Mô hình trồng nhãn Idor trên đất lúa chuyển đổi tại xã Long Hòa và Châu Hưng, huyện Bình Đại

Nhãn Idor là loài cây sinh trưởng phát triển mạnh, kháng tốt dịch chổi rồng cho năng suất cao. Để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy hoạch của tỉnh và huyện Bình Đại, trong năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ kinh phí từ nguồn Sự nghiệp KH&CN cho huyện thực hiện mô hình “Trồng nhãn Idor trên đất lúa chuyển đổi tại xã Long Hòa và Châu Hưng” với qui mô 01 ha cho 02 hộ dân, do Trạm Khuyến nông huyện chủ trì thực hiện.

 Hình cây nhãn Idor trên đất lúa chuyển đổi tại xã Châu Hưng.


Các biện pháp kỹ thuật chính áp dụng cho mô hình, cụ thể như sau:
- Chuẩn bị đất: Đất lên líp; đắp mô: chân mô từ 1 – 1,4m, mặt mô từ 0,8 – 1,2m, chiều cao mô 0,5m.
- Chọn giống và trồng: Mô hình sử dụng nhánh chiết (cây sẽ cho trái sớm hơn nhánh ghép), thân thẳng, vững chắc, chiều cao 60 cm trở lên, đường kính cành 0,8 cm (đo cách giá thể bầu ươm 10cm), lá xanh tốt. Mật độ trồng 35 cây/1.000 m2. Khi trồng, khoét lỗ trên mô, bón lót phân hữu cơ (15-20kg), lân (0,5kg), vôi Dolomite (0,5kg); cây giống cắt bớt rễ, tỉa lá già; cắm cọc cố định cây cho vững.
- Chăm sóc, tỉa cành, tạo tán: Tưới nước hợp lý, cung cấp thường xuyên trong mùa nắng khi cây còn nhỏ. Sau khi trồng khoảng một năm rưỡi, cần tiến hành cắt tỉa và kết hợp tạo tán cây tròn, đều nhằm giúp cây hấp thu được nhiều ánh sáng và phát triển tốt.
+ Sau khi cắt tỉa cành tiến hành xới gốc tưới nước cho đất thấm nước khoảng 2 - 3 ngày; sau đó, bón phân 0,3 kg NPK 18 - 12 - 8 + 2 kg Trimix N2. Tưới nước liên tục 3 - 5 ngày. Sau khi bón phân 5 ngày phun thuốc hỗ trợ cho cây nhằm kích thích cho cây ra đọt mạnh và đồng loạt (phun 1 viên GA3 1 gram cho 100 - 150 lít nước hoặc super root 10 cc/8 lít nước + với thuốc trừ sâu, nhện (để hạn chế bệnh chổi rồng). Khi cây ra tược đồng loạt tỉa bỏ cành vượt, cành yếu, chừa lại 2 - 3 chồi non/nhánh chính.
+ Sau khi cơi 1 vừa xanh vàng, tiến hành bón 0,3 kg NPK 18 - 12 - 8 + 2 kg Trimix N2 /cây. Khi cơi đọt 2 xuất hiện tiến hành phòng trừ sâu, nhện như ở cơi đọt một.
+ Sau khi cơi đọt 2 vừa xanh vàng, bón 0,3 kg NPK NPK 18 - 12 - 8/cây. Được 40 ngày tuổi tiến hành phun MKP 0,5 % giúp lá trưởng thành đồng loạt, giúp cây ra cơi 3 đồng loạt. Khi cơi đọt 3 xuất hiện tiến hành phòng trừ sâu, nhện như ở cơi đọt 1.
- Xử lý ra hoa: Khi cơi đọt thứ 3 chuyển sang màu xanh đọt chuối phun MKP nồng độ 0,5 % (40g/8 lít nước) giúp cây cho lá già đồng loạt. Sau phun 5 - 7 ngày dùng cào ba răng xới đều xung quanh tán cây cách gốc 40 cm, tưới thuốc KClO3 với lượng 80-100 g/1m2 tán. Tưới trở lại lần 2 sau 1 tuần với liều lượng KClO3 bằng nữa lần 1.
- Quản lý nước trong mùa hạn mặn: Cần phải có hệ thống mương đủ sâu, rộng để trữ nước ngọt tưới trong thời gian nước sông bị nhiễm mặn. Tranh thủ lúc nước có độ mặn ≤ 2 ‰ để tưới cho vườn cũng chưa ảnh hưởng xấu đến vườn cây. Cần tăng cường đậy liếp giữ ẩm bằng vật liệu phù hợp có sẵn tại địa phương. Phương pháp tưới nhỏ giọt cũng góp phần sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm. Sau khi có mưa và nước sông đã ngọt trở lại, cần tưới nhiều lần để rửa phèn mặn ra khỏi liếp vườn, trước khi bón phân sẽ giúp cây mau hồi phục sinh trưởng.

- Phòng bệnh: Thường xuyên thăm vườn phát hiện sâu, bệnh hại có biện pháp phòng trị kịp thời; nên phun thuốc trừ sâu sinh học phổ rộng được phép sử dụng trên cây ăn quả nhằm đạt hiệu quả kỹ thuật, kinh tế và ít ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, sau gần 02 năm trồng, cây đã phát triển tốt, chiều cao trung bình 1,8-2m, đường kính tán trên 1,5m. Có khoảng 5% cây phát triển vượt trội, hộ dân đã xử lý cho trái vụ đầu, năng suất trung bình đạt 25 kg/cây (do cây còn non tháng nên đã tỉa bỏ bớt trái non khoảng 2/3), bán giá 28.000 đ/kg, mỗi cây thu về khoảng 700.000 đồng. Dự kiến sẽ xử lý ra trái đồng lọt trong tháng 3 này, đến tháng 9-10 sẽ thu hoạch, ước trung bình mỗi cây sẽ để khoảng 50 kg (nhãn Idor ra trái rất nhiều phải bẻ bỏ bớt, nếu để hết cây không đủ sức nuôi trái). Sau vụ đầu, mỗi năm sản lượng trái sẽ được để mỗi tăng, với cây phát triển tốt năng suất đạt cao nhất khoảng 100kg/cây.

 Nhãn Idor cho trái vụ đầu tại xã Long Hòa.


Theo đánh giá của hộ dân (ông Võ Văn A-xã Long Hòa, ông Nguyễn Hữu Thanh-xã Châu Hưng) thì đây là giống nhãn cũng dễ chăm sóc, kháng bệnh chổi rồng rất tốt, năng suất cao, giá bán cao, ổng định hơn một số loại nhãn khác. Tuy nhiên, đây cũng là loại nhãn khó xử lý ra hoa và chi phí đầu tư cây giống, phân bón, chăm sóc cũng cao hơn các loại nhãn khác. Từ lợi nhuận mà giống nhãn Idor mang về và với kinh nghiệm thực tiễn của mình, 2 hộ dân tự tin khẳng định mình sẽ tiếp tục duy trì và phát triển loại nhãn này.

Từ kết quả bước đầu rất khả quan, cho thấy mô hình trồng nhãn Idor có thể phát triển được trên đất lúa chuyển đổi của xã Long Hòa và Châu Hưng của huyện Bình Đại và các huyện khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Với cây trồng này, sẽ giúp người nông dân nâng cao thu nhập và có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Góp phần thực hiện thành công chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.

Tin tức khác cùng chuyên mục
• Nâng cao năng suất nuôi tôm rừng và tôm quảng canh
• Bến Tre nỗ lực thực hiện sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia
• Công nghệ khí hậu-xu hướng công nghệ trong năm 2024
• Thành quả của Trung tâm điều hành thông minh sau một năm vận hành
• Bến Tre tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới
• Tiêu sợi huyết - phương pháp vàng trong cấp cứu đột quỵ
• Hoa hậu chuyên nuôi tôm công nghệ cao Phan Thị Mỹ Linh
• Hiệu quả từ mô hình phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen
• Quy trình phòng chống hạn mặn trong chăn nuôi
• Đẩy mạnh phát triển vườn dừa hữu cơ, kinh tế hợp tác trong ngành dừa trên địa bàn tỉnh
• Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp huyện Thạnh Phú đạt nhiều thành quả nổi bật
• Giồng Trôm xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với hoàn thiện chuỗi giá trị dừa
• Mỏ Cày Nam ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số và đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn
• Tăng thu nhập nhờ mạnh dạn đa dạng hóa đối tượng nuôi
• Quản lý bệnh héo xanh trên cúc mâm xôi