Công nghệ và chuyển giao công nghệ

1. Công nghệ quan trọng như thế nào

Khái niệm công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ cũng như Luật chuyển giao công nghệ được hiểu như sau: “Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm hoặc không kèm công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

 


Công nghệ là tất cả những gì dùng để tác động nhằm biến đổi đầu vào thành đầu ra. Đơn giản có thể biểu diến như sau:   
   
Đầu vào là tất cả nguồn lực được sử dụng, bao gồm nhân lực, vật lực,.. Có thể liệt kê trong 5M: Men (con người); Machine (máy móc, thiết bị, dụng cụ,,); Money (nguồn vốn); Material (nguyên vật liệu, mặt bằng, mạng lưới cung ứng); Method (phương pháp làm việc).

Đầu ra bởi tác động của công nghệ bao trùm mọi lĩnh vực: sản xuất, dịch vụ, thương mại,.. kể cả lĩnh vực quân sự, an ninh quốc phòng đến các hoạt động vui chơi, giải trí. Truyền thuyết “Chiếc nỏ thần” của An Dương Vương là một sản phẩm công nghệ “vô ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”. Công nghệ còn được đưa vào lĩnh vực giáo dục như để thiết kế một ngành học thì người học cần phải có chuẩn đầu vào như thế nào mới được học và sau quá trình học sẽ có chuẩn đầu ra thích hợp với chương trình đào tạo.
 
Công nghệ có vai trò rất quan trọng trong doanh nghiệp: công nghệ là biện pháp cơ bản giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm; là biện pháp cơ bản giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh là điều kiện đảm bảo thắng lợi và sống còn của doanh nghiệp.

Tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều kiện hội nhập quốc tế mang lại những cơ hội cũng như thách thức đối với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải luôn sẵn sàng thích ứng bằng cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong lĩnh vực công nghệ đang nắm giữ.

Công nghệ có 2 đặc trưng cơ bản:

- Công nghệ là sản phẩm đặc biệt vì nó là lao động chất xám. Sản phẩm công nghệ có thể mua bán trở thành hàng hoá, do đó cần thiết phải có thị trường công nghệ. Nhà nước thực hiện các dự án khuyến nông, khuyến công miễn phí cho dân nhưng có chế độ cho người thực hiện dự án (Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về chính sách chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp). Điều nhấn mạnh ở đây cần xem công nghệ là hàng hóa có giá trị khác nhau không nên cào bằng.

- Công nghệ là biện pháp, là công cụ để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng công nghệ luôn được đổi mới và thay thế. Công nghệ truyền thống cần được duy trì và đổi mới để cạnh tranh với các sản phẩm khác. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng là thế mạnh; nếu đổi mới sản phẩm truyền thống theo hướng tăng số lượng thì không thể cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp. Các sản phẩm làm theo công nghệ truyền thống có thể kể như rượu lên men truyền thống có cả lên men hiếu khí và thiếu khí sẽ thơm ngon hơn là chỉ lên men thiếu khí (vừa trộn men là chan nước ủ ngay); kẹo dừa sử dụng mạch nha từ mầm lúa sẽ dẻo, thơm ngon hơn là mạch nha từ enzyme,.. Do chạy theo giá thành và thị trường phân khúc thu nhập thấp nên các sản phẩm truyền thống bị thấp kém và có thể bị mất hút như thức uống từ thạch dừa..

Để có thể xem công nghệ là người bạn thì cần biết bạn mình ra sao, hình dáng như thế nào.

Các thành phần cơ bản của công nghệ :
- Phần kỹ thuật (Techno ware): Công nghệ hàm chứa trong máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, phương tiện vận chuyển,…

- Phần con người (Human ware): Công nghệ hàm chứa trong người sử dụng, người vận hành, người chế tạo…Đó là những kiến thức, kỹ năng, tính sáng tạo, kinh nghiệm, tài lãnh đạo,..

- Phần thông tin (Info ware): Công nghệ hàm chứa trong các tài liệu như các dữ liệu kỹ thuật, phương pháp, các thông số, các công thức…

- Phần tổ chức (Orga ware): Công nghệ hàm chứa trong thể chế, tổ chức, quản lý, mối liên kết,.. là việc quản lý, phối hợp có hiệu quả các nguồn lực trong doanh nghiệp.

Bốn thành phần của công nghệ bổ sung và cùng tồn tại trong quá trình sản xuất. Trong đó, thành phần kỹ thuật được gọi là phần cứng, các thành phần còn lại được gọi là phần mềm.

Khi muốn thâm nhập một công nghệ nào, cần xác định thành phần nào thiếu để tập trung tiếp nhận. Có khi chỉ cần một công thức, quy trình là đủ; hoặc chỉ cần con người am hiểu để tư vấn; hoặc phải cải tiến hoặc đổi mới thiết bị hay phải thay đổi cách tổ chức quản lý..

Việc doanh nghiệp theo đuổi một hệ thống tổ chức quản lý nào đó như G.M.P, HACCP, G.A.P, .. cũng là cách đổi mới thành phần tổ chức. Nếu đổi mới theo hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ gia nhập được thị trường thế giới. Hiện nay các cơ quan nhà nước, các đơn vị dịch vụ như bệnh viện, ngân hàng,.. đã sử dụng công nghệ một cửa, bấm số, gọi số theo thứ tự..

Việc phân tích thành phần công nghệ để thấy rõ yếu tố nào là quan trọng tại doanh nghiệp của mình, từ đó có phương án gìn giữ nếu không muốn đánh mất công nghệ. Nếu doanh nghiệp đang có nhân tài công nghệ thì cần có cách đãi ngộ để gìn giữ chớ không thể xem như bao người khác; nếu đang giữ bí mật công nghệ (know-how) thì cần phải giữ cho kỹ bí kíp của mình.

2. Chuyển giao công nghệ


Chuyển giao công nghệ là chuyển nhượng quyền sở hữu công nghệ hoặc chuyển giao quyền sử dụng công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ (Điều 2.7 Luật chuyển giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017)

Việc chuyển giao công nghệ thể hiện chủ yếu dưới hình thức mua bán trên thị trường công nghệ, gồm phần cứng: là những máy móc, thiết bị được bán trên thị trường; phần mềm: là những phát minh, sáng chế nằm trong bí mật của những người chủ sở hữu công nghệ mà các doanh nghiệp chưa nắm bắt được.

Hình thức chuyển giao công nghệ:

- Chuyển giao dọc là chuyển giao công nghệ đang ở giai đoạn sản xuất thử nghiệm cho doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm trên thị trường; chuyển giao ngang là việc đưa một công nghệ đã được đưa vào sản xuất chính thức trên thị trường. Chuyển giao dọc thường từ trường, viện và sản phẩm được chuyển giao là sản phẩm mới nên bên nhận chuyển giao có nhiều cơ hội nắm giữ độc quyền nhưng không ít rủi ro;

- Chuyển giao ngang thường từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác và sản phẩm chuyển giao đã được thị trường chấp nhận nhưng đang có đối thủ cạnh tranh hiện diện.
Ngoài hình thức chuyển giao công nghệ, các hình thức khác như: tham quan nghiên cứu khảo sát, những cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, các tài liệu sách báo, các cuộc triễn lãm và hoạt động tình báo công nghệ,.. cũng quan trọng không kém.

Phương thức chuyển giao công nghệ:

- Mua bán giấy phép là sự chuyển nhượng bao gồm chuyển nhượng công nghệ và quyền sử dụng nhãn hiệu;

- Hợp tác sản xuất cùng khai thác công nghệ phát triển sản phẩm mới và cùng nhau tiêu thụ, công nghệ được định giá trị để hùn vốn;

- Phương thức chuyển giao công nghệ có kèm đầu tư cơ bản thường từ công ty mẹ đặt chi nhánh tại các nước đang phát triển, thành lập công ty liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài; phương thức mậu dịch bù trừ bằng sản phẩm;

- Phương thức dịch vụ tư vấn thường do các công ty tư vấn thực hiện;

- Phương thức nhập nhân tài công nghệ: mời chuyên gia kỹ thuật..

Mức độ chuyển giao:

Trong các dự án có chuyển giao công nghệ cần xem xét rõ mức độ chuyển giao công nghệ để nhận định khả năng thành công, thẩm định giá trị kinh phí của dự án chính xác. Bên chuyển giao công nghệ thể hiện nhiệm vụ chuyển giao một cách cụ thể chuyển giao đến đâu, ở mức độ nào.
Có 4 mức độ chuyển giao công nghệ:

Trao kiến thức: Việc chuyển giao công nghệ dừng ở mức độ truyền đạt, hướng dẫn, huấn luyện, tư vấn.

Áp dụng cho trường hợp bên tiếp nhận có năng lực công nghệ cao hoặc chuyển giao các công nghệ phi vật chất như công nghệ quản lý,.. Mức độ này là chuyển giao thông tin, truyền dạy bí kíp để người nhận tự thực hành làm ra sản phẩm. Giá trị của công nghệ tùy theo mức độ “hot” của thông tin, cơ hội tiếp cận thị trường và giá trị sinh lời của sản phẩm.

Trao chìa khóa (chìa khóa trao tay): Bên chuyển giao tiến hành lắp đặt thiết bị, hướng dẫn qui trình sản xuất, công thức bí quyết, .. cho đến khi hoàn tất toàn bộ cơ sở sản xuất và trao chìa khóa cho bên nhận sau khi sản xuất thử thành công.

Sản phẩm của mức độ chuyển giao này là sản phẩm thử nghiệm chưa phải là thương phẩm (sản phẩm hàng hóa).

Trao sản phẩm: Trao kiến thức, trao chìa khóa và cho đến khi sản xuất thành công một số sản phẩm theo công nghệ được chuyển giao. Sản phẩm này có thể tham gia thị trường và cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Người chuyển giao phải công bố chất lượng và thiết kế mẫu mã để người nhận chuyển giao đưa sản phẩm tham gia thị trường.

Trao thị trường: Trao kiến thức, trao chìa khóa, trao sản phẩm và bàn giao cả thị trường hoặc một bộ phận thị trường cho bên nhận chuyển giao. Đây là mức độ chuyển giao sâu sắc nhất vì người nhận chuyển giao vừa có sản phẩm, vừa có cả thị trường của sản phẩm đó.

Nếu chúng ta xem các trường dạy nghề là chuyển giao công nghệ các ngành nghề cho học sinh thì trường nào chỉ truyền kiến thức, không có thực hành thì mức độ chuyển giao thấp nhất (mức độ 1); Nếu có thực hành nhưng ở mức độ thuyết minh lý thuyết (mức độ 2) thì chưa chắc ra trường làm được việc; Nếu thực hành chuyển giao gắn kết với thực tế sản xuất thì ra trường không phải đào tạo lại và nếu sau khi được chuyển giao là có thể tự khởi nghiệp hoặc thị trường việc làm tiếp nhận ngay thì việc chuyển giao công nghệ là hoàn hảo.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn