Cần đột phá mới cho ngành hoa kiểng Cái Mơn

Hoa kiểng cũng là nhóm cây trồng chính trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Chợ Lách ngoài cây ăn trái và cây giống. Tuy chiếm không quá 4% diện tích đất canh tác nhưng giá trị sản xuất đạt rất cao hơn 2 tỷ đồng/hecta, cho nên số hộ tham gia sản xuất ngày càng nhiều, đến nay đã tăng lên 8.836 hộ, sản lượng hơn 13 triệu sản phẩm/năm, trong đó chủ yếu là cung cấp cho dịp tết nguyên đán (hơn 10 triệu sản phẩm), với nhiều chủng loại như mai vàng, bonsai, hoa nở, hoa treo, kiểng xanh mini, kiểng cổ, kiểng thú...

 Cúc mâm xôi đón Tết.


Trong xu thế hội nhập và phát triển, ngành sản xuất hoa kiểng Cái Mơn cũng có thay đổi theo định hướng của thị trường nhưng chưa sâu. Từ sản xuất với qui mô hộ gia đình, nhỏ lẻ đến nay đã thành lập được 02 hợp tác xã, 17 tổ hợp tác và 31 làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng được công nhận cộng với tinh thần tìm tòi học hỏi, nông dân Chợ Lách cũng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu trong sản xuất, nắm bắt nhu cầu khách hàng khá tốt, từ đó đã du nhập, sưu tầm nhiều chủng loại hoa kiểng có giá trị, hình thành nhiều cơ sở sản xuất lớn, thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Điểm lại kết quả sản xuất kinh doanh hoa kiểng Cái Mơn trong dịp Tết nguyên đán năm Mậu Tuất cho thấy có 10.060.871 sản phẩm được sản xuất, tăng 260.142 sản phẩm so năm 2017. Tiêu thụ được 8.548.646 sản phẩm, tăng 1.395.103 sản phẩm, trong đó có 3.134.510 sản phẩm được bán tại vườn chủ yếu là cung cấp  cho các thương lái Hà Nội và một số nước bạn như Campuchia, Lào..., số còn lại được mang đi tiêu thụ ở các tỉnh thành như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Trà Vinh, Cà Mau... Kết quả trên có được, ngoài sự nhạy bén, tiếp cận cái mới của người dân còn có sự quan tâm vào cuộc của các ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường. Trong năm 2017, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách đã chủ động kết nối với Ủy ban nhân dân Quận 4, Quận 8, Công ty quản lý khai thác chợ Bình Điền, Công ty Công viên cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện cho các hộ sản xuất kinh doanh đăng ký lô bán hoa kiểng tết; ngoài ra, nhờ kinh tế chung của cả nước có sự phục hồi và phát triển sau đợt hạn mặn năm 2016 làm tăng sức mua của người dân. Bên cạnh đó, thời tiết có nhiều bất lợi đối với các vùng sản xuất hoa kiểng lớn trong khu vực nhưng không đáng kể đối với vùng sản xuất hoa kiểng Cái Mơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một lượng khá lớn với 1.512.225 sản phẩm mai vàng, tắc kiểng, bonsai, vạn thọ... không tiêu thụ được. Theo dự báo của nhiều ngành, trong năm 2018 và tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sản lượng tiêu thụ sẽ không tăng nhưng sức cạnh tranh về chất lượng, đổi mới về chủng loại và giá cả sẽ khó khăn hơn, Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Xét về nguyên nhân còn tồn tại và hạn chế thì có rất nhiều như mưa trái mùa làm cho hoa nở sớm, những quy định của chợ hoa tết phải giao trả lại mặt bằng trước 12 giờ cũng góp phần làm ảnh hưởng đến việc bán buôn của người dân. Và nguyên nhân quan trọng của ngành sản xuất hoa kiểng Cái Mơn là còn mang tính truyền thống rập khuôn, chậm đổi mới trong ứng dụng khoa học công nghệ, chạy theo thị trường năm trước nên sức cạnh tranh so với các làng hoa kiểng trong khu vực thì hoa kiểng Cái Mơn có bước tụt hậu.

Do đó, để ngành sản xuất hoa kiểng Cái Mơn ổn định, phát triển trước mắt cần duy trì và phát huy tốt việc xúc tiến thương mại, kết nối thị trường của các ngành nhằm định hướng cho sản xuất. Riêng đối với người sản xuất không nên tăng sản lượng; thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm thiểu tối đa những rủi ro do tác động của Biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, cần liên kết lại tốt hơn nữa để chia sẻ kinh nghiệm, ứng phó những bất lợi của thời tiết, cùng tham gia định hướng thị trường để tổ chức lại sản xuất và nên đoàn kết lại trong khâu tham gia thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài các giải pháp căn cơ trên để duy trì ngành nghề. Về định hướng lâu dài cần mạnh dạn đột phá đầu tư sản xuất các giống mới, giống lạ từ các vùng ôn đới, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng nhất là xây dựng nét độc đáo, đặc trưng riêng cho ngành hoa kiểng Cái Mơn. Về tiêu thụ, bên cạnh khách hàng truyền thống vào dịp tết nguyên đán ở các chợ hoa xuân cần hướng đến thị trường tiêu thụ tại chỗ từ khách tham quan, du lịch thông qua các tuor du lịch sinh thái làng nghề. Đối tượng này rất đa dạng và phong phú nên việc đột phá các giống mới, giống lạ sẽ mang lại kết quả cao, giá trị sản phẩm cũng được nâng lên và quan trọng nhất là an toàn trong thanh toán, ít rủi ro và không phải nhọc nhằn, gian truân như tham gia các mùa hoa kiểng tết.

 Khách nước ngoài tham quan kiểng thú ở vườn Năm Công.


Nói về du lịch sinh thái, theo Boo, 1991 “Du lịch sinh thái là loại hình du lịch diễn ra trong các vùng có hệ sinh thái tự nhiên còn bảo tồn khá tốt nhằm mục tiêu nghiên cứu, chiêm ngưỡng, thưởng thức phong cảnh, động thực vật cũng như các giá trị văn hoá hiện hữu” còn là du lịch có trách nhiệm với các khu thiên nhiên là nơi bảo tồn môi trường và cải thiện phúc lợi cho nhân dân địa phương. Với những khái niệm trên thì làng nghề hoa kiểng Cái Mơn là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhất bởi có cảnh quan thiên nhiên với yếu tố tự nhiên hài hoà nhiều ưu đãi, lại có bề dày lịch sử và nét văn hoá độc đáo như bia tượng niệm cụ Trương Vĩnh Ký, nhiều công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác như nhà thờ họ đạo Cái Mơn. Đấy là những yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch… Ngoài ra, lợi thế lớn nhất hiện nay của làng nghề là thương hiệu với hai chữ “Cái Mơn” đã được biết từ rất lâu và nay đã được Cục sỡ hữu trí tuệ bảo hộ  độc quyền cho làng nghề. Thương hiệu này được kết tinh từ những đặc sản của địa phương, như Trái cây Cái Mơn, Cây giống Cái Mơn, Hoa kiểng Cái Mơn, nhiều kỷ lục Việt Nam, các chỉ dẫn địa lý về cây giống, trái cây Cái Mơn cũng được xác lập và công nhận.

 Các nghệ nhân đang chuẩn bị tắc kiểng Tết.


Do đó, việc đầu tư khai thác các lợi thế của làng nghề, tiềm năng của du lịch mà tạo ra những sản phẩm du lịch từ hoa kiểng, như biểu diễn tay nghề, hướng dẫn khách cách làm hoa kiểng; giới thiệu khách về thực tế các loại hoa kiểng của Cái Mơn thông qua cách nhìn cây kiểng đẹp, cách chọn cây kiểng, cách chơi phong thủy… Điều này các nghệ nhân trong làng nghề ai làm cũng được và chính mỗi sản phẩm du lịch sẽ có thêm một giá trị tương ứng góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Thực hiện được các đột phá trên, ngành hoa kiểng Cái Mơn sẽ có bước tiến vững chắc, an toàn và phát triển bền vững hơn trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Để làm được điều này, ngoài việc tự thân của các làng nghề phải tự đổi mới, tổ chức lại sản xuất với mô hình tập trung theo chủng loại như mai vàng, tắc kiểng, hoa nở, kiểng thú... để có những điểm tham quan du lịch với những sản phẩm cụ thể, sau đó liên kết lại thành chuỗi, tuor tuyến liên hoàn, từ đó sẽ thu hút khách hàng. Đối với các ngành các cấp chính quyền sớm triển khai thực hiện có kết quả đề án du lịch của huyện đã được phê duyệt.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi