Khởi nghiệp từ mô hình dừa dứa nướng

Tại huyện Châu Thành, hiện có trên 7 ngàn ha vườn dừa, và được trồng phân bổ khắp  22 xã, thị trấn. Từ lâu, cây dừa đã góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng, huyện Châu Thành nói chung. Trong đó, không thể không kể đến những người thanh niên khởi nghiệp thành công từ cây dừa. Trong đó có anh Trần Văn Phong, ấp Phú Nhơn, thị trấn Châu Thành với mô hình dừa dứa nướng.

 Anh Trần Văn Phong (bên phải) đang đóng gói dừa dứa nướng.

Vào năm 2017, anh Trần Văn Phong đã mua trọn gói độc quyền sản phẩm dừa dứa nướng. Qua thời gian bắt tay vào việc kinh doanh với thương hiệu “Dừa dứa nướng Ba Đốt”, đến nay, cơ sở dừa dứa của anh trung bình xuất mỗi tháng khoảng 2.000 trái.     

 

Theo anh Trần Văn Phong, nguyên liệu chủ yếu để sản xuất là dừa dứa, bởi dừa dứa tự nhiên đã có vị thơm, và ngọt thanh, khi đem nướng lên thì hương vị đó sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nguyên liệu dừa dứa tại địa phương hiện nay khan hiếm, vì thế, anh Phong đã đến các địa phương trong và ngoài tỉnh như: Tiền Giang, Trà Vinh để kí hợp đồng bao tiêu với nông dân. Hiện, tổng nguồn nguyên liệu anh đang có khoảng 20 ha, nguồn cung không đủ cầu.

Nói về ý tưởng từ mô hình dừa dứa nướng, anh Trần Văn Phong cho biết: “Mình nghĩ muốn làm cho trái dừa được nâng cao giá trị và thu hút du khách về Bến Tre xứ dừa thì trái dừa phải đổi mới và đẹp. Bởi vậy, tôi đầu tư sản xuất dừa dứa nướng Ba Đốt với mong muốn mang trái dừa Bến Tre nâng cao giá trị hơn”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, để sản xuất một trái dừa dứa nướng phải qua 9 công đoạn, nhưng để cho ra mắt một sản phẩm ngon, đẹp mắt chủ yếu phụ thuộc vào sự tinh tế và kinh nghiệm. Trong đó, khi chọn dừa phải chọn trái không quá non cũng không được quá già, để có vỏ cứng, đảm bảo vỏ không bị nứt khi được nướng qua lửa hồng. Trái dừa phải có độ đồng đều về kích cỡ và sẽ được để nguyên vỏ khi nướng. Sau khi thành phẩm, sẽ được gọt vỏ và khắc logo bằng máy khắc tia lazer. Thời gian bảo quản sản phẩm khoảng 10 ngày.

Được biết, hiện nay, sản phẩm dừa dứa nướng Ba Đốt chủ yếu phục vụ khách du lịch với giá từ 35.000 đồng-40.000 đồng/trái. Sản phẩm này hiện được Cục Sở hữu và trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam bảo hộ độc quyền về nhãn hiệu và công nghệ sản phẩm. “Hiện nay, cơ sở của tôi đang gặp khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu. Sắp tới, để mở rộng và nâng cao giá trị sản phẩm thì tôi cần nguồn hàng và sẽ bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nông dân có thể ký kết hợp đồng với cơ sở chúng tôi. Có được nguồn hàng ổn định, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư và thị trường để đưa dừa dứa nướng ngày càng vươn xa”-anh Trần Văn Phong đã nói.

Ngoài việc thành công từ mô hình dừa dứa nướng, hiện nay, anh Trần Văn Phong còn ươm giống dừa xiêm cung ứng cho nông dân các tỉnh trong khu vực với giá 45.000 đồng/cây giống với khoảng 2 ha.

Với mô hình khởi nghiệp của anh Trần Văn Phong đã góp phần gia tăng giá trị trái dừa tại Châu Thành nói riêng và tỉnh Bến Tre nói chung, mang hương vị mới cho người tiêu dùng. Anh Trần Văn Phong là một trong những gương điển hình trong phong trào Đồng khởi khởi nghiệp do tỉnh Bến Tre phát động. Hy vọng, thương hiệu dừa dứa nướng Ba Đốt của anh Trần Văn Phong sẽ ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước vào tương lai không xa.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn