Giải pháp hạn chế thiệt hại vườn cây ăn trái sau ngập úng

Trong đợt triều cường tháng 8 âl (năm 2018) vừa qua kết hợp mưa dầm liên tục nhiều ngày đã khiến một số vườn cây ăn trái của bà con nông dân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành ngập sâu trong nước. Loại cây “nhát nước” như sầu riêng không chống chịu nỗi, một số bị chết, một số rụng lá. Đồng thời một số cây khác như chôm chôm, bưởi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt những vườn cây sầu riêng được nông dân xử lý ra hoa mùa nghịch thì càng bị ảnh hưởng nặng nề hơn.

 Vườn sầu riêng bị chết do ngập úng
(xã Tân Phú, huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre).

Các yếu tố môi trường bất lợi cho cây trồng như hạn hán, ngập úng đều ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Tùy theo loại cây trồng, tuổi cây, giai đoạn sinh trưởng, sức khỏe của cây và thời gian bị ngập mà cây có thể bị ảnh hưởng và thiết hại ở mức độ khác nhau. Trong các loại cây ăn trái, xoài, vú sữa chịu ngập tốt nhất, trong khi đó sầu riêng, cam quít, đu đủ, nhãn là nhóm chịu ngập yếu. Vườn cây ăn trái khi bị ngập nước, bề mặt đất bị phủ một lớp phù sa và nước sẽ chiếm đầy các khoảng trống trong các khe hở của đất (thay vì các khoảng trống ấy chứa oxy). Vì thế, các khí khổng trong đất không còn đủ oxy cung cấp cho bộ rễ cây hô hấp nên rễ nhỏ, rễ ăn sâu bên dưới dễ bị chết. Ngoài ra, khi đất thiếu oxy, hệ sinh vật yếm khí sẽ hoạt động mạnh càng làm cho sự thiếu oxy thêm trầm trọng và thải ra nhiều chất độc hại làm cho rễ cây bị thối. Khí khổng ở lá bị đóng lại, giảm khả năng hút nước, lá bị rủ héo, rụng sớm. Do đó, việc nắm vững các biện pháp phòng, chống ngập úng, bảo vệ cây trồng là rất quan trọng. Để cứu những diện tích cây ăn trái đang còn ngập chìm trong nước, nông dân cần chú ý một số biện pháp sau:

Trước tiên, nếu nước đã tràn vào vườn nên để nước chảy tự nhiên trên mặt liếp vườn không nên ven rấp vì khi dòng chảy thoáng sẽ cung cấp một phần oxy giúp rễ dễ dàng hô hấp. Đừng để cây đâm tược non trong lúc này, nếu  cây ra đọt thì nên phun phân bón lá MKP giúp lá mau già, cây chậm phát triển và đi vào giai đoạn ngủ nghỉ, ít tiêu hao năng lượng vì rễ cây không đủ khả năng cung cấp dinh dưỡng. Nên xử lý lúc chiều mát. Phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày đến khi cây ngưng ra đọt. Phun hoạt chất có chứa Cytokynin (Agrispon, Sincosin,…) giúp ngăn cản quá trình tổng hợp Ethylene và sự oxyt hóa diệp lục tố, giúp cây tăng cường khả năng chống chịu ngập úng.

Tiếp theo, sau khi nước rút, bà con phá váng bằng cách dùng cuốc răng xới nhẹ lớp đất mặt giúp đất thông thoáng, cung cấp oxy cho rễ. Xẻ những rãnh nhỏ thoát nước để nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.

Bên cạnh, nếu cây còn nhỏ, thấp, nước tràn lên cây, nên tiến hành rửa sạch bùn bám vào lá, cành và hổ trợ cây cắm cố định cây trồng để hạn chế long gốc, hư hại bộ rễ. Hạn chế đi lại trong vườn làm cho đất bị dí chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau khi nước rút. Cắt bỏ bớt cành lá, nếu cây đang ra hoa, mang trái phải cắt bỏ hết hoa và trái để cứu lấy cây mẹ.

 
 

 Chôm chôm bị chết do ngập úng (xã Tân Phú, 

huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre).

Việc cung cấp dinh dưỡng cho cây cũng cần thiết song nên chú ý lúc này bộ rễ của cây rất yếu nên khó hấp thu được phân bón gốc. Vì thế phun phân bón lá giai đoạn này là rất quan trọng, giúp cây có đủ dưỡng chất để sinh trưởng phát triển, phục hồi bộ rễ, ra nhiều rễ mới để hút dinh dưỡng từ đất.    Sử dụng phân chứa nhiều lân nhằm giúp cây mau ra rễ mới và phục hồi nhanh, có thể sử dụng Hydrophos liều lượng 50- 60 ml/16 lít nước. Không nên bón đạm làm cây ra nhiều chồi non và cũng không bón phân hữu cơ chưa hoai vì sẽ làm vi sinh vật hoạt động mạnh lấy đi nhiều oxy của cây trồng. Tuyệt đối không nên sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng ra hoa, ra đọt trong thời điểm này.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là phòng trừ bệnh hại cho vườn cây vì sau khi ngập các loài nấm bệnh trong đất (Fusarium, Rhizoctonia, Sclerotium,  Phytophthora) rất dễ tấn công gây hại. Thăm vườn thường xuyên phát hiện các cây bắt đầu có triệu chứng vàng lá, rễ bị thối, sử dụng thuốc trừ bệnh tưới vào đất.

Ngoài ra, về lâu dài, bà con cần củng cố bờ bao và trong vườn cây ăn trái nên để các loại cỏ thân thấp, ít cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng chính (rau trai, đậu phọng dại, rau sam, màng màng tím…) vì cỏ dại giúp cho đất mau khô ráo không bị dẻ chặt khi bị ngập úng.

Để có vườn cây mang trái, ít nhất phải từ 3 đến 4 năm nhưng chỉ vài ngày ngập nước, cây có thể sẽ bị “xóa sổ”. Vì thế, không chỉ ứng phó trước mắt mà cần có giải pháp lâu dài, căn cơ, tích cực chủ động một cách linh hoạt, kịp thời nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất do ngập úng để phục hồi vườn cây ăn trái trong thời gian sớm nhất có thể.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn