Đốn bỏ chôm chôm trồng sầu riêng nông dân cần thận trọng

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xuất hiện hiện tượng nông dân ồ ạt đốn bỏ cây chôm chôm để trồng sầu riêng. Theo kết quả thống kê đến cuối năm 2017, trên địa bàn huyện Chợ Lách diện tích trồng cây sầu riêng đã tăng 93 ha so năm 2016 trong khi đó diện tích trồng cây chôm chôm cũng giảm 68 ha và cũng đang có xu hướng giảm mạnh trong thời gian tới.

Qua trao đổi với nhiều hộ dân trồng sầu riêng được biết với lý do khá đơn giản là thu nhập từ cây sầu riêng sẽ cao hơn cây chôm chôm, vì giá trái sầu riêng thấp nhất cũng 30.000 đồng/kg, còn chôm chôm bấp bênh với giá bình quân 12.000 - 20.000 đồng/kg. Trong điều kiện sản xuất còn nhỏ lẻ, sự tác động của biến đổi khí hậu, đầu ra sản phẩm nông nghiệp còn lệ thuộc vào mùa vụ, với cách tính đơn giản, mong muốn có thu nhập cao nên một số bà con nông dân không ngần ngại đốn bỏ cây chôm chôm để trồng cây sầu riêng. Tuy nhiên, trong xu thế sản xuất hiện nay cần phải hướng đến sự bền vững nhất là ngành nông nghiệp. Do đó, việc đốn bỏ cây chôm chôm để trồng cây sầu riêng bà con nông dân nên hết sức thận trọng.

Dẫu biết rằng cây sầu riêng cũng là cây trồng chính có trong định hướng phát triển chung, tuy nhiên việc phát triển nhanh và nóng như hiện nay cũng là điều đáng lo ngại, nhất là việc đốn bỏ cây chôm chôm để trồng cây sầu riêng. Để có cơ sở định hướng cho phát triển lâu bền, một số thông tin sau cần được trao đổi.

 
 
 Chôm chôm năng suất, chất lượng cao.


Về canh tác thì hơn 80% nông dân trồng chôm chôm đều có kinh nghiệm trong sản xuất, nhất là sản xuất vụ nghịch hay rãi vụ, với kỹ thuật khá đơn giản là đậy mủ và bơm nước. Riêng cây sầu riêng, tuy dễ trồng nhưng rất khó tính, kể từ giai đoạn kiến thiết cơ bản nếu không quan tâm chăm sóc thường xuyên thì cây sẽ kém phát triển và có nguy cơ chết với tỷ lệ rất cao so với cây chôm chôm. Đối với giai đoạn khai thác trái, nhất là xử lý nghịch vụ đòi hỏi nông dân phải có nhiều kinh nghiệm và xử lý nhanh những tình huống khi thời tiết không thuận lợi. Trong xử lý nghịch vụ cũng đồng thời đậy mủ, bơm nước nhưng còn phải xử lý nhiều giai đoạn kỹ thuật khác như phun hóa chất, phun chất tạo mầm, chất kích hoa… Qua khảo sát, hiện tại không quá 5% nông dân nắm được kỹ thuật và kinh nghiệm này.

Về năng suất, chất lượng, cây chôm chôm luôn ổn định với năng suất bình quân trên 30 tấn/ha do cây rất dễ đậu trái, ít có hiện tượng rụng trái hàng loạt do sốc nước hay thời tiết thay đổi, chất lượng trái luôn ổn định, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Trong khi đó, năng suất trái sầu riêng còn rất thấp và luôn biến động từ 10-15 tấn/ha do chịu nhiều rủi ro trong kỹ thuật canh tác cũng như biến động của thời tiết làm cho trái thường bị rụng hàng loạt, kéo năng suất giảm đến mức thấp nhất, chất lượng trái cũng biến động theo mùa vụ, thời tiết, kỹ thuật canh tác gây ra hiện tượng cơm bị sượn, cháy múi, trái lớn quá khổ, méo trái mất hộc… trái đạt chuẩn luôn biến động ở tỉ lệ 6/4, còn chôm chôm thường là 9/1.

Về sâu bệnh hại, cây chôm chôm đến giờ này, ngoài 4 nhóm sâu bệnh hại chính như bệnh phấn trắng, sâu đục trái, rệp sáp, ruồi đục quả đối với bà con nông dân việc quản lý các đối tượng này chưa có gì đáng lo ngại. Trong khi cây sầu riêng, thuộc nhóm thân nước, cây trồng sinh trưởng nhanh và trồng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm nên luôn chịu áp lực cao của sâu bệnh hại. Qua khảo sát, có rất nhiều đối tượng gây hại như trên lá có rầy phấn, rầy xanh, bệnh cháy lá, trên hoa thì bị khô bông, thối bông, sâu ăn bông, trên trái thì sâu đục trái, thối trái, trên thân cành thì bệnh nấm hồng, xì mủ thâm, sâu đục thân, ở rễ thì bị xì mủ, thối rễ, tuyến trùng… Để quản lý tốt các đối tượng này đòi hỏi nông dân phải có kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực cao.

 
 
 Sầu riêng già năng suất thấp; sầu riêng con mới trồng bị vàng lá thối rễ.


Về thị trường và sức cạnh tranh, thị trường chính là Trung Quốc cho cả hai loại chôm chôm và sầu riêng, mùa vụ cũng tập trung vào các tháng nghịch vụ từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch năm sau đối với khu vục đồng bằng Sông Cửu Long riêng miền Đông, Tây nguyên tập trung vào các tháng còn lại. Tuy nhiên về vùng trồng, diện tích và sản lượng là điều đáng lo ngại cho cây sầu riêng, gần như ở tất cả các vùng miền và một số nước lân cận đều trồng được và đang phát triển mạnh diện tích cây sầu riêng, còn cây chôm chôm chỉ phát triển được ở một số khu vực nhất định ở miền Tây và miền Đông Nam bộ. Do đó, sức cạnh tranh của trái sầu riêng tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn nếu phát triển nhỏ lẻ, sản lượng thấp nên cần được quan tâm.

Về đầu tư và công lao động, đối với cây sầu riêng, ngoài đầu tư ban đầu cho kiến thiết cơ bản khá lớn thì việc đầu tư trong giai đoạn kinh doanh cũng khá cao, nhất là giai đoạn xử lý ra hoa, phải tập trung nhiều vật tư nông nghiệp để điều khiển ra hoa, quản lý sâu bệnh hại, nuôi dưỡng trái… nên chi phí cũng khá cao so với đầu tư cây chôm chôm. Bên cạnh đó, trong xu thế chuyển dịch lao động nông thôn lên thành thị ngày càng nhiều và nguy cơ thiếu lao động ở nông thôn là không thể tránh khỏi. Với cây chôm chôm lao động chăm sóc, phun thuốc, thu hoạch với ngày công tương đối ít cũng đang từng bước gặp phải khó khăn như thiếu nhân công thu hoạch khi mùa vụ tập trung. Còn cây sầu riêng, ngoại trừ công thu hoạch do thương lái đảm nhận, còn công nhật khác đòi hỏi phải thường xuyên hơn, như phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân nhiều hơn. Đây sẽ là thách thức lâu dài, nên nông dân cũng cần thận trọng.

Riêng về hiệu quả kinh tế, thời gian kinh doanh thì cây chôm chôm có thời gian khai thác dài hơn, bình quân từ 15-20 năm trong khi đó cây sầu riêng chỉ khoảng 8-10 năm.

Như vậy, với những thuận lợi, khó khăn thách thức trên nông dân cần thận trọng khi phải đốn bỏ chôm chôm để trồng sầu riêng. Không vì giá trái hiện tại mà quên đi chiến lược lâu dài trong chương trình phát triển bền vững cây chôm chôm.

Với vùng đất truyền thống của cây chôm chôm đã được châu Âu biết đến qua tiêu chuẩn GlobalGAP, nhiều mã vùng được thiết lập thể hiện thế mạnh của người dân Phú Phụng – Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung. Với biến đổi khí hậu ngày càng tác động xấu đến ngành nông nghiệp, do đó việc thích nghi, tồn tại và phát triển lâu bền là yếu tố hàng đầu. Thật vậy, biến đổi khí hậu tới đây sẽ ngày càng khóc liệt hơn, việc ổn định và phát triển sản xuất sẽ là một thách thức lớn, nhưng với cây chôm chôm chúng ta có thể biến thách thức thành cơ hội từ những lợi thế có được, nhất là việc thu hẹp dần diện tích trồng chôm chôm ở các vùng lân cận. Do đó, việc đốn bỏ cây chôm chôm để trồng cây sầu riêng nông dân cần thận trọng hơn.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn