Khởi nghiệp từ việc nuôi gà đẻ trứng, lãi trên 12 triệu đồng/tháng

Chăn nuôi theo hình thức trang trại đã và đang trở thành mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Điển hình là trang trại nuôi gà đẻ trứng cung cấp con giống của anh Phạm Đăng Khoa, ấp Định Thọ, xã Tường Đa, huyện Châu Thành, Bến Tre. Nhờ nắm vững kỹ thuật và được đầu tư chăn nuôi khép kín, trang trại của anh luôn cho hiệu quả kinh tế cao, và mang lại thu nhập ổn định.

 Anh Phạm Đăng Khoa khởi nghiệp với mô hình nuôi gà đẻ trứng.

Nếu như trước đây, anh Phạm Đăng Khoa nuôi gà thịt nhưng đầu ra bấp bênh, năm 2016, anh mạnh dạn đầu tư nuôi gà đẻ trứng cung cấp con giống. Bước đầu, anh  Khoa gặp khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật nên còn bị hao hụt về con giống. Đứng lên từ thất bại, anh Đăng Khoa đã tự tìm tòi học hỏi các kiến thức về kỹ thuật nuôi gà đẻ trứng để áp dụng và mang lại thành công. Ngoài việc đầu tư cơ sở, trang thiết bị, anh còn chọn lọc con giống là gà nòi thả vườn để nuôi, bởi theo anh: ưu điểm của loại gà này ít bệnh, dễ chăm sóc và cho năng suất cao.
Khởi nghiệp từ 100 con gà, đến nay, đàn gà của anh Khoa đã lên tới gần 300 con. Với diện tích khoảng 120 mét vuông, mô hình nuôi gà đẻ trứng của anh Phạm Đăng Khoa gồm 2 dãy chuồng nuôi, được thiết kế theo quy trình khép kín có hệ thống chiếu sáng, và hệ thống cung cấp nước uống, thức ăn cho gia cầm tự động,  luôn bảo đảm vệ sinh. Tất cả các khâu chăn nuôi trong trang trại của anh đều thực hiện theo quy trình khép kín nghiêm ngặt, từ khâu cho ăn, xử lý vệ sinh, bảo quản trứng gà…

 Mặc dù nuôi gà với số lượng tương đối lớn, nhưng khi bước vào trại, chúng tôi không cảm nhận thấy mùi hôi của phân gà và chất thải khác. Đây là kết quả mà anh Khoa đã ứng dụng công nghệ sinh học vào chăn nuôi. Theo đó, phân gà được anh xử lý bằng chế phẩm Trichoderma, sau khi ủ khoảng 45 ngày đã tạo ra nguồn phân chất lượng cao, bón cho cây trồng. Đồng thời, anh còn áp dụng quy trình đệm lót sinh học, nhằm xử lý môi trường chăn nuôi an toàn. Hàng ngày anh thực hiện thu gom xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun thuốc khử trùng theo đúng quy định. Chế độ ăn uống của gà đẻ cũng được bổ sung thêm thức ăn tổng hợp chất lượng cao và vitamin đầy đủ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Khoa cho biết: Anh nhập con giống khi gà khoảng 4 tháng tuổi, sau khoảng 2 tháng nuôi, khi gà đạt trọng lượng từ 1kg8-2kg, anh sẽ cho gà đẻ trứng. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, anh Phạm Đăng Khoa cung cấp ra thị trường khoảng 2.400 quả trứng gà với giá bán hiện nay khoảng 9.000 đồng/trứng, sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng, gia đình anh Phạm Đăng Khoa thu lãi khoảng 10 – 12 triệu đồng. Anh Phạm Đăng Khoa cho biết: “Trong kỹ thuật chăm sóc gà đẻ trứng thì theo tôi, mình phải lựa con giống cho kỹ, con giống thuần 100% là gà nòi. Sau khi gà về trang trại thì 5 ngày sau tiêm ngừa H5N1, 15 ngày sau thì tiêm ngừa dịch tả, 15 ngày sau nữa thì tiêm ngừa tụ huyết trùng. Khi gà bệnh, chỉ được dùng thuốc trong những hạng mục cho phép, không được dùng kháng sinh, và thức ăn cho gà cần phải có nguồn gốc rõ ràng… như vậy đàn gà mới phát triển tốt và đẻ sai”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Vòng đời mỗi con gà đẻ chỉ được 12 đến 18 tháng, sau đó, anh Khoa sẽ thanh lý gà thịt với giá bán dao động từ 65.000 – 75.000 đồng/kg thịt gà. Cũng theo anh Khoa: Giống gà này rất dễ nuôi và phù hợp nuôi nhốt tập trung. Đây là giống gà đẻ dày, nếu chăm sóc tốt 1 gà mái có thể sinh sản từ  180 - 230 trứng/năm nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trứng gà thì màu đẹp, tỷ lệ lòng đỏ cao, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ trứng gà của anh Phạm Đăng Khoa hiện nay, chủ yếu cho các thương lái trong tỉnh và được bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 5.000 đồng/trứng.

Nói về mô hình này, chị Lê Thị Tuyết Hằng-Chủ tịch UBND xã Tường Đa nhận định: “Địa phương thấy mô hình này có hiệu quả kinh tế và đang được nhân rộng để góp phần tăng thu nhập cho người dân cũng như thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ngoài tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, anh Phạm Đăng Khoa còn là một cán bộ nông thôn mới năng nổ, nhiệt tình trong công tác, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con”.

Bằng ý chí, nghị lực, sự quyết tâm mạnh mẽ, người thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết ấy đã bước đầu thành công trên con đường khởi nghiệp từ việc nuôi gà đẻ trứng để cung cấp con giống. Trứng gà của anh Phạm Đăng Khoa ngày càng khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường, lấy được lòng tin của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Anh Khoa được xem là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện có hiệu quả phong trào Đồng Khởi khởi nghiệp tại địa phương.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn