chức năng hỗ trợ trên Website/Portal) năm 2017 đối với các tỉnh trong vùng: Xếp hạng 7 và 9 thuộc về An Giang, Tiền Giang; Trà Vinh 13; Kiên Giang 17; Cần Thơ 24; Vĩnh Long, Cà Mau hạng 26 và 27; Bến Tre 36; Bạc Liêu 40; Hệu Giang 42; Tây Ninh, Long An ở vị trí 44, 45; Đồng Tháp 53 và Sóc Trăng 57.
Xếp hạng và chỉ số đánh giá cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh, thành phố của vùng năm 2017: Đứng đầu trong vùng ĐBSCL là An Giang xếp hạng 6; tiếp theo Kiên Giang, Long An, Tây Ninh có xếp hạng tăng dần theo số chẵn 8, 10, 12; kế tiếp Tiền Giang 13; Vĩnh Long 16, Cà Mau 19; Cần Thơ 28, Đồng Tháp 30; Hậu Giang 33, Bến Tre 37; 52, 53 là Trà Vinh và Sóc Trăng; gần cuối bảng 58 Bạc Liêu.

Xếp hạng và chỉ số đánh giá cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trong vùng năm 2017: Liên tiếp hạng 7, 8 và 9 của thành phố Cần Thơ, Tiền Giang và An Giang; Long An 22; Đồng Tháp 24; Tây Ninh 38; liền kề 44, 45 Vĩnh Long và Cà Mau; 47 Sóc Trăng; hạng 51, 52, 53 lần lược Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre; sau cùng là Bạc Liêu.
Xếp hạng và chỉ số đánh giá nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ thông tin của các tỉnh, thành phố trong vùng năm 2017: Tiền Giang giữ vị trí số 1 của vùng và được xếp hạng 5; thành phố Cần Thơ, An Giang, Tây Ninh có xếp hạng tăng dần theo cấp số nhân 5 là 10, 15 và 20; 33 Đồng Tháp; 39 Long An; Hậu Giang 42; 46 Kiên Giang; Vĩnh Long 51; 55, 56, 57 thuộc Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh; 59 Cà Mau; 63 hạng cuối cùng là của Bến Tre.

Nhìn chung, vùng ĐBSCL từ trước đến giờ vẫn là vùng trũng về đào tạo và KH&CN so với các vùng kinh tế còn lại nên các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị cho CMCN 4.0 của Vùng chắc chắn còn nhiều hạn chế.
Giải pháp tiếp cận

Nếu nhận thức CMCN 4.0 là cơ hội cho Vùng ĐBSCL nói chung và DN trong Vùng nói riêng thì phải tiếp cận một cách bài bản, toàn diện, sâu rộng, tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất, vượt qua được thách thức.

Cơ quan nhà nước

Triển khai các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của cuộc CMCN 4.0 trong toàn xã hội và hệ thống cơ quan nhà nước; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, DN về cuộc CMCN 4.0 với các biện pháp, hành động cụ thể. Kịp thời phát, hiện tuyên dương các DN áp dụng thành công CMCN 4.0.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin đối với DN (chính sách về đầu tư, ưu đãi về thuế, thuê sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin, tạo thị trường cho sản phẩm công nghệ thông tin trong nước…). Đặc biệt, khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam; sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; sớm có hướng dẫn quy định việc kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các tỉnh, thành phố với các bộ, ban, ngành; đề nghị sớm phê duyệt các đề án Khu công nghệ thông tin tập trung thành phố Cần Thơ. Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2017/TT-BTTTT ban hành danh mục các sản phẩm trọng điểm theo hướng bổ sung các dòng sản phẩm hỗ trợ CMCN 4.0 và xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu, phát triển 5G, IoT. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình trọng điểm CMCN 4.0 trong đó có nội dung hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, làm chủ, thiết kế, chế tạo… các công nghệ, sản phẩm thuộc CMCN 4.0.

Sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, chuyển giao và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo của DN.

Xây dựng và ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về mô hình doanh nghiệp thông minh, sản xuất thông minh nhằm tạo sự thuận lợi cho DN áp dụng.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của DN, tạo điều kiện cho DN nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.
Tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng băng rộng, đẩy mạnh kết nối số trong các ngành, lĩnh vực, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; khẩn trương xây dựng, đưa vào sử dụng các cơ sở dữ liệu dùng chung của quốc gia và của Vùng ĐBSCL làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử. Nâng cao chỉ số đánh giá về Chính phủ điện tử đối với cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI).

Thực hiện có hiệu quả các Chương trình KH&CN quốc gia; các chương trình đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ cao, sản phẩm quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của DN, sở hữu trí tuệ, công nghiệp sinh học… đặc biệt là rút ngắn quá trình xây dựng và đưa vào hoạt động các khu công nghệ cao và phát triển DN ứng dụng công nghệ cao trong vùng. Nhất là triển khai có kết quả đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, đề án “Tổng thể triển khai, áp dụng và quản lý tem truy suất nguồn gốc” và đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa và các đề án khác”.

Xây dựng, thúc đẩy các hoạt động ứng dụng, nghiên cứu phát triển, chuyển giao các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 như Quyết định số 3214/QĐ-BKHCN của Bộ KH&CN, ngày 24/10/2018. Thúc đẩy triển khai giáo dục về KH&CN, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.

Lựa chọn, ứng dụng mô hình DN thông minh, phân xưởng sản xuất thông minh, trang trại hay vùng nguyên liệu thông minh trong từng khâu, từng công đoạn sản xuất và phân phối tương xứng với qui mô và phù hợp với năng lực sản xuất của DN.

Khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của DN và hình thành các bộ phận, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong DN.

Doanh nghiệp

Chủ động, mạnh dạn tham gia ngay việc thực hiện các giao dịch và thanh toán điện tử do các cơ quan, đơn vị triển khai như báo cáo thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cước viễn thông, điện, nước, tín dụng, hóa đơn điện tử,… sẵn sàng tham gia triệt để các dịch vụ hành chính công trực tuyến do các cơ quan nhà nước cung cấp.

Có thể sử dụng một hệ thống các module quản lý theo cấu trúc mở như hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp quản lý tập trung mọi nguồn lực của DN; quản lý mối quan hệ khách hàng, thông tin về khách hàng, hợp đồng, đơn hàng; quản trị nhân sự, quản lý thông tin về nhân viên; quản lý thông tin văn bản, chia sẻ dữ liệu; hoạch định mua nguyên vật liệu đầu vào.

Rà soát và chuẩn hóa các thông tin về hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu theo các tiêu chuẩn nghiệp vụ và kỹ thuật của DN thông minh, có khả năng tích hợp đảm bảo kết nối liên thông phục vụ cho quá trình trao đổi thông tin, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh cho chính cơ sở của mình và hướng tới kết nối với các đối tác bên ngoài DN.
Rà soát, thống kê các công đoạn, các khâu, hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN có tính chất lặp đi lặp lại theo chu kỳ nhằm tiến tới đầu tư tự động hóa, tự hành trong từng công đoạn, từng khâu và cho từng hoạt động đó.

Từng bước lựa chọn, đầu tư lộ trình xây dựng mô hình phân xưởng, nhà xưởng sản xuất thông minh, vùng nguyên liệu thông minh và mô hình DN sản xuất thông minh.

Xây dựng và phát triển cổng dịch vụ của DN. DN đầu tư thiết bị các máy tính được kết nối qua mạng LAN (đường truyền nội bộ và các thiết bị mạng); mạng LAN được kết nối với các trung tâm dữ liệu/phòng máy chủ nội bộ và các đường truyền số liệu, trong đó có đường truyền Internet. Tất cả các thiết bị này đều được giám sát bởi một hệ thống giám sát mạng.

Yêu cầu về kỹ thuật: có khả năng cài đặt và vận hành tốt trên nhiều môi trường hệ điều hành nền cơ bản như hệ điều hành MS Windows Server, Linux,… Sử dụng công nghệ Web-based, hỗ trợ người dùng cuối sử dụng thiết bị cầm tay thông minh với màn hình khổ rộng: iPhone, iPad,… thông qua các trình duyệt web thông dụng. Đáp ứng các yêu cầu tích hợp, kết nối trao đổi dữ liệu giữa các điểm trong hệ thống và giữa các hệ thống với nhau trên mạng diện rộng. Cho phép kết nối, tích hợp với hệ thống thông báo tự động bằng tin nhắn SMS hoặc Email để thông báo/nhắc việc/cảnh báo lỗi theo vai trò.

Những giải pháp trên nếu được sự đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ KH&CN và cộng đồng DN và được tiến hành triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng mức, chắc chắn DN nhỏ và vừa ở vùng ĐBSCL sẽ tiếp cận và khai thác sử dụng hiệu quả thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đem đến.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn