Gương thanh niên khởi nghiệp từ mô hình nuôi vịt trời tại xã Mỹ Thạnh

Thực hiện chương trình “Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”, những năm qua, phong trào thanh niên xung kích phát triển kinh tế và lập thân, lập nghiệp được đông đảo đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Giồng Trôm hưởng ứng. Từ đó, ngày càng nhiều đoàn viên thanh niên dám nghĩ, dám làm đi lên từ hai bàn tay trắng để trở thành những thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi.

 Thanh niên Huỳnh Ngọc Trọng chăm sóc đàn vịt trời.


Ở xã Mỹ Thạnh, đến nay đã có nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp khá thành công góp phần động viên, khuyến khích các đoàn viên thanh niên khác cùng tham gia sôi nổi. Anh Huỳnh Ngọc Trọng, sinh năm 1987, ngụ ấp Bến Đò là một trong những gương thanh niên khởi nghiệp hiệu quả của xã, anh được Ủy ban nhân dân tỉnh trao Bằng khen là thanh niên tiêu biểu xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2016 - 2017. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, cộng với niềm đam mê về chăn nuôi sẵn có nên anh Trọng đã quyết định tập trung phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi. Từng giữ nhiệm vụ Phó Bí thư xã Đoàn, đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với những thanh niên tiêu biểu trên cả nước về khởi nghiệp, lấy cảm hứng từ đó, anh Trọng mày mò tìm hiểu nhiều mô hình khởi nghiệp từ chăn nuôi như nuôi nhím, thỏ, dế,… Đến năm 2016, anh quyết định khởi nghiệp bằng con vịt trời vì thấy những tiềm năng rất lớn từ loại này và phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Ban đầu, khi nói với gia đình và bạn bè về ý tưởng của mình, anh Trọng nhận được rất nhiều sự hoài nghi, phản đối. Bởi lẽ, thời gian đó, trong tỉnh và các vùng lân cận chưa ai xây dựng mô hình kinh tế với giống vịt trời. Nhưng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nghĩ là làm, cuối năm 2016, anh Trọng tìm mua 200 con vịt trời giống về nuôi, đây là loại vịt trời tự nhiên của vùng Đồng Tháp Mười với giá 25.000 đồng/con. Thời gian đầu, do chưa am hiểu kỹ thuật, đặc tính nên việc nuôi gặp không ít khó khăn. Sau đó, thông qua mạng internet, anh tìm hiểu cách nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như khí hậu, nguồn thức ăn,… rồi áp dụng cho đàn vịt của mình. Dần dần, việc nuôi vịt trời của anh vượt qua gia gian đoạn khó khăn, đi vào ổn định và bước đầu gặt hái hiệu quả. Trong quá trình nuôi, anh cẩn trọng chăm sóc số vịt giống, khi vịt được 1 tháng anh tiếp tục thả nuôi thêm 200 con giống nữa, sau 3 tháng nuôi bầy vịt trời có thể xuất bán, trọng lượng đạt từ 1kg đến 1,2kg. Một con vịt thịt xuất chuồng giá trung bình 120 ngàn đồng, hiện nhu cầu thị trường cao, dễ tiêu thụ. Anh Trọng cho biết, nuôi vịt trời không khó, thời gian xuất chuồng nhanh. Nguồn thức ăn của vịt trời, ngoài thức ăn công nghiệp, cho ăn thêm các loại lúa, rau xanh, như thế thịt sẽ chắc và thơm ngon.

Đến giữa tháng 8/2017, nhận thấy nhu cầu người dân cần vịt quay để cúng, họp mặt các ngày lễ, tết khá cao, anh quyết định mua 03 lò quay để quay vịt thành phẩm bán ra thị trường. Do nguồn vịt thịt có sẵn anh bán với giá cạnh tranh cộng với sự cần cù, không ngại khó giao hàng tận nơi nên vịt trời quay của anh khá hút khách. Anh Trọng cho biết, mới bắt tay vào việc quay vịt, chưa tự tin nên anh tìm thị trường ở tận tỉnh Tiền Giang để bán, dần dần tiếng lành đồn xa, món vịt trời quay của anh được đánh giá cao, nên anh bắt đầu chuyển thị trường về các khu vực trong tỉnh và được đón nhận. Trung bình mỗi tháng anh bán được gần 200 vịt trời giống, 200 con vịt quay cho khách địa phương và giao hơn 200 vịt thịt cho các nhà hàng, quán ăn trong, ngoài tỉnh.  

Anh Huỳnh Ngọc Trọng chia sẻ: “Nói chung bây giờ cuộc sống tôi cơ bản ổn định. Thời gian tới, tôi cũng muốn mở một cái tiệm trên Thành phố Bến Tre nên cần một số vốn và mặt bằng cũng mong được sự hỗ trợ. Tôi có kiến nghị thế này, một số thanh niên chưa có điều kiện khởi nghiệp cũng nhờ các ngành chức năng có thể tiếp lửa hoặc hỗ trợ vốn hoặc con giống hay kỹ thuật để cho các bạn có lửa đeo đam mê khởi nghiệp của mình”.

Bên cạnh con vịt trời, anh Trọng còn nghiên cứu và bắt đầu nuôi cá cảnh, đặc biệt là loại cá bảy màu. Qua tìm hiểu thị trường anh Trọng thấy loại này rất có tiềm năng, nên anh mạnh dạn thử nghiệm. Anh Trọng cho rằng, nuôi cá bảy màu chi phí đầu tư thấp nhưng lợi nhuận lớn. Theo anh, khoảng hơn 2 tháng thì số cá hiện tại có thể bán ra thị trường, chủ yếu là thông qua chợ cá cảnh trên các trang mạng xã hội để bán. Nếu cá đạt chất lượng, giá mỗi cặp có thể lên đến 1 hoặc 2 triệu đồng.

Anh Nguyễn Minh Luân-Bí thư xã Đoàn Mỹ Thạnh cho biết: Đến nay, mô hình của anh Trọng cũng đem lại thu nhập tương đối khá hàng tháng cho anh. Đối với xã Đoàn Mỹ Thạnh, qua mô hình của anh Trọng cũng đã giới thiệu cho một số đoàn viên, thanh niên khác. Đến thời điểm này cơ bản đoàn viên, thanh niên cũng đã học hỏi, áp dụng mô hình này vào khởi nghiệp của mình. Từ mô hình của anh Trọng đã tạo cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên khác, nhìn chung mô hình khởi nghiệp trong thanh niên của xã đạt tốt theo yêu cầu Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra”.

Có thể nhận thấy, mô hình khởi nghiệp từ nuôi vịt trời và cá cảnh của thanh niên Huỳnh Ngọc Trọng bước đầu đã mang lại nhiều hiệu quả. Đây có thể xem là hướng đi mới cho đoàn viên, thanh trên địa bàn xã Mỹ Thạnh và huyện Giồng Trôm nói chung.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Bến Tre có cơ sở để thực hiện hoạt động lấn biển
• Giao Thạnh đẩy mạnh phát triển Hợp tác xã Nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn